Tôi sẽ chống tiêu cực đến cùng!

Tôi sẽ chống tiêu cực đến cùng!
TPO - Bên lề cuộc làm làm việc với thanh tra Sở GD&ĐT Hà Tây, ông Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Tây), người  dũng cảm công khai tố cáo những tiêu cực nghiêm trọng tại HĐ thi Phú Xuyên A, khẳng định sẽ chống tiêu cực đến cùng.
Tôi sẽ chống tiêu cực đến cùng! ảnh 1
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trong buổi làm việc với Thanh tra sở GD-ĐT Hà Tây sáng nay (23/6). Ảnh : Xuân Cường

Sáng nay, 23/6, theo lời mời của thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã có mặt để làm việc về những tiêu cực tại Hội đồng thi Phú Xuyên A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Sau buổi tiếp xúc này với thanh tra Sở, thầy giáo Khoa đã trả lời một số câu hỏi của báo chí.

Xin ông cho biết nội dung cuộc làm việc của ông với thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây?

Trong buổi làm việc với lãnh đạo thanh tra Sở gồm ông Nguyễn Cao Biền - Phó Chánh thanh tra, ông Nguyễn Vinh Thịnh và bà Khuất Thanh Uyên - thanh tra viên, tôi đã cung cấp một số file hình và tiếng quay, ghi được về tình trạng giám thị ném bài ở Hội đồng thi Phú Xuyên A trong ngày 2/6.

Ngoài ra, tôi cũng làm một lá đơn hai trang giấy kiến nghị, phản ánh tình trạng tiêu cực ở Hội đồng thi này, gồm việc thu khoản tiền 150.000 đồng/thí sinh và tình trạng coi thi không nghiêm túc.

Trong đơn, tôi kiến nghị với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh 3 vấn đề:

 - Thứ nhất, cần phải có văn bản chấm dứt ngay tình trạng ôn thi tốt nghiệp để thu lệ phí của học sinh.

 - Thứ hai, cấm việc thu “phần mềm” của thí sinh để bồi dưỡng giám thị dưới mọi hình thức.

 - Thứ ba, thanh sát lại bài thi tại Hội đồng thi Phú Xuyên A, Phú Xuyên B và thậm chí là cả tỉnh.

Đối với trường hợp thu 150.000 đồng/thí sinh ở Hội đồng thi Phú Xuyên A, tôi đề nghị thu lại toàn bộ số tiền, xung công quỹ vì đó là tiền thu sai quy định.

Sở GD&ĐT có gây áp lực với ông vì đã kiện vượt cấp lên Bộ GD&ĐT? Ông có thỏa mãn với nội dung làm việc ngày hôm nay không?

Phía lãnh đạo Sở không gây khó dễ gì với tôi. Hai bên trao đổi rất dân chủ. Lần tiếp xúc này, lãnh đạo Sở mới chỉ lắng nghe và tiếp nhận những tài liệu tôi cung cấp chứ chưa có ý kiến gì. Trước khi lên đây, tôi mong muốn được gặp đông đủ lãnh đạo Sở để trình bày nhưng rất tiếc mới chỉ làm việc được với bộ phận thanh tra. Vì vậy, tôi chưa hài lòng lắm.

Từ khi công khai danh tính, ông có bị áp lực từ phía nào không?

>> Gặp “giám thị tố cáo tiêu cực thi cử” ở Hà Tây

>> Không có chuyện trù úm người tố cáo!

>> Sẽ chấm thi lại với HĐ thi tốt nghiệp THPT tiêu cực

>> 93,78% tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo?

Rất đông bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh... đã gọi điện cho tôi. Trong đó, có nhiều người động viên và khuyến khích việc tôi làm nhưng không ít người thì lên tiếng chỉ trích và cảnh báo tôi không nên tiếp tục.

Đáng buồn là trong số những người không đồng tình có cả đồng nghiệp của tôi. Chính tai tôi đã nghe thấy một đồng nghiệp nam cùng trường bảo: “Trò mèo”.

Đại diện của Hội phụ huynh học sinh trường Vân Tảo cũng gọi điện cho tôi bảo không nên tiếp tục đâm đơn kiện lên Sở nữa, vì nếu có quyết định chấm lại bài thi, chắc chắn hàng trăm thí sinh nữa sẽ trượt. Điều đó phần nào chứng tỏ trình độ của học sinh và tiêu cực trong thi cử.

