Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số gửi các tổ chức tín dụng về việc công bố lãi suất cho vay.
Theo đó, các ngân hàng cơ bản đã công bố thông tin về lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song một số nhà băng vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân. |
Tổ chức tín dụng tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; giải thích rõ ràng về nội dung thông tin, số liệu công bố; chủ động tiếp nhận, giải đáp và xử lý các vướng mắc từ khách hàng (nếu có).
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm thường xuyên giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Hiện lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Trong văn bản vừa ban hành văn bản về việc đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo, Ngân hàng Nhà nướcyêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ đông xuân 2023 - 2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Các ngân hàng thương mại phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo kịp thời, hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; cho vay phục vụ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn Tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.