1.000 đồng là mức giá người mua phải trả cho 1 con tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) tại Cà Mau, ở thời điểm này. Tính theo ký, mỗi kg tôm loại 70 con/kg cũng chỉ còn 120.000 đồng. So với trước, mức này giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Bạc Liêu.
Anh Nguyễn Văn Nhàn ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu không giấu được sự lo lắng cho biết, với giá tôm này hiện nay người nuôi chưa lỗ, nhưng lãi không đáng kể. Tính ra trong khoảng 10 ngày, người nuôi tôm mất gần 20 triệu đồng cho mỗi tấn.
"Điều tôi lo là không biết có giống mấy tháng trước không. Giá tôm mà còn xuống nữa thì coi như chúng tôi 'chết'. Không biết sao mà con thẻ chân trắng này bấp bênh quá", ông Trần Thanh Xuyên, người nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân nói. Theo lời ông, 3 - 4 tháng trước, giá thủy sản này giảm tới đáy chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg loại 100 con. Gần đây, tôm tăng giá lên được gần 120.000 đồng/kg, người nuôi đang mừng thầm thì nay lại tiếp tục rớt giá.
Nguyên nhân giá tôm giảm mạnh, theo ông Diệp Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau, một phần là do thuế chống phá giá từ phía Mỹ. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã chủ động ứng phó cho giảm giá mua vào. Thêm vào đó, khu vực ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng đang bước vào vụ thu hoạch chính nên áp lực sản lượng lên các nhà máy chế biến rất cao. Người nuôi tôm sợ giá tiếp tục bị giảm nên ào ạt thu hoạch tôm, làm cho sản lượng vượt công suất chế biến của các nhà máy. Nếu kéo dài tình trạng này thì các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục giảm giá, ông Hải nói.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân trực tiếp làm tôm giảm giá chính là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Còn nguyên nhân gián tiếp đẩy giá tôm xuống vực là tình hình bùng phát nuôi tôm ngoài quy hoạch, dẫn đến nguồn cung vượt quá giới hạn.
Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng, lệnh chống bán phá giá của Mỹ không thể làm giá tôm giảm trầm trọng như hiện nay. Tất cả chỉ là cái cớ của các doanh nghiệp, họ tận dụng cơ này đua mức giá xuống thấp nhất có thể. Một số người dự đoán cũng không loại trừ khả năng một bộ phận thương lái ép giá để trục lợi trước lệnh cấm bán phá giá của Mỹ. Bởi lẽ, quy định này không thể làm giá giảm hơn 10% so với cách đây chưa đầy 30 ngày.
Thông tin từ Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, hiện nay, diện tích nuôi công nghiệp của tỉnh đã tăng lên gần 8.000 ha. Chủ yếu người dân nuôi thẻ chân trắng. Địa bàn tập trung nhiều là các huyện Đầm Dơi (gần 2.700 ha), Phú Tân (hơn 1.900 ha), Cái Nước (1.500 ha). Tính riêng từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi của Cà Mau đã tăng hơn 2.000 ha. Tại Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến lên hơn 10.000 ha, vượt gấp 10 lần kế hoạch, tập trung nhiều nhất tại huyện Đông Hải, Hòa Bình.
Giá tôm giảm một phần do thuế chống phá giá từ phía Mỹ. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã chủ động ứng phó cho giảm giá mua vào. Ảnh: Ngọc Trinh/ Zing
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, Từ những thông tin về tình hình giá tôm biến động mạnh, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi nên bình tĩnh, theo dõi tình hình thị trường, không thu hoạch tôm trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm áp lực sản xuất lên các nhà máy chế biến. Có như vậy giá tôm trong thời gian tới mới tăng trở lại.
Cũng theo khuyến cáo từ lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau, ngày 30/9/2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi kháng kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã áp mức thuế chống bán phá giá, khả năng mức thuế sẽ giảm trong thời gian tới, người nuôi tôm nên tiếp tục theo dõi và yên tâm sản xuất.
"Giá tôm sú khá ổn định, bà con nên thả nuôi tôm sú ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục bám sát tình hình xuất khẩu trong thời gian tới và kịp thời khuyến cáo cho người nuôi khi có tình huống xấu xảy ra", cơ quan này cho biết.