Ông có cảm thấy mình đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực này?

Khi lên làm việc với thanh tra Sở GD&ĐT Hà Tây, tôi có tham khảo ý kiến ủng hộ của một số đồng nghiệp. Một người khuyên tôi “nghỉ cho khỏe”, người thứ hai bảo sẽ ủng hộ tôi bằng cách nói ra một nửa sự thật mà cô biết, còn người thứ ba thì khuyến cáo tôi nên cẩn thận kẻo bị báo thù.

Tuy vậy, cũng không ít bạn bè, đặc biệt là nhiều bạn đọc và báo chí đã ủng hộ tôi. Tôi rất mừng vì điều đó.

Ông có ân hận về việc mình đã làm không? Trường hợp tiêu cực thi cử không được xử lý triệt để thì năm sau nếu được phân công, ông có làm giám thị coi thi nữa không?

Tôi không hề ân hận vì những gì mình đã làm. Nếu năm nay chưa xử lý được tiêu cực triệt để, tôi sẽ tiếp tục làm giám thị nếu được cấp trên phân công để chống tiêu cực.

Dù bây giờ hành động đã là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Chúng ta không thể thấy thất bại mà đầu hàng trước tiêu cực. Tôi sẽ chống tiêu cực đến cùng.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Mai ghi

Ý kiến bạn đọc

Tên: nguyễn hữu duy

Thầy không bao giờ đơn độc !

Thưa toà soạn!Thưa thầy ! Là một sinh viên - là một người từng trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông em thấy những việc thầy đã làm là vô cùng đáng trân trọng, thầy sẽ không bao giờ đơn độc trên con đường chống lại cái xấu ,cái tiêu cực.

Cách đây 2 năm, em cũng thi tốt nghiệp và em thấy đó là kỳ thi vô nghĩa nhất (cũng xin nói rằng vì tự mình làm mà em không được cộng điểm thi đại học - môn Sinh học em chỉ được 6.5 ),nhưng mà nay em cũng đã là một sinh viên em nghĩ chẳng có gì gian nan trên con đường ngay thẳng mà mình đã chọn.

Năm đó những người bạn của em thì chạy ngược chạy xuôi để lo lót... Thậm chí ở một số trường ,ngay cả Hiệu trưởng còn lo "chạy" thay để lấy thành tích,...

Bây giờ vào đại học em lại thấy việc chạy điểm,gian lận ,...là một điều phổ biến ,em mong những hồi chuông mà thầy gióng lên sẽ làm cho ngành giáo dục của chúng ta ngày càng bớt đi tiêu cực.

Chúng ta cứ đòi hỏi giáo dục của nước nhà phải được thế giới công nhận bằng cấp ,nhưng cứ như thế này thì dù cố gắng bao nhiêu cũng là vô ích.

Mong sao càng xó nhiều người như thầy để những mầm xanh tương lai vốn đã u tối trong những vụ tiêu cực gần đây sẽ có những tia nắng mới . Sự thật bao giờ cũng sẽ chiến thắng!

Tên: Thanh Giang

Cảm ơn thầy Khoa!

Tôi đã từng là học sinh, một học sinh cực kỳ chăm học, và kết quả học tập cũng không đến nỗi nào. Vậy mà kết quả thi TN PTTH của tôi kém hơn rất nhiều bạn trong lớp, mặc dù các bạn đó khi học kém hơn tôi rất nhiều.

Thời đó, năm 1997, chuyện một giáo viên dám đứng lên chống tiêu cực như thầy Khoa là không có nói chi đến học sinh giám tố cáo các thày cô làm hư học trò. Ngày đó tình trạng dạy thêm học thêm đã tràn lan ở quê tôi rồi nhưng tôi thấy lực học của mình chẳng đến nỗi phải học thêm làm gì cho tốn kém vì vậy tôi thường tự mình mày mò học ôn tập tại nhà.

