Quốc hội thảo luận về chống tội phạm, tham nhũng:

“Tôi rất sợ hai từ: Không biết”!

TP - Hôm qua (25/10), tình hình tội phạm, tham nhũng đã làm “nóng” nghị trường khi Quốc hội thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng.
“Tôi rất sợ hai từ: Không biết”! ảnh 1

ĐB Nguyễn Thị Khá

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần đánh giá sát thực hơn nguyên nhân của các loại tội phạm bột phát mới nổi, như các loại tội phạm tàn bạo, giết người trong gia đình, giết người chặt xác… gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.

“Bản thân tôi cũng như dư luận nhân dân rất bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức, lối sống sa đọa, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn quá kém. Ví như vụ hai vợ chồng người em giết hai vợ chồng người anh để chiếm đất trong gia đình.

Vì sao họ nghĩ rằng, chỉ cần giết người thì mình sẽ được thừa hưởng tài sản, không còn ai tranh chấp nữa?! Pháp luật xử lý thì rõ ràng, nhưng ai mới là người có trách nhiệm đối với những trẻ côi cút bơ vơ kia, đến cuộc sống vật chất và tinh thần của chúng, để lại sự thù hằn chồng chất về sau…” - ĐB Khá phát biểu.

Một ví dụ khác gần đây, đổ chất phế thải như trái núi trên đất công viên giữa thanh thiên bạch nhật, khi bị phát giác thì địa phương trả lời không biết. “Để giải quyết tận gốc vấn đề, phải kiến nghị xử lý từng tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu địa phương” – ĐB Khá nói.

ĐBQH cũng nêu dẫn chứng và kiến nghị phải xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có liên quan những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua như: phạm nhân dùng điện thoại trong trại giam, tự sát trong trại giam. Đồng thời, cần làm rõ, bản chất vụ việc ở đây là gì? Có thông đồng hay là vô trách nhiệm trong quản lý?

“Chỉ cần đổ thừa không biết thì mọi việc đều bình an vô sự. Chính phủ cần đánh giá xem trên đất nước này có bao nhiêu vụ “không biết”, và khắc phục tình trạng không biết này ra sao? Thưa Quốc hội, tôi rất sợ hai từ “không biết” này” – ĐB Khá thẳng thắn.

Vì sao dân bất bình?

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết, có những cán bộ bị tòa tuyên án, cấm đảm nhiệm chức vụ, nhưng vẫn được bố trí, gây bất bình trong dư luận.

Ví dụ, ông Phạm Đăng Hoan – nguyên bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) bị kết án tù do phạm tội hủy hoại tài sản trong vụ cưỡng chế đầm tôm gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Tòa án tuyên án tháng 8/2013, cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong thời gian là một năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt. Nhưng đến 4/2014, UBND huyện Tiên Lãng lại có văn bản đồng ý với đề xuất của xã Vinh Quang kí hợp đồng lao động với 2 ông này (làm kế toán và cán bộ địa chính)!

Chưa hết, theo ĐB Dung, tháng 8/2014, xã Chàng Sơn (Thạch Thất - Hà Nội) đã bố trí cho 2 người mới thi hành án treo được 8 tháng vào làm việc: Ông Phí Đình Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã vào làm kế toán trong khi ông này còn phải chấp hành 28 tháng nữa, ông Nguyễn Văn Thiết – nguyên cán bộ địa chính làm cán bộ văn phòng UBND xã, khi còn phải chấp hành 16 tháng tù treo nữa!

“Điều khiến người dân bất bình là bên cạnh hàng chục nghìn người học đại học, trên đại học chưa có việc làm thì chính quyền một số xã đã ký hợp đồng với những người đang trong thời gian thi hành án hoặc chuyển từ xã này sang xã khác” - ĐB Dung bày tỏ.

Lo lắng tham nhũng chưa giảm

Theo báo cáo, tình hình tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng diễn biến phức tạp; phát hiện nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp.

Thời gian qua, đã phát hiện 1.318 vụ vi phạm về kinh tế, tăng 1,63%, trong đó phát hiện nhiều đường dây buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gây thiệt hại lớn về tài sản, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản, y tế, chính sách phúc lợi và an sinh xã hội.

Đáng lo ngại, tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đầu tư của nước ngoài (đặc biệt là vốn ODA) bộc lộ bất cập, sơ hở trong quản lý, đấu thầu, giám sát, thi công… để tội phạm lợi dụng tham nhũng, gây ảnh hưởng lớn về uy tín của Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của nhà nước, đưa những vụ án lớn ra xét xử. Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình hình tham nhũng hiện nay, vì sao chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, chưa ngăn chặn được tham nhũng?

“Cần phải thực hiện đúng tinh thần nói đi đối với làm, nói ít làm nhiều, làm quyết liệt và đồng bộ để công tác phòng chống tham nhũng thực sự hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân” – ĐB Học kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chỉ rõ, qua tiếp xúc, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân, cho thấy người dân chưa thực sự tin tưởng vào việc đưa ra Tòa phán quyết tính đúng sai của các quyết định của chính quyền mà họ cho là chưa hợp lý. 

MỚI - NÓNG