Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, Tổng thống Ukraine Zelensky nói với các nghị sĩ Mỹ rằng ông hy vọng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trên cơ sở lưỡng đảng - một yếu tố quan trọng khi đảng Cộng hòa chuẩn bị tiếp quản Hạ viện từ đảng Dân chủ vào ngày 3/1.
“Tiền của các bạn không phải là từ thiện”, ông Zelensky nói. “Đó là một khoản đầu tư vào an ninh và dân chủ toàn cầu.”
Ông Zelensky và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters |
Ông Zelensky được chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters |
Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, bài phát biểu của Zelensky trước Quốc hội Mỹ cần phải thuyết phục được phe Cộng hòa tại Hạ viện, những người đang ngày càng bày tỏ sự hoài nghi về việc tiếp tục gửi quá nhiều viện trợ cho Ukraine.
Sự xuất hiện của ông Zelensky được chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội trong căn phòng gần như chật kín người. Ba nghị sĩ giơ cao lá cờ Ukraine.
“Tôi rất vinh dự được có mặt tại Quốc hội Mỹ và trò chuyện với các bạn, cũng như tất cả người Mỹ. Bất chấp mọi kịch bản u ám, Ukraine đã không sụp đổ. Ukraine vẫn tồn tại và phát triển”, ông Zelensky nói. “Chúng tôi đã đánh bại Nga trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới.”
Các nghị sĩ Mỹ liên tục vỗ tay cổ vũ trong quá trình ông Zelensky phát biểu bằng tiếng Anh, đặc biệt khi ông tuyên bố “Ukraine giữ vững lập trường của mình và sẽ không bao giờ đầu hàng”.
Kế hoạch cho bài phát biểu của ông Zelensky được xây dựng từ tháng 10, theo một phụ tá của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, khi bà gặp Ruslan Stefanchuk - Chủ tịch Quốc hội Ukraine bên lề một sự kiện ở Zagreb (Croatia).
Chuyến thăm cũng diễn ra rất đúng lúc, khi Quốc hội Mỹ sắp thông qua khoản hỗ trợ kinh tế và quân sự khẩn cấp mới trị giá 44,9 tỷ đô la, ngoài khoản 50 tỷ đô la đã được gửi tới Ukraine trong năm nay.
Ông Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ. |
Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan cho biết chuyến đi của Tổng thống Zelensky chứng tỏ rằng ông và Tổng thống Biden có chung niềm tin về việc Mỹ, bất chấp những lỗi lầm của mình, đang là “lãnh đạo của thế giới tự do”.
Fried cho biết ông Zelensky "đã đến Mỹ, chứ không phải Berlin, Brussels, London hay Paris" trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Cũng trong ngày 21/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử Đại sứ mới tại Nga với tỷ lệ áp đảo.
Quang cảnh nước Mỹ chào đón ông Zelensky với tư cách là người bảo vệ nền dân chủ mang một thông điệp sâu sắc hơn nhiều so với viện trợ quân sự. Nó nhằm báo hiệu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) vẫn kiên định ủng hộ Ukraine, bất chấp những dấu hiệu mất kiên nhẫn gần đây của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, theo Reuters.