Vậy mà tôi vẫn đỗ và đỗ tới 3 trường ĐH như thường (ĐH Bách Khoa, ĐH Giao Thông, ĐH Mỏ địa chất)! Vì vậy thời đó tôi thấy rất bực mình với những cảnh trướng tai gai mắt. Cảnh quay cóp tràn lan, không phải chỉ thi TN mới quay cóp mà kiêm tra tiết cũng quay cóp, kiểm tra 15' cũng quay cóp, kiểm tra học kỳ cũng coi cóp,...đâu đâu cũng quay cóp.

Khi thi ĐH, cảnh quay cóp vẫn tái diễn, rồi vào ĐH cảnh quay cóp không phổ biến nhưng những môn chính trị-xã hội thì vẫn tràn lan. Khi tốt nghiệp và đi làm tôi nghe theo chỉ dẫn của gia đình khuyên nên vào làm nhà nước cho ổn định.

Bây giờ cảnh gian dối mới tinh vi và xảo quyệt gấp vạn lần tôi từng chứng kiến khi còn đi học! Mới đầu vào, vì tôi TN loại Giỏi nên sếp rất ưu ái tôi và cho cắp cặp theo mỗi khi đi "quan hệ" với các sếp lớn và các đối tác làm ăn. Tôi được chứng kiến những phi vụ làm ăn mà từ trước đến giờ tôi không thể tưởng tượng ra.

Một mớ bòng bong nhằng nhịt từ trên xuống dưới. Họ chẳng quan tâm chăm lo phát triển sản xuất kinh doanh tăng lợi nhuận cho công ty và cho nhà nước mà chỉ lo nghĩ tìm kẽ hở bòn rút tiền của của công ty về cho mình và cho các đối tác của mình.

Sau chưa đầy nửa năm tôi phải xin nghỉ vì không thể chịu được cảnh trướng tai gai mắt. Tôi cũng không đủ nghị lực để đứng lên chống cái mớ bòng bong đó vì nhận thấy sức mình không thể.

Giờ đây tôi đang làm cho một công ty nước ngoài với lòng khá thanh thản. Khi đọc được những thông tin về việc thày Khoa giám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, cho tương lai các thế hệ HS, SV tôi rất mừng. Ước gì tôi có được dũng khí đó! Ước gì có thật thật nhiều người dám đứng lên như thày!

Tên: Tùng Nguyên

Đề nghị ủng hộ và bảo vệ người chống tiêu cực

Kính đề nghị Báo Tiền Phong, đề nghị Sở Giáo dục Hà Tây, công an, các cơ quan chức năng tìm cách bảo vệ thầy giáo Khoa, ngăn chặn các hành động trả thù tiêu cực, để nhiều người khác dám chống tiêu cực. Trân trọng.

Tên: Nguyễn Sơn Tùng, 67 Phó Đức Chính, Hà Nội

Thân gửi Thầy giáo Đỗ Việt Khoa .

Đọc TPO thông tin về việc Thầy tố cáo việc làm sai trái của hội đồng thi địa phương của Thầy tôi có mấy cảm nghĩ sau:

 - Việc tiêu cực trong thi cử đã được biết từ lâu, tồn tại từ lâu , nhưng việc tố cáo nó với bằng chứng cụ thể thì còn ít quá! Vì sao? Vì như lời tố cáo của Thầy: sự tiêu cực này sinh ra từ hai phía: giáo chức và phụ huynh học sinh!

Buồn một nỗi là còn nhiều phụ huynh học sinh lại hậu thuẫn cho việc làm sai của nhà tr'ường để luồn lách luật lệ cầu lợi cho con em mình!!! - Việc làm sai của một nhóm phụ huynh HS , dù nhóm đó lớn đến đâu( tôi nghĩ không phải 100%) đã làm phương hại trực tiếp đến nền giáo dục nước nhà và hại trực tiếp đến con cái của họ mà hộ không ý thức được.

Con cái của họ chăcs hẳn không phải là HS chăm chỉ, học tốt và đứng đắn. Tôi đã từng chứng kiến những học sinh và gia đình các cháu hoàn toàn khác với những gia đình kiểu như trên.

 - Vì vậy, tôi xin bầy tỏ lòng hoan nghênh nhiệt liệt những việc làm của Thầy và những đồng nghiệp như Thầy.

- Xin toà báo Tiền Phong và các toà báo khác tích cực ủng hộ việc đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục của thầy Đỗ Việt Khoa. Đó là một tấm gương sáng không những cần được bảo vệ mà còn cần được biểu dương, khích lệ động viên thật nhiều.

