Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh:

Tôi sẵn sàng từ chức nếu dự án Cà Ná xảy ra hệ lụy

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
TP - Trả lời câu hỏi của báo chí chiều 30/12 xung quanh dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí cả từ chức nếu dự án này xảy ra hệ lụy xấu. Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu, không có chỗ cho các “mối quan hệ” tồn tại đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến những dự án nghìn tỷ không hiệu quả.  

Dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen ở Cà Ná (Ninh Thuận) được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến nghi ngại rằng có lợi ích nhóm khi đưa dự án này vào quy hoạch ngành thép. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?

Đối với vấn đề liên quan chính sách phát triển của chúng ta thời gian qua như trong công nghiệp thép, đúng là đã trở thành điểm nóng thu hút dư luận. Dự án thép Hoa Sen Cà Ná đã được đề cập nhiều chiều trong đó có chiều cho rằng có liên quan đến chính sách lợi ích nhóm, thậm chí hơn thế, có ý kiến là bảo hy sinh lợi ích môi trường để phục vụ mục tiêu của một dự án.

Tôi cho rằng sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta không đề cập đến những vấn đề này. Quan điểm tiếp cận của Bộ Công Thương rất cầu thị và có trách nhiệm trong việc phê duyệt các dự án. Chúng tôi biết có nhiều luồng dư luận khác nhau và chúng tôi đang rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, dư luận. Chúng ta chưa nói đến dự án đang sử dụng công nghệ gì. Quy hoạch là bước đi đầu tiên để các nhà đầu tư có sự chuẩn bị.

Cá nhân tôi không e ngại khi nói rằng quan điểm của bộ rất cởi mở, lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận. Một mặt chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà phản biện, của người dân, các tổ chức xã hội đồng thời chúng tôi quyết định tổ chức đánh giá tác động của các quy hoạch thép và mời thầu tư vấn quy hoạch xây dựng ngành thép ở Việt Nam trước khi trình Chính phủ thông qua.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, có đại biểu cho rằng dự án Hoa Sen Cà Ná là dự án “oan nghiệt”. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Tôi sẵn sàng từ chức nếu dự án Cà Ná xảy ra hệ lụy ảnh 1

Vùng biển Cà Ná, nơi  tỉnh Ninh Thuận quy hoạch xây dựng nhà máy thép Cà Ná. Nguồn ảnh: Người Lao Động

Nếu đánh giá dự án thép Cà Ná là dự án oan nghiệt thì tôi không hiểu rõ ngữ nghĩa, suy nghĩ và quan điểm của tác giả câu nói đó. Phải nói lại cho chính xác, đây mới là điều chỉnh quy hoạch ngành thép và dự án nằm trong quy hoạch đó. Chúng ta chưa nói đến một dự án đã được phê duyệt để đầu tư. Quá trình xây dựng, thẩm định dự án là về sau và còn rất nhiều thời gian, còn nhiều dư địa để chúng ta thực hiện tốt các chức năng quản lý nhà nước, trong đó có việc bảo vệ môi trường.

Với bất cứ dự án nào đưa ra, với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài tính hiệu quả của dự án, phải đảm bảo những yếu tố, lợi ích chung của người dân, nhà nước. Với dự án thép Cà Ná, mới chỉ đang dừng ở mức quy hoạch, chúng ta chưa phê duyệt, chưa có báo cáo cụ thể về công nghệ, tổ chức thực hiện và các vấn đề khác liên quan đến báo cáo tác động môi trường. Đây là một quãng đường rất dài với sự tham gia, góp ý của nhiều bộ ngành khác nhau.

Ngược lại, cũng phải nhìn nhận, nếu không có dự án của Cà Ná cũng như các dự án của Quảng Ngãi, Dung Quất và các dự án về phát triển công nghiệp, đất nước Việt Nam có phát triển được hay không? Nếu sợ rằng có những hệ lụy mà chúng ta cứ mường tượng sẽ xảy ra do gắn với thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước thì chúng ta sẽ không làm được gì cả. Đất nước có thể tiếp tục phát triển bằng hạt muối của Cà Ná, hạt thóc của Tây Nam bộ không? Một đất nước không có nền công nghiệp thì có thể phát triển được hay không? Nếu chúng ta e sợ những hệ lụy như vậy thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có đặt câu hỏi nếu dự án Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Công Thương có từ chức? Khi đó do hết giờ nên ông đã chưa trả lời kịp. Vậy ý kiến Bộ trưởng về câu hỏi này thế nào?

