Từ chức sẽ là việc nhẹ nhàng

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho rằng, bên cạnh những trường hợp tự giác từ chức, cũng có trường hợp phải tạo sức ép để yêu cầu từ chức. Trong xây dựng quy chế về văn hóa từ chức, cần tạo dư luận để xã hội thấy rằng, từ chức là việc hết sức bình thường.

Tạo sức ép từ chức

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng quy chế để tạo điều kiện cho cán bộ, lãnh đạo có thể từ chức. Liên quan đến những vụ việc nổi cộm thời gian gần đây, theo ông, yêu cầu này đã bức thiết chưa?

Vấn đề văn hóa từ chức gần đây đã vang lên ở diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và rất nhiều bài báo. Tôi nghĩ rằng, những điều các đồng chí đã phát biểu, các bài báo đã đăng là quá đủ để thấy rằng rất cần hình thành văn hóa từ chức. Phải chuẩn bị dư luận, nhận thức xã hội về hành vi từ chức. Có những người phải thực hiện từ chức ngay vì yếu kém, sai phạm. Nhưng đồng thời cũng có người do những hoàn cảnh cụ thể như sức khỏe, năng lực hạn chế nhưng có tính tự trọng, có liêm sỉ, thì không vì danh dự hão, không vì sợ tai tiếng mà từ chức. Cũng có những người thấy có những khiếm khuyết, sai phạm mà “chưa bị lộ”, nhưng qua đối chiếu người khác, tự thấy nếu tiếp tục công việc thì sẽ tổn thất cho cái chung, cho tập thể, cho công việc thì cũng xin từ chức. Phải làm cho dư luận xã hội thấy rằng có những hành vi từ chức vẻ vang, và có những trường hợp cần thiết phải từ chức. Việc đó cần phải làm sâu, nhiều người biết, tạo dư luận xã hội để một người có ý định từ chức được người thân, gia đình, bạn bè xem xét khách quan và đồng tình, khuyến khích. Như thế sẽ hình thành văn hóa từ chức thật sự, những hành vi đẹp.

Liên quan văn hóa từ chức, trong lịch sử nước ta có rất nhiều trường hợp từ chức, cáo quan… Theo ông, tại sao bây giờ gần như không có những trường hợp như vậy để đến nay, chúng ta lại đang phải xây dựng một quy chế về văn hóa từ chức?

Vẫn có những người từ chức, như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) rồi mới đây là Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn trong lịch sử, cũng có nhiều cuộc từ chức. Còn trên thế giới thì việc từ chức rất nhẹ nhàng. Có người mới lên một thời gian đã từ chức rồi. Theo tôi, có tự giác từ chức và có sức ép phải từ chức. Chúng ta luôn nói vì nước, vì dân, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì những người được nhân dân giao nhiệm vụ càng phải thể hiện ý chí, chí khí cao cả ấy. Tức là luôn luôn phải tự xem xét mình, tự thấy mình có xứng đáng không. Một khi dư luận đã có ý kiến, tổ chức yêu cầu thì anh phải thực hiện. Nhưng, trong thời gian qua, việc “có vào, có ra, có lên, có xuống” của chúng ta vẫn còn ít. Chưa thành một thông lệ, một việc phổ biến.

Theo tôi, nên khai thác tính nhân văn của văn hóa từ chức. Nhân văn thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất là nghĩ đến lợi ích chung của Tổ quốc, dân tộc, tùy theo công việc, vị trí của mình, những người đó, hành vi đó lịch sử và nhân dân không bao giờ quên. Thứ hai, nhân văn thể hiện ở việc tự cứu mình và cứu đồng chí mình. Yêu cầu một người từ chức, miễn nhiệm, cách chức là nhân văn trong việc cứu đồng chí, đồng đội. Nếu như mọi người vì nể nang, né tránh, sợ sệt, bị mua chuộc, không dám nói, dẫn đến để người đó tiến xa trên con đường sai phạm. Với quy luật xã hội thì không có gì giấu giếm được. Đừng để lịch sử phải phán xét.

Tôi cho rằng, khi xây dựng quy chế về văn hóa từ chức, phải đặt rõ mục đích yêu cầu và nói rõ quan điểm đối với việc từ chức. Từ chức trên cơ sở trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc. Từ chức luôn luôn phải vì mục đích ấy. Cũng cần nêu những vấn đề, những quy định để dư luận xã hội thấy rằng, có những hành vi từ chức vẻ vang và có những hành vi từ chức cần phải chấp hành. Ngoài ra, cũng phải lên án những người từ chức để chối bỏ trách nhiệm. Những người muốn chối bỏ trách nhiệm, không phải cứ từ chức là được tha. Một người có rất nhiều khuyết điểm từ chức để vô can? Không được. Từ chức cũng không được, về hưu cũng không được bỏ qua. Những quy định ấy cũng phải quán triệt.