Nếu Bác Hồ còn sống chắc Bác sẽ gửi thư động viên khen ngợi! Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng chia xẻ, ủng hộ bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác của bà Xuân Khải cách đây 20 năm, trong đó có những câu:

Chúng tôi được học. Được thử thách nhiều trong chiến tranh. Chúng tôi nghĩ Nguyễn Huệ Quang Trung. Lứa tuổi 20 lập nên nhiều chiến công hiển hách. Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt? Có học hành lại phải cầu an! Phải thu mình xin hai chữ bình yên. Bởi lẽ đấu tranh- tránh đâu cho được. Đồng chí không bằng đồng tiền! Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp!

Còn người dân chúng tôi chờ đợi những lời nói trên trở thành hiện thực! Xin chúc thầy giáo Đỗ Việt Khoa đấu tranh thắngd lợi! Chúc báo Tiền Phong ngày càng xứng đ&áng với tên gọi của mình: TIỀN PHONG.

Tên: Một bạn đọc

Bệnh thành tích trong nhà trường!

Con tôi học lớp 1, vừa qua đi họp phụ huynh tôi thấy ngạc nhiên bảng tổng kết của lớp là 100% học sinh giỏi (2 môn toán, tiếng việt đều được 9,5 và 10 điểm).

Về nhà hỏi lại con thì cháu tâm sự "Hôm con đi thi hết năm học Cô giáo có dặn dò trước cả lớp và giao nhiệm vụ cho 1 số bạn học khá, giỏi trong lớp là phải kèm cặp bảo ban bài thi cho các bạn học yếu trong lớp.

Như vậy tôi nghĩ không loại trừ con tôi cũng được các bạn cho chép bài. Nhiều hôm lo nghĩ cứ dạy và học ở cấp tiểu học như vậy thì sau này các cháu học lên lớp cao hơn thì kiến thức cơ bản không có, thì lấy đâu ra các cháu học giỏi.

Thiết nghĩ ngành giáo dục nên xem xét thực trạng việc dạy và học trong nhà trường, đánh giá đúng thực chất chất lượng giáo dục, có như vậy phụ huynh chúng tôi mới yên tâm về việc học tập của con em mình!

Tên: nguyen viet hùng

Chấn hưng nền giáo dục để phát huy nguồn lưc con người trong công cuộc CNH-HĐH đất nước là mục tiêu phản ánh nguyện vọng của toàn xã hội.

Kiến thức được đánh giá đúng sẽ khơi dậy niềm say mê, khát khao học tập cho lớp học sinh khi còn trong ghế nhà trường - người chủ xây dựng đất nước trong tương lai.

chúng ta sẽ nghĩ sao khi các em bị nhiễm thói tiêu cực cho là kiến thức do đồng tiền mua được. Vì vậy cách hành xử của người lớn trước vụ việc thầy giáo Khoa tố cáo tiêu cực ở HĐT Phú xuyên sẽ có tác dụng không chỉ gây lại niềm tin cho học sinh về một triết lý giản dị là: "kiến thức có được phải do dùi mài kinh sử".

Việc làm của thầy Khoa cần được Bộ GDDT, Sở GDDT Hà Tây đặc biệt các cấp chính quyền bảo vệ và đánh giá đúng mức.

Tên: Lê Thị Vi Hạnh

Tôi không đủ dũng cảm như thầy Khoa...

Lâu nay, thực trạng học sinh quay cóp đã trở nên phổ biến từ những tiết kiểm tra định kỳ, môn học cho đến kỳ thi và quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp.

Nó xâm nhập không riêng cấp học nào: THCS, THPT, THCN, ĐH. Nó đã xói mòn đạo đức của thầy và trò(không còn là một vài con số nữa). Tôi đã từng là giáo viênTHCN(10 năm), tôi đã cố gắng chống lại quay cóp bằng mọi cách, từ kiểm tra 15 phút cho đến kỳ thi tốt nghiệp.

Nhưng tôi không được sự ủng hộ của Ban GH, các vị này chỉ sợ học sinh rớt nhiều, các em sẽ sợ và không đăng ký vào học nữa. Các vị quên rằng học sinh cần chất lượng hơn tất cả vì các em cần học thực chất để có thể hành nghề khi ra trường.

Và cứ mỗi kỳ thi tốt nghiệp, tôi và đồng nghiệp lại cộng điểm để các em qua, dĩ nhiên, nó đã trở thành phản ứng dây chuyển cho các em học sinh các khóa, không học cũng qua. Tôi không đủ dũng cảm như thầy Khoa, tôi cũng cảm thấy mình không thể làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo và tôi đã ra đi, mặc dù trong lòng vẫn đau đáu với nghề dạy học.

Cảm ơn thầy Khoa. Mong Bộ GD&ĐT đừng né tránh, đừng vì thành tích ảo. Hãy dũng cảm nhìn vào sự thật để vực dậy chất lượng dạy, học và hơn hết là tính trung thực.

Tên: nguyen Minh Quang

Giám thị rất dũng cảm

Tôi đọc báo thấy giám thị dám đứng lên tố cáo là rất dũng cảm.Tôi cũng là học sinh cấp 3 đã tốt nghiệp tại Hà Tây 28 năm trước.Nhưng thời đó chúng tôi không có quay cóp và không phải bồi dưỡng hội đồng thi.Nhưng liệu có bị trù úm không?Đấy là điều đáng lo ngại.

Tên: Nguyễn Việt Nam

Người như anh Khoa đáng được Đảng và Nhà nước ta biểu dương, khen thưởng

Chúng ta đều biết và nhận thức rằng Giáo dục - Đào tạo là nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định sự phát triển của đất nước trong tương lai. Đất nước trong tương lai có phát triển được không phụ thuộc nhiều vào nền giáo dục do thế hệ đi trước, thế hệ hiện tại đặt ra và giáo dục, đào tạo cho thế hệ đi sau.

Nếu thế hệ đi trước quan tâm và tạo lập được một nền Giáo dục - Đào tạo tốt thì chắc chắn tương lai của đất nước sẽ tốt. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta những năm qua cũng đã thực sự quan tâm tới Giáo dục và Đào tạo, chúng ta đã tập trung đầu tư nhiều cho giáo dục đào tạo và theo báo cáo chúng ta luôn đạt kết quả cao: Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp, rất ít học sinh, sinh viên yếu kém.....

Thiết nghĩ liệu kết quả đó có được thực chất hay không? Nếu đó là thực chất thì là điều đáng mừng cho đất nước, nhưng nếu đó là bệnh thành tích thi lại là một điều vô cùng tệ hại và vô hình chung chúng ta đã dạy thế hệ trẻ cách dối trá, cách chạy chọt,.....

Hãy nhìn lại kết quả tuyển sinh năm 2005: Đề thi chỉ được ra trong phạm vi chương trình đào tạo bậc phổ thông, nhưng mặt bằng điểm thi của các em lại có một kết quả rất thấp, thậm chí có môn điểm bình quân của các em không vượt quá 2,5 điểm (môn lịch sử).

Trong khi chính các em lại là những học sinh vừa tốt nghiệp PTTH, vậy kết quả tốt nghiệp của các E có đáng tin cậy hay chỉ là....

Vụ việc xảy ra ở Hà Tây là một lời cảnh tỉnh đối với nền giáo dục nước nhà. Đây chỉ là nơi mà có người dám nói thẳng, dám nhìn thẳng vào sự thật của giáo dục. Còn những nơi khác, những chỗ khác có ai dám làm như vậy không hay là đều tốt cả.

Thiết nghĩ chúng ta hay nhìn lại Giáo dục đào tạo nước nhà, không thể để tình trạng thành tích giả tạo kéo dài mãi được. Chúng ta chấp nhận một vài năm có kết quả thấp nhưng đó là kết quả thực chất, đó là những cái chúng ta có thì mới có tiền đề để đi tiếp, đi cao hơn và buộc thế hệ sau phải nỗ lực học tập hơn.

Người như anh Khoa đáng được Đảng và Nhà nước ta biểu dương, khen thưởng và xem xét đề bạt bổ nhiệm để động viên khích lệ những người khác.

Đồng thời những người được đất nước giao trọng trách quản lý nền Giáo dục - Đào tạo nước nhà cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.

MỚI - NÓNG