Về câu trả lời cho đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến việc nếu dự án Cà Ná có vấn đề xảy ra thì Bộ trưởng Công Thương có chịu trách nhiệm, có từ chức hay không, tôi khẳng định đã có văn bản trả lời cho đại biểu Quốc hội về việc này.

Tôi không phải là người sợ trách nhiệm và tôi sẵn sàng hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ khi dự án được triển khai thì mới có thể nói có hay không các hệ lụy. Nhưng phải khẳng định, tùy quy mô của dự án sẽ có những quy định liên quan đến việc phê duyệt thẩm quyền phê duyệt. Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm với đúng thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Nếu hệ lụy xảy ra, phần trách nhiệm nào của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật trước nhân dân. Nhưng phải khẳng định, nếu để xảy ra hệ lụy xấu như với dự án thép Cà Ná, kể cả việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương quá nhỏ bé, không có ý nghĩa đối với những thiệt hại gây ra cho đất nước, cho người dân. Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng là phải bằng tất cả các công cụ pháp lý, ý thức trách nhiệm của mình để đảm bảo không để xảy ra bất cứ hệ lụy nào.  Tôi khẳng định trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội là sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc này.

 Trước khi làm Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Chỉ có điều Bộ trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao hơn, tương xứng với những hành vi và trách nhiệm của mình. Hơn nữa tôi là một đảng viên và tôi thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại việc từ chức. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ rằng, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và hệ thống là không được phép để hệ lụy xảy ra. Khi đã để hệ lụy xảy ra thì không có thời gian để hối hận, sửa chữa, khắc phục được nữa.

Không có chỗ cho các mối quan hệ cá nhân

Thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc “con ông, cháu cha” tại các đơn vị trong ngành công thương. Trong việc tái cơ cấu nhân sự tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng có gặp những khó khăn hay chịu sức ép khi xử lý các trường hợp này?

Về tái cơ cấu Bộ Công Thương và việc cải cách hành chính, khuôn khổ pháp lý của ngành, phải khẳng định đây là những vấn đề liên quan đến sự nghiệp của ngành. Chúng tôi phát huy và ý thức được đây là trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương. Đây là thời điểm Đảng, Chính phủ và các cơ quan đang giúp Bộ Công Thương nhìn ra những yếu kém của mình. Tôi tin rằng, đây là điều mà lãnh đạo và các cán bộ của Bộ đều phải nhìn nhận rõ. Những vấn đề liên quan đến phát triển đất nước sẽ phải được lãnh đạo Bộ lắng nghe ý kiến của nhân dân. Về thể chế, con người, chúng tôi sẽ tiếp tục tái cơ cấu bộ máy. Có thể nói, những giải pháp và nội dung cụ thể về các chương trình đó đều được thực hiện công khai và có sự chia sẻ, thực hiện nhất quán trong ban lãnh đạo Bộ Công Thương.

Những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu sẽ liên quan đến “con ông cháu cha”, “người nhà”, chúng ta phải nhìn nhận trên một thực tế Việt Nam là một nước châu Á nên có những lúc duy tình. Nhưng trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền với những yêu cầu về một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, không có chỗ cho các mối quan hệ cá nhân, và những yếu tố phi pháp lý, vượt lên các quy định của pháp luật. Tôi tin không chỉ cá nhân tôi mà nhiều lãnh đạo khác của Bộ Công Thương cũng có thể nhiều lúc nhận được những lời đề nghị, yêu cầu, gợi ý nhưng trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo Bộ đủ sức giúp chúng tôi làm đúng theo chủ trương, trách nhiệm của mình.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.