Trước mắt, thị trường căn hộ có thể sẽ chững lại, thậm chí những nơi có thiết kế PCCC kém sẽ đình trệ, nhưng đây là một tác động mang tính tích cực, có lợi cho sự phát triển bền vững của phân khúc thị trường này.
Cơn ác mộng có thật của hàng trăm con người đang ngon giấc ở Carina hôm ấy hẳn sẽ ám ảnh bất kỳ ai, nhất là những người đang hoặc sắp sống trong chung cư. Bởi thế, hành vi tiêu dùng của người mua căn hộ ắt sẽ có sự thay đổi lớn. Giờ đây, rất có thể câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra với các chủ đầu tư không phải là tiện ích ra sao, view hướng gì… mà là an toàn cháy nổ thế nào? Và do đó, người bán thay vì chỉ tập trung mời chào khách hàng bằng những mỹ từ như “vị trí vàng”, “đẳng cấp 5 sao”… sẽ phải có thêm gói giải pháp phòng cháy chữa cháy hiện đại và hiệu quả đi kèm. Tức là các chủ đầu tư thay vì trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy để “cho có”, để “đối phó là chính”, nay sẽ phải đầu tư bài bản theo đúng tiêu chuẩn, nếu muốn bán được hàng và không muốn phá sản chỉ sau một đêm.
Người dân ở chung cư cũng sẽ không thể thiếu ý thức, “giỡn với tử thần” theo kiểu… hóa vàng ở ban công hay hút thuốc trong hầm để xe được nữa. Các buổi sinh hoạt, huấn luyện về thoát hiểm, an toàn cháy nổ ở chung cư có lẽ cũng không còn cảnh toàn ôsin và người già nữa. Những băng rôn, khẩu hiệu đấu tranh với chủ đầu tư đòi hoàn thiện hệ thống PCCC xuất hiện ngày một nhiều trong suốt tuần qua tại Hà Nội đã phần nào nói lên điều đó.
Với những người có trách nhiệm về quản lý nhà nước, thảm họa cháy chung cư Carina sẽ khiến họ phải giật mình, cảnh tỉnh về trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa. Hà Nội hiện có trên 1.000 chung cư cao tầng, TPHCM cũng tương tự. Cả hai thành phố lớn nhất nước giờ đây hoàn toàn xứng đáng lọt vào danh sách các “thành phố chọc trời” trên thế giới với mật độ cao ốc dày đặc. Với khoảng 2.000 tòa cao ốc này, một khi pháp luật về PCCC không được thực thi nghiêm túc, những thảm họa được báo trước như Carina sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Chính vì vậy, chỉ một tuần sau vụ cháy Carina, TPHCM đã phải triệu tập khẩn một hội nghị bàn về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn. Trong đó áp dụng cả biện pháp mạnh như cưỡng chế chủ chung cư chậm khắc phục nguy cơ cháy nổ. Hà Nội cũng đề xuất sẽ ngừng cấp điện, nước cho công trình vi phạm về PCCC, bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ…
Đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để xốc lại câu chuyện PCCC tại các chung cư cao tầng. Vấn đề còn lại chính là quyết tâm đủ mạnh và đủ nghiêm của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước đến đâu mà thôi.