Tưởng nhớ 22 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, nhà sản xuất quyết định chiếu lại Trịnh Công Sơn – phim tiểu sử kể về cuộc đời cố nhạc sĩ, do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, Avin Lu đóng chính. Năm ngoái, dự án từng gây chú ý khi ra rạp cùng lúc với Em và Trịnh. Cả hai đều do một ê-kíp thực hiện, nội dung giống nhau nhưng thời lượng khác nhau. Kết quả, số phận mỗi phim cũng khác nhau.
Em và Trịnh dài 136 phút, lập kỷ lục là phim Việt ăn khách nhất năm 2022 với tổng doanh thu hơn 97 tỷ đồng – theo thống kê từ Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Trái lại, Trịnh Công Sơn dài 95 phút, không hút khách khi công chiếu, phải rút rạp sớm với doanh thu khiêm tốn, chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Bản rút gọn của Em và Trịnh
Khác Em và Trịnh đan xen quá khứ - thực tại, Trịnh Công Sơn lại chọn lối kể tuyến tính, có phần đơn giản và dễ tiếp cận hơn. Chuyện phim bắt đầu từ khi nhân vật chính còn trẻ đến lúc về già, trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống. Qua đó, ê-kíp làm nổi bật những người đẹp đi qua đời cố nhạc sĩ, từng tạo nên nhiều giai thoại nổi tiếng như chân dung nàng Diễm trong bài Diễm xưa, hay mối quan hệ giữa ông với danh ca Khánh Ly.
Tạo hình Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn khi còn trẻ. |
Mở đầu, phim chọn mốc thời gian thập niên 1950 khi Trịnh Công Sơn (Avin Lu) còn là một chàng trai nhiều mơ mộng. Với tâm hồn nghệ sĩ, anh dễ dàng rung động trước cái đẹp, dù đó chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua như khi vô tình gặp Diễm (Lan Thy) trên đường.
Trong quá trình tiếp cận người đẹp, Trịnh Công Sơn quen và kết thân Dao Ánh (Hoàng Hà) – em gái Diễm. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ không được cha cô đồng ý. Dù phải đi xa lên Đà Lạt, cả hai vẫn giữ liên lạc, trao đổi thư từ. Những vách ngăn cách trở tạo nên chuyện tình đẹp nhưng dang dở.
Bên cạnh chuyện tình yêu, phim cũng kể lại tình bạn giữa Trịnh Công Sơn với nhóm bạn thân toàn là văn nhân, nghệ sĩ, nổi bật có Ngô Kha (Samuel An), Bửu Ý (Hà Quốc Hoàng)… Họ đều là những người trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng, nhưng bị ảnh hưởng, gặp hạn chế vì chiến tranh.
Với kinh phí xấp xỉ 50 tỷ đồng, Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể được xếp vào hàng bom tấn Việt. Dự án gây ấn tượng với phần hình ảnh được đầu tư mạnh. Bối cảnh phim trải dài từ Huế, Đà Lạt đến TPHCM. Từng khung hình hiện lên mang màu sắc hoài niệm, đưa người xem trở về không gian xưa. Phần âm nhạc cũng được chăm chút. Nhiều ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ được cài cắm hợp lý, ít nhiều tạo được cảm giác lãng mạn cần thiết.
Phim có phần âm nhạc và hình ảnh đầu tư. |
Hạn chế chưa được khắc phục
Thời lượng 95 phút giúp Trịnh Công Sơn có sự