Khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII:

Tham nhũng, lãng phí - Phải xử lý người đứng đầu

TP - Sáng 20/10, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Cử tri và nhân dân kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí”.
Tham nhũng, lãng phí - Phải xử lý người đứng đầu ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Như Ý

Cử tri, nhiều nơi nhận xét: Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan người dân, doanh nghiệp.

Một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cử tri cho rằng, những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

“Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Quy trách nhiệm cụ thể

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 với Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, vẫn còn tình trạng lúng túng trong xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới.

Thời gian qua, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với người đứng đầu, nhưng cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng những người đứng đầu đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng.

Từ đầu năm 2014 đến nay, đã chuyển đổi vị trí công tác 27.404 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó các đơn vị có nhiều người được chuyển đổi vị trí công tác là: Bộ Tài chính (5.826 người), Ngân hàng Nhà nước (5.290 người), Đồng Nai (1.508 người), TPHCM (1.058 người), Sơn La (761 người).

“Cử tri đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến tình hình biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Báo cáo kiến nghị cử tri

Báo cáo chỉ rõ, người dân tố cáo tham nhũng chưa nhiều, có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân chưa tin vào việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng.

Cơ chế bảo vệ người tố cáo tuy đã có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng tình hình nên vẫn còn tâm lý người tố cáo sợ bị trả thù.

Báo cáo nhận định, tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.

Chính phủ đề nghị cần sớm sửa đổi các quy định của Bộ Luật hình sự liên quan tham nhũng theo hướng: Bổ sung một số tội danh về tham nhũng; quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác; nội luật hóa những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.