Kính hiển vi tốt vẫn cần con mắt sáng

Nếu soi các vụ việc nổi cộm thời gian gần đây qua Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo ông, thời gian tới, chúng ta cần làm gì?

Đảng viên và nhân dân thấy Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII đã nói khá đầy đủ, nhận định, nhận xét, kể cả phương hướng, giải pháp cần phải thực hiện. Theo tôi, việc tiếp tục xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh là việc làm để cụ thể hóa Nghị quyết hội nghị T.Ư 4 khóa XII. Cần tiếp tục xem xét trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ và có kết luận về hành vi sai phạm. Nhận thức là một quá trình, xem xét vấn đề cũng là một quá trình. Hiện tôi chưa thấy ý kiến của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Cơ quan điều tra cũng vào cuộc nhưng hiện nay chưa thấy công bố kết quả của những quá trình này. Công tác thẩm tra, xác minh của Ủy ban Kiểm tra T.Ư để đi đến kết luận mới là một bước. Còn phải tiếp tục nữa. Phải xử lý đúng người, đúng sai phạm, không để lọt một ai. Nếu trong quá trình đang xem xét mà đồng chí nào tự giác, chủ động báo cáo với Đảng là tôi có thiếu sót, sai phạm và xin từ chức thì đó là việc tốt, nhưng không có nghĩa từ chức để chối bỏ trách nhiệm, không bị xử lý. Hoan nghênh từ chức vì tinh thần tự giác của đảng viên nhưng vẫn phải xem xét trách nhiệm, tuy nhiên, đó là yếu tố để giảm nhẹ.

Về đưa Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII vào cuộc sống, tôi mong rằng, không chỉ cơ quan kiểm tra các cấp mà đích thân cấp ủy các cấp, trước tiên là người đứng đầu cấp ủy phải chỉ đạo việc này. Các ban Đảng cũng phải vào cuộc. Ban Nội chính xem tính pháp lý của các hành vi và đôn đốc các cơ quan pháp luật. Các loại sai phạm mà Nghị quyết T.Ư 4 đã định hướng, đã chỉ ra rồi. Bây giờ phải tổ chức thực hiện, xem xét giải quyết tất cả những người, các dạng sai phạm. Cứ làm từng việc một. Vụ việc như của Trịnh Xuân Thanh mới là một việc thôi. Các cơ quan chức năng phải xem xem còn bao nhiêu vụ việc nữa và làm từng bước một.

Trong quá trình này, cũng là dịp soi lại phẩm chất đạo đức, năng lực của những người đang thực thi, đang giúp Đảng làm trong sạch nội bộ. Nếu những người này không trong sạch, có những vướng mắc này khác hoặc trình độ không tương xứng thì không thể nhìn ra được những sai phạm đang diễn ra. Nghị quyết như kính hiển vi rồi, bây giờ cần có những con mắt. Kính hiển vi tốt mà không có những con mắt sáng thì cũng không nhìn thấy được. Căn bệnh T.Ư đã xác định rồi, bây giờ cần phải xem ở chỗ nào, ở ai.

Cảm ơn ông.

Quan liêu, vụ lợi do đâu?

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có kết luận sai phạm, đề nghị Ban Bí thư kỷ luật một số cán bộ liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, ông có nhận xét gì về việc này?

Việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, tiến hành xem xét những người liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh như cán bộ của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ, tỉnh Hậu Giang, tôi nghĩ đó là một dấu hiệu mừng, là việc làm cần thiết. Vì việc này cần phải xem xét đến nơi đến chốn. Trước khi kỷ luật một ai, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng như ủy ban kiểm tra các cấp phải tiến hành thẩm tra, xác minh để xử lý không oan sai, nhưng cũng không để lọt những người có sai phạm. Tôi không tiếp cận được hồ sơ, nhưng tôi thấy những công bố, đánh giá những sai phạm và khuyết điểm đã chỉ ra khá sát những hành vi vi phạm của những người đó. Những hành vi ấy cần phải tăng nặng hay giảm nhẹ thì phải căn cứ vào hồ sơ. Nhưng qua đây đã chỉ ra những khuyết điểm rất rõ ràng là quan liêu rất nặng. Nhưng phải xem việc quan liêu ấy gắn với việc vụ lợi đến đâu, tức là động cơ của việc làm đấy? Bệnh quan liêu là rất rõ, vì bao nhiêu việc sờ sờ ra đấy mà không biết.

MỚI - NÓNG