Trong khi Nga đang thực hiện ngày không kích thứ 4 liên tiếp vào các mục tiêu IS ở Syria, một số nước Trung Đông đang âm thầm huy động tài chính, vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria để đọ sức với quân đội chính phủ Syria, trong một nỗ lực nhằm đối phó với quyết tâm bảo vệ tổng thống Syria của Nga, Guardian ngày 4/10 đưa tin.
Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria, các nước này đã tuyên bố rõ rằng họ vẫn muốn loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trái ngược với tuyên bố của Nga rằng ông Assad là một phần không thể thiếu trong giải pháp chính trị cho Syria.
Kế hoạch dùng vũ lực
"Không có tương lai cho Assad ở Syria", Ngoại trưởng Arab Saudi Adel Al-Jubeir đã cảnh báo ngay sau khi những chiến đấu cơ đầu tiên của Nga xuất kích đánh bom IS ở Syria. Ông này tuyên bố rằng nếu ông Assad không từ bỏ quyền lực trong quá trình chuyển tiếp chính trị, Arab Saudi sẽ tính đến phương án dùng vũ lực "để loại bỏ ông Assad".
"Sự can thiệp của Nga là bước lùi đáng kể đối với những quốc gia ủng hộ phe đối lập Syria, đặc biệt là các nước ở Trung Đông như Qatar, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, và có thể dẫn đến phản ứng mạnh từ những nước này để chống leo thang", ông Julien Barnes-Dacey, chuyên gia phân tích chính trị tại Hội đồng Đối Ngoại châu Âu, nhận định.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Arab Saudi đã thể hiện rõ lập trường của mình trong cuộc xung đột ở Syria. "Ngay từ đầu, Riyadh đã có quan điểm là Assad phải ra đi. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi lập trường này", theo ông Mohammed Alyahya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo Vua Faisal ở Riyadh. "Riyadh và các đồng minh trong khu vực khẳng định những hành động gần đây của Nga và Iran ở Syria chỉ tạo ra một khu vực bất ổn hơn và gây đổ máu nhiều hơn".
Các chuyên gia cho rằng Riyadh đã tập trung sự ủng hộ của mình với các nhóm nổi dậy ở miền nam Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền bắc, trong đó có các nhóm vũ trang Hồi giáo bảo thủ như Ahrar al Sham.
Ahrar al Sham là nhóm vũ trang liên minh với phiến quân Hồi giáo Mặt trận Nusra, nhóm có liên hệ với al-Qaeda, và đã chiếm được nhiều vị trí của quân đội chính phủ Syria ở miền bắc thời gian gần đây. Đây được coi là một trong những lý do khiến Nga phát động chiến dịch không kích, và đưa nhóm này vào danh sách những mục tiêu ném bom đầu tiên, theo Guardian.
"Nhiều khả năng các nước ở Trung Đông sẽ tập trung vào việc tăng cường hiệu quả trong việc phối hợp và cộng tác giữa các nhóm nổi dậy có ảnh hưởng nhất ở Syria", chuyên gia phân tích khu vực Ali Bakeer cho hay.
Ông này cho rằng nỗi lo ngại về việc chính phủ của ông Assad sụp đổ sẽ để lại một khoảng trống quyền lực nguy hiểm đã khiến các nước Trung Đông ủng hộ giải pháp chuyển tiếp chính trị và hậu thuẫn cho phe nổi dậy, thế nhưng "chiến dịch không kích của Nga đã làm phá sản những toan tính của họ".
Những cuộc không kích chính xác của Nga ở Syria sẽ tăng cường đáng kể sĩ khí và sức mạnh cho quân đội chính phủ Syria. Nga cũng được cho là đang huấn luyện các binh sĩ Syria cả trên mặt đất và trên không để thực hiện các chiến dịch quân sự trong tương lai. Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng một số nước trong khu vực đã lặng lẽ chuẩn bị nguồn tài chính, quan hệ và giải pháp chính trị để đáp trả hành động của Nga ở Syria.
"Có một sự phối hợp và điều phối rất chặt chẽ, ở cấp rất cao giữa Arab Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ ở cùng một chiến tuyến tại Syria".
Sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đã sụt giảm do những bất ổn trong nước, khi họ đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử lại gây tranh cãi sau khi thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm người Kurd sụp đổ. Tuy vậy, Qatar và Arab Saudi rõ ràng vẫn rủng rỉnh hầu bao, lại sẵn có những mối quan hệ và quyết tâm chính trị để đáp trả sự can thiệp của Moscow.
Đến nay họ cũng phải tuân thủ các lệnh cấm của phương tây trong chuyển giao vũ khí công nghệ cao - bao gồm các tên lửa có thể được dùng để bắn hạ máy bay - do lo ngại tên lửa có thể bị sang tay trong bối cảnh chiến tranh hỗn loạn, và sau đó được dùng để tấn công chính những nhà sản xuất.
"Câu hỏi khó khăn hiện nay đó là mức độ kết hợp của sức mạnh với sự hiệu quả mà các cường quốc trong khu vực sẽ sẵn lòng đưa lên bàn đàm phán", Barnes-Dacey nói. "Liệu người Saudi giờ có thực sự cố gắng hành động quyết liệt, bao gồm cung cấp cho các phần tử đối lập các vũ khí hiện đại mà họ từ lâu vẫn từ chối?"
"Tân vương Salman của Arab Saudi đã thể hiện quyết tâm có những hành động, biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề. Nếu họ cảm thấy tình hình đang vuột khỏi tầm tay, hay người Iran đang củng cố vị thế ở Syria, họ có thể có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn", chuyên gia Barnes-Dacey nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các nước vùng Vịnh sẽ không đi xa tới mức điều quân đội vào Syria. "Điều động quân đội Arab Saudi sẽ là động thái leo thang quá lớn. Cách tốt nhất để đối phó với sự can thiệp của Nga là ủng hộ nhiều hơn nữa cho phe nổi dậy để tạo lập thế cân bằng trên chiến trường", theo nhà phân tích Hassan Hassan, tác giả cuốn "ISIS: Inside the Army of Terror".
"Người Nga sau đó sẽ nhận ra những hạn chế trong mục tiêu đạt được ở Syria, và sẽ điều chỉnh hướng đi của mình", ông này nhấn mạnh.
Tình huống nguy hiểm
Tuy nhiên, cuộc đấu đá để giành quyền ảnh hưởng trong khu vực giữa Arab Saudi và Iran khiến Riyadh không thể đơn giản quay lưng bỏ đi.
Giới chức Saudi hiện đặc biệt lo lắng về việc người Mỹ có thể rút lui khỏi chiến lược kiềm chế Iran, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng 7, trong việc cắt giảm chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lại việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
"Áp lực đang thực sự gia tăng sau thỏa thuận hạt nhân đó", Jane Kinninmont, một nhà nghiên cứu cấp cao tại cơ quan nghiên cứu quốc tế Chatham House nhận định. "Người Saudi cảm thấy Mỹ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế đang không hành động gì trong việc này, và họ cố gắng vươn lên tuyến đầu trong các nỗ lực kiềm chế Iran".
Trong bối cảnh đó, có thể sẽ có tiếng thở phào nhẹ từ Riyadh đối với vai trò của Nga, bởi một khi Moscow có vai trò quan trọng hơn, ảnh hưởng của Iran có thể giảm bớt phần nào.
"Tôi tưởng tượng rằng đó là một trong những cách người Nga đang thuyết phục Arab Saudi không nên xem chuyện này với ánh mắt tiêu cực", Daniel Levy, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng đối ngoại châu Âu nhận định.
Dù vậy, về tổng thể, nguy cơ leo thang căng thẳng có thể vượt ra khỏi Syria, ông Levy nói. "Việc mức độ đối đầu giữa Tehran và Riyadh vượt ra khỏi một số điểm nóng trong khu vực là đáng ngại", ông Levy nói. "Giờ ai có thể trở thành nhà trung gian hạ nhiệt căng thẳng?"
"Người Mỹ không thể làm việc đó, và cả người Nga cũng vậy. Iran và Saudi Arabia thì lại đối thoại quá ít với nhau…Giờ hầu như không còn ai ở cấp cao của mỗi bên có thể tiếp xúc với nhau. Đây rõ ràng là tình huống nguy hiểm".