Tôm, cá 'tươi rói': Hàn the nhường bước Urê!

Tôm, cá 'tươi rói': Hàn the nhường bước Urê!
Chuyện ướp hàn the để giữ tôm, cá tươi lâu giờ đã... xưa rồi. Loại hóa chất cực kỳ lợi hại, ướp vào cá tôm vừa giữ được màu sắc tươi nguyên, vừa giữ thịt chúng không bị rã khi rửa trong nước, hiện được dùng phổ biến chính là urê.

Một tháng sau khi Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL - BVNLTS) TP.HCM công bố kết quả kiểm nghiệm 62/110 mẫu tôm, cá có chứa hóa chất cấm, đầu tháng 7.2007 chúng tôi đã trở lại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Việc kiểm tra chất lượng và dư lượng hóa chất trong thủy sản gần như bị thả nổi.

Bỏ ngỏ kiểm tra chất lượng

Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền lúc 23 giờ 20 phút đêm 3.7.2007. Từ bên ngoài, nhiều xe tải tấp nập chở các loại thủy sản vào trong chợ.

Cá, tôm, cua, ghẹ, mực... được bày la liệt trong nhiều dụng cụ như: khay, lu nhựa, thùng sắt, thùng phuy, các loại bồn nhựa to... và bắt đầu được các chủ hàng ở đây xử lý trước khi giao bán về các chợ trong thành phố.

Quy trình xử lý diễn ra một cách nhanh chóng: Các loại cá tra, cá ba sa được chuyên chở nguyên thùng xe và những người túc trực ở đây dùng bồ cào cào cá xuống các khay, rồi dùng xe đẩy đưa vào từng khu vực. Riêng các loại cá nục, cá ngừ, cá thu, cá cờ... thì được đựng thành từng thùng riêng ở trên xe, chỉ việc khuân xuống.

Tiếp đó, những người khác bắt đầu công đoạn rũ hết đá ướp rồi phân loại cá lớn, cá nhỏ thành từng thùng, từng khay khác nhau. Sau khi phân loại, họ rắc một lớp đá mới lên, rồi thêm một lớp muối rải đều trên mặt.

Tôm, mực thì đựng trong những lu, thùng lớn được vận chuyển từ trên xe xuống, sau đó trút ra những vại sắt tròn chứa đầy nước. Người ta dùng tay khuấy đều cho đầu mực săn lại và tiến hành rửa sạch, cho ra các khay nhựa. Nhiều loại cá đồng khác được chứa trong những thùng sắt lớn đầy nước, lòng thòng các dây nối với máy thổi oxy.

Ở bên ngoài, các loại máy xay đá chạy hết công suất để cung cấp cho những lô cá vừa được chuyển từ các xe tải xuống. Những sọt đá lạnh toát cứ băng băng đưa vào trong các sạp, các xe đẩy cá cũng nối đuôi nhau tấp nập vào chợ, chúng nhanh chóng được phủ đầy đá ướp, bốc khói nghi ngút...

Trong khung cảnh nhộn nhịp của chợ đêm, tuyệt nhiên không có một sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng kể từ lúc nhập hàng đến khi tôm cá chuyển ra các xe nhỏ tỏa đi khắp nơi.

Thời của urê

Urê là hợp chất hữu cơ của cacbon, nitơ, oxy và hydro.

Urê sử dụng trong công nghiệp sản xuất chất dẻo, phân hóa học, tăng hương vị thuốc lá; sử dụng trong các sản phẩm da liễu cục bộ trong y học.

Trong cơ thể người, nếu lượng urê quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... nếu kéo dài có thể làm chuyển da sang màu xám.

(Theo Wikipedia)

Lâu nay, chuyện ướp hàn the để giữ tôm, cá tươi lâu đã trở thành thói quen của người buôn bán. Thế nhưng, bây giờ chuyện đó đã... xưa rồi. Loại hóa chất cực kỳ lợi hại, ướp vào cá tôm vừa giữ được màu sắc tươi nguyên, vừa giữ thịt chúng không bị rã khi rửa trong nước, hiện được dùng phổ biến chính là urê.

"Thần dược" này phổ biến đến mức hầu như mọi người trong ngành đều ít nhiều biết đến và sử dụng. Chuyện không dễ bị phát hiện nếu như vừa qua, Chi cục QLCL - BVNLTS TP.HCM mang 110 mẫu thủy sản lấy ngẫu nhiên ở chợ Bình Điền về xét nghiệm.

Kết quả khiến ngay cả những người trong cuộc cũng bất ngờ: 42 mẫu phát hiện có urê và 20 mẫu có chất chloramphenicol (loại hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thủy sản). Các mẫu còn lại không phát hiện thấy các chất cấm đều là các loại cá đồng!

Theo Chi cục QLCL - BVNLTS TP.HCM, hiện tượng sử dụng các chất cấm, đặc biệt là urê để tẩm ướp, bảo quản thủy sản đang rất phổ biến.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, lập tức một cuộc họp giữa Chi cục và Ban quản lý (BQL) chợ Bình Điền được triệu tập. BQL chợ cho rằng, trước nay việc kiểm tra các chất tẩm ướp bảo quản thủy hải sản không tiến hành ngay ở chợ do bà con buôn bán còn... mê tín, không thể kiểm tra ngay khi họ mới nhập hàng.

Ông Đặng Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục QLCL - BVNLTS TP.HCM cho biết, đây là lần kiểm tra thủy sản đầu tiên ở chợ đầu mối và kết quả đã vượt ngoài sức tưởng tượng.

Điều quan ngại là không một chủ vựa cá tôm nào thừa nhận hành vi tẩm ướp urê, dù các mẫu phát hiện được lấy tại ô vựa của họ. Mọi chuyện lại đổ về phía đầu nguồn, nơi đánh bắt trên biển.

Theo đó người bán cho rằng nhiều khả năng ngư dân đánh bắt trên biển tẩm ướp urê vào tôm cá, bởi khi lênh đênh hàng tháng trời trên biển trong điều kiện đánh bắt còn thô sơ như Việt Nam thì không giải pháp bảo quản nào hay hơn là dùng hóa chất, mà urê là giải pháp được chọn vì giá rẻ, gọn gàng dễ vận chuyển.

Tôm cá bị “bỏ quên” 

"Chúng tôi mới có được "cây gậy thần" để tiếp tục kiểm tra trong thời gian tới" - ông Đặng Ái Việt nói. "Cây gậy thần" mà ông Việt nói chính là các văn bản pháp lý  vừa ban hành với nội dung "bật đèn xanh" cho việc kiểm tra thủy hải sản buôn bán trong chợ.

Té ra, trước nay (và ngay cả hiện nay), người ta chỉ quan tâm đến việc kiểm tra gia súc, gia cầm mà “bỏ quên” tôm, cá ngoài chợ.

"Sau đợt kiểm tra và xử phạt vừa rồi, tình hình có chuyển biến tích cực hơn. Thương nhân trở nên cảnh giác hơn với các lô hàng mua vào, ký bản cam kết không sử dụng hóa chất cấm để bảo quản. Chúng tôi cũng gửi thông báo đến các chi cục QLCL - BVNLTS các tỉnh (90% thủy sản chợ Bình Điền từ các tỉnh về) để lưu ý họ kiểm tra từ đầu nguồn" - ông Việt nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các biện pháp kiểm tra hóa chất hiện nay được tiến hành trong phòng thí nghiệm, tốn kém rất nhiều thời gian (ít nhất 5-7 ngày mới có kết quả) trong khi việc mua bán ở chợ diễn ra trong tích tắc. Có một phương pháp nhanh hơn là sử dụng dụng cụ test tại chỗ, có thể cho kết quả trong vòng vài giờ song các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình đặt mua.

Ông Việt nói tiếp: "Tất cả các biện pháp kiểm tra cũng chỉ là rượt đuổi đằng ngọn. Cái gốc là thay đổi ý thức của người đánh bắt thủy hải sản, người buôn bán để triệt tiêu việc dùng hóa chất bảo quản".

Ở một khía cạnh khác, hiện nay hệ thống pháp lý để xử phạt hành vi dùng hóa chất cấm để ướp tẩm còn khá chung chung và nhẹ (phổ biến là 3 - 5 triệu đồng/hành vi, cá biệt 10 - 15 triệu đồng/hành vi theo Nghị định 128 xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 45 trong lĩnh vực thương mại), không đủ sức răn đe.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG