Năm 2011, tôi sáng tác ca khúc Tổ quốc gọi tên mình một cách khá tình cờ. Đó là khi tôi đọc bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Bài thơ tuy ngắn nhưng có độ nén rất cao, giàu tính nhạc. Tôi đọc tới đọc lui và bỗng thấy giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ vút lên. Tôi ôm đàn, ngân nga và viết rất nhanh. Cảm xúc đang tuôn trào ra nên tôi viết chỉ chừng 20 phút là xong ca khúc. Nghe lại một lần nữa, tôi thấy đây đúng là điều mà tôi đang tìm kiếm, đang khát khao. Khá bất ngờ với tôi là sau đó, ca khúc đã được đón nhận nồng nhiệt. Hàng ngàn chương trình ca nhạc, hàng trăm lễ hội đã sử dụng ca khúc này bên cạnh các ca khúc truyền thống khác. Có người hỏi tôi là lớn lên sau chiến tranh sao lại có cảm nhận được sự hùng tráng, mạnh mẽ của ca khúc như những người lính trong chiến trận? Tôi chỉ biết nói vì tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách Mạng, sự hy sinh xương máu của cha ông đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt huyết về tình yêu đất nước. mà tình yêu đất nước thì thời nào cũng mạnh mẽ, dâng trào.
Tôi đã hát ca khúc Tổ quốc gọi tên mình rất nhiều lần và ở rất nhiều nơi, từ biên giới cho tới hải đảo hay ở nước ngoài, từ những sân khấu cả vạn người xem cho tới chỉ có nơi chỉ có vài chiến sỹ đang đứng gác, lần nào cũng cảm động khi rất nhiều khán giả thuộc ca khúc này, đều hát cùng với tôi. Trong đời người nhạc sỹ, thật vui khi được khán giả cùng hát với mình ca khúc do mình sáng tác. Điều mà tôi cảm thấy vui hơn vì ca khúc đã lan tỏa trong lòng mọi người, được trình diễn trong nhiều chương trình lớn về tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương.
Nhưng tôi nhớ nhất là có một lần tôi đã hát ở ngay giữa nghĩa trang Trường Sơn. Tôi vẫn nhớ đó là vào dịp giữa năm 2014, đoàn nghệ sỹ được đi sáng tác tại Thành cổ Quảng Trị và nghĩa trang Trường Sơn. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Rừng Trường Sơn đã xanh lại những cánh rừng, nơi những trận địa năm xưa giờ là làng bản đầm ấm, yên bình. Nhưng vẫn còn đó một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn- nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ. Nghĩa trang Trường Sơn mãi mãi là một tượng đài thiêng liêng, bất tử, đó cũng là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Ngay trong đêm đầu tiên dừng chân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, các nghệ sĩ đã cùng nhau truyền lửa bằng một đêm nhạc “Dã chiến” nhưng thật ấn tượng hào hùng. Hàng ngàn ngọn nến được chúng tôi chia nhau thắp lên bên các ngôi mộ của các anh. Rồi tôi đã ôm đàn guitar hát giữa mộ các anh, hát ca khúc Tổ Quốc gọi tên mình. Tôi đã hát ca khúc này cả ngàn lần, nhưng lần này không biết sao vừa hát vài câu, tôi đã òa khóc. Khóc bởi sự hy sinh lớn lao của bao liệt sỹ mà trong đó có cả phần máu thịt của gia đình tôi, khóc bởi trách nhiệm lớn lao mà các liệt sỹ đã trao lại cho những người còn sống. Rồi mọi người trong đoàn cũng cùng khóc, cùng hòa mình trong “Tổ Quốc của tôi, Tổ Quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ yên nghỉ…”. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ca khúc thiêng liêng đến thế, ý nghĩa đến thế. Hình như có một đường dây vô hình nào đó đã kết nối giữa người đang hát với hàng vạn anh hùng liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn. Trong ánh nến lung linh, tôi có cảm giác hàng vạn liệt sỹ cũng đang hát cùng chúng tôi. Nhiều người nói rằng đêm đó tôi như người lên đồng, nhưng tôi chỉ cho rằng đó là những cảm giác thăng hoa đến tận cùng của người nghệ sỹ, nước mắt cứ tuôn trào hình như có sự giao thoa vô cùng đặc biệt.
Kỷ niệm hát giữa nghĩa trang Trường Sơn đó tôi không bao giờ quên được. Và nếu có dịp đi trở lại, tôi cũng sẽ hát cho các anh nghe. Vì những gì chúng tôi đã và đang làm cho Tổ quốc, cho đất nước không thấm gì so với sự hy sinh của các liệt sỹ để có ngày hôm nay.”