Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới đất nước của người Do Thái. Và cũng chưa bao giờ tôi thấy một thành phố hiện đại như Tel Aviv lại “đi ngủ” sớm đến vậy. Mới 8h tối mà đường phố Tel Aviv đã không còn một bóng người, chỉ còn những chú mèo béo múp giương đôi mắt xanh nhìn tôi như kẻ lạc lõng. Càng rảo bước tôi lại càng thấy hoang mang, có cảm giác Tel Aviv lúc này còn tĩnh lặng hơn cả đêm 30 Tết ở Hà Nội… Có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?
Đến Tel Aviv vào thứ năm nhưng do lịch làm việc kín mít nên tôi chưa hề có dịp đi dạo thành phố này vào buổi tối. Ngó vô lịch trình thấy tối thứ sáu được nghỉ, tôi quyết định một mình đi bộ ra khỏi khách sạn để khám phá thành phố được mệnh danh là không ngủ, là thành phố của quán bar và nhà hàng về đêm này ra sao.
Thật bất ngờ và trái ngược với khung cảnh tấp nập vào buổi chiều chỉ cách đây vài tiếng. Mới chưa đầy 9h tối mà đường phố Tel Aviv ở khu vực trung tâm xung quanh khách sạn nơi tôi ở đã vắng lặng như tờ, không một bóng người cũng chẳng có chiếc xe nào chạy qua ngoại trừ một chiếc xe cảnh sát đi tuần. Tất cả, từ cửa hàng, quán xá đến nhà dân đều đóng cửa im ỉm, một bầu không khí tĩnh lặng đến tuyệt đối bao trùm khắp Tel Aviv. Có cảm giác thành phố này đã dừng mọi hoạt động.
Một mình tôi lạc lõng rảo bước giữa Tel Aviv mà không hiểu vì sao cái nơi từng được coi là “1 trong 10 thành phố đáng đến nhất thế giới” lại đi ngủ sớm đến vậy. Thứ sống động duy nhất mà tôi bắt gặp ngoài đường chính là những chú mèo rất đẹp và béo múp míp ở nhiều góc phố. Dân Tel Aviv rất thích nuôi mèo và cả chó nữa, nghe nói thành phố này còn có cả những công viên dành riêng cho chó.
Ở châu Á, theo cảm nhận của tôi, có lẽ người Đài Loan và Israel chính là những người yêu chó nhất. Nếu như ở Đài Loan, tôi thường thấy cảnh người dân ôm ấp chú chó cưng của họ đi dạo ngoài đường hay đi dự các lễ hội truyền thống của địa phương, thì ở Tel Aviv này tôi còn bắt gặp không ít người dắt cả những chú chó to lừng lững đi dự… một hội nghị quốc tế về công nghệ. Dường như đây là cảnh tượng rất bình thường ở Israel, và những chú chó này chắc cũng thường xuyên được đi dự hội nghị cùng với chủ của nó, bởi tôi để ý thấy suốt từ sáng tới trưa lũ chó rất ngoan ngoãn nằm phủ phục ngay dưới chân các ông bà chủ, đáng ngạc nhiên chúng đều “tôn trọng” tuyệt đối bài thuyết trình của các vị diễn giả đáng kính mà không hề gây ra bất cứ tiếng động nào.
Quay trở lại buổi tối thứ sáu lạ thường nói trên. Thất vọng vì một buổi tối quá tẻ nhạt, tôi lê bước về khách sạn, chui vô chiếc thang máy không hiểu sao lại đang mở sẵn như chờ mình và bấm nút tầng 7 nơi tôi ở. Lạ lùng thay, tất cả các nút bấm đều vô tác dụng, chiếc thang máy cứ thế chạy lên rồi tự động dừng lại và mở cửa ở mỗi tầng mà không thấy có bất kỳ ai bấm nút gọi thang phía ngoài. Đến tầng thứ 3, nghĩ rằng chiếc thang máy này “có vấn đề”, tôi bước vội ra và đi bộ xuống tầng 1 để tìm gặp nhân viên khách sạn hỏi cho ra nhẽ. Vừa phàn nàn với cô trực quầy ở bộ phận lễ tân chưa hết câu, tôi nhận được câu trả lời kèm nụ cười đầy vẻ cảm thông: “Hôm nay là ngày Shabbat mà, anh mới tới Israel lần đầu phải không?”. Sau đó tôi được chỉ dẫn đi chiếc thang máy bình thường bên cạnh dành cho những người không theo đạo Do Thái.
Ngày Shabbat
Hóa ra, người Do Thái coi thứ sáu và thứ bảy là ngày nghỉ cuối tuần, chủ nhật là ngày làm việc đầu tuần. Ngày Sabbath là ngày nghỉ hàng tuần, bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời lặn ngày thứ sáu và kết thúc sau khi mặt trời lặn vào ngày thứ bảy. Theo kinh thánh Do Thái, Sabbath là ngày nghỉ của Thiên Chúa sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ. Ngày lễ này rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Trong ngày Sabbath, người theo đạo Do Thái tuyệt đối không được làm 39 điều được quy định rõ trong kinh thánh, trong đó có các việc như đốt lửa, gieo hạt, cày cấy, nhào bột, viết lách, sử dụng tiền bạc… Ngày nay, việc cấm đốt lửa trong ngày Sabbath tương đương với việc không được làm bất cứ thứ gì mà tạo ra tia lửa điện. Vì thế, mọi việc liên quan tới các hoạt động như bấm nút thang máy, bật tắt công tắc điện, nghe gọi điện thoại, nổ máy xe ô tô… đều không được phép. Thậm chí, hệ thống giao thông công cộng cũng dừng hoạt động. Tóm lại đây là ngày mà người Do Thái phải nghỉ ngơi hoàn toàn để cầu nguyện hướng về đức chúa trời, thậm chí nấu nướng cũng không được phép mà phải ăn thức ăn đã chế biến sẵn.
Chính vì vậy, mà trong ngày Sabbath tại khách sạn nơi tôi ở, có một chiếc thang máy được lập trình sẵn để tự động chạy lên rồi chạy xuống lần lượt từng tầng, giúp những người Do Thái có thể sử dụng mà không vi phạm vào điều cấm kỵ “bật tia lửa điện”. Có khách sạn, người ta còn cẩn thận đề rõ thông báo “Sabbath Elevator” lên cửa thang máy để du khách được biết.
(Còn nữa)
Shabbat có nghĩa là "nghỉ ngơi", là ngày thứ bảy trong Do Thái giáo. Theo Do Thái giáo, Chúa đã sáng tạo ra tất cả trong sáu ngày và đến ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ, và ngày đó được gọi là Shabbat. Trong ngày này, kinh thánh Do Thái khuyên các thành viên gia đình cần nghỉ ngơi tuyệt đối, dành thời gian ở bên nhau, cùng nhau trò chuyện, đọc kinh và đi nhà thờ. Ðối với người Do Thái, mục đích tối thượng của ngày làm việc là sự sáng tạo chứ không phải vì tiền. Ðiều này giải thích vì sao, người Do Thái là một trong những dân tộc sở hữu nhiều phát minh nhất thế giới. Năm 2006, Israel là quốc gia sở hữu bằng sáng chế cao thứ ba thế giới.
>>Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa<<
>> Do Thái ký sự: Tối thứ sáu kỳ lạ ở Tel Aviv<<
>> Do Thái ký sự: Ăn uống kỹ tính như người Do Thái<<
>> Do Thái ký sự: Thánh địa Jerusalem<<