Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP |
Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết ông và người đồng cấp Pháp đã điện đàm về “hậu quả môi trường và nhân đạo từ vụ vỡ đập, đồng thời vạch ra những nhu cầu cấp thiết của Ukraine để tránh thảm hoạ”.
“Chúng tôi đã thảo luận về khả năng sử dụng các cơ chế quốc tế để điều tra nguyên nhân vụ việc”, ông Zelensky nói.
“Chúng tôi cũng đồng ý tiếp tục hợp tác quốc phòng, đặc biệt là để bảo vệ bầu trời. Chúng tôi mong muốn việc huấn luyện phi công Ukraine bắt đầu sớm nhất có thể”, ông nói thêm.
Tổng thống Pháp Macron cho biết sau cuộc điện đàm với ông Zelensky rằng Paris bày tỏ sự đồng cảm với Ukraine sau vụ tấn công đập Kakhovka, và lên án “hành động tàn bạo, gây nguy hiểm cho người dân”.
Ông nói thêm: “Trong vòng vài giờ tới, chúng tôi sẽ gửi viện trợ để đáp ứng nhu cầu trước mắt".
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, trong một video hôm thứ Tư, đã kêu gọi Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và các tổ chức khác giúp đỡ người dân những khu vực bị ngập lụt ở Vùng Kherson do Nga kiểm soát.
Ông cho biết trong một tweet khác rằng Ngân hàng Thế giới sẽ tiến hành “đánh giá nhanh về thiệt hại và nhu cầu” do sự cố đập gây ra.
Trong bài phát biểu video hằng đêm, Tổng thống Ukraine Zelensky mô tả tình hình ở khu vực Kherson do Nga kiểm soát là “thảm hoạ” khi mực nước tiếp tục dâng cao.
“Hôm nay, chúng tôi đã tập trung cả ngày để khắc phục hậu quả của vụ vỡ đập. Hàng chục khu định cư và hàng nghìn ngôi nhà trên vùng lãnh thổ do chúng tôi kiểm soát đã bị ngập lụt”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine kêu gọi một phản ứng nhân đạo "rõ ràng và nhanh chóng" từ cộng đồng quốc tế để giải cứu những người dân ở khu vực do Nga kiểm soát.
Ông bày tỏ sự thất vọng khi nói: "Thật không may, sự chú ý của thế giới là không đủ”.
Trong tuyên bố hôm thứ Ba, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã mô tả việc phá hủy con đập là một “thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn”.
Ông không đổ lỗi cho bên nào, lưu ý rằng “Liên Hợp Quốc không có quyền truy cập vào thông tin độc lập về các tình huống” dẫn đến vụ việc.
Tổng thư ký cũng cho biết Liên Hợp Quốc “và các đối tác nhân đạo đang gấp rút phối hợp với chính phủ Ukraine” gửi hỗ trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Về phần mình, Hội Chữ thập đỏ viết trong một tweet hôm thứ Tư rằng “các đồng nghiệp của họ từ Hội Chữ thập đỏ Ukraine đang làm việc suốt ngày đêm để hỗ trợ và sơ tán các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau khi đập Kakhokva bị phá hủy.”
Đập Kakhovka bị vỡ một phần vào sáng thứ Ba (6/6), gây lũ lụt ở nhiều thị trấn và làng mạc dọc theo sông Dnipro.
Mátxcơva - Kiev cáo buộc lẫn nhau về vụ vỡ đập và kích hoạt nỗ lực sơ tán hàng loạt ở cả hai bên bờ sông Dnipro. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Ukraine "cố ý phá hoại" nhằm tước đoạt nguồn nước của bán đảo Crimea và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công bất thành của Kiev ở Donbass.
Tuy nhiên, Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm, cáo buộc phía Nga làm nổ tung con đập, từ đó ngăn cản bước tiến của quân đội Ukraine.
Vùng Kherson đã bỏ phiếu sáp nhập Nga hồi tháng 10/2022 nhưng Ukraine không công nhận. Quân đội Nga cũng chưa kiểm soát hoàn toàn Vùng Kherson.