Sau khi lãi suất huy động về đáy, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà. Lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng hiện dao động từ 5,99-10,99%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3-6 tháng. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 9,5-13%/năm.
So với đầu năm, lãi suất cho vay mua nhà đất tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 1-3%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2020-2021, lãi suất cho vay mua nhà vẫn cao hơn.
Dòng tiền vẫn chưa chảy vào thị trường bất động sản. |
Nhiều người có ý định mua nhà vẫn đắn đo vì cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà hiện còn cao so với khả năng trả nợ và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm.
Theo báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang tăng nhưng chủ yếu là cho vay kinh doanh bất động sản, còn dư nợ cho vay cá nhân vẫn chậm, thậm chí một số ngân hàng giảm.
Dù có trong tay hơn 2 tỷ đồng để đổi sang căn hộ 3 phòng ngủ nhưng chị Minh Hương (Đống Đa, Hà Nội) với tâm lý chờ ra Tết giá nhà và lãi suất giảm thêm.
“Hiện giờ nhà đắt quá, mấy căn vừa tiền thì ở xa, tận Hà Đông, còn mấy căn gần trung tâm lại quá cao, cho nên tôi muốn chờ thêm chút mới vay ngân hàng”, chị Hương nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank - cho hay, từ đầu năm tới nay, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay khoảng 2,5%/năm cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá nhà lại không giảm, phần lớn vẫn neo ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của số đông.
Ở góc độ cho vay dự án, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết những vấn đề của thị trường bất động sản như thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp tắc nghẽn, pháp lý dự án chậm được tháo gỡ… cũng tác động không nhỏ tới hoạt động giải ngân vốn của các ngân hàng.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng (triển khai Công điện số 766 của Thủ tướng Chính phủ - PV).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Các tổ chức tín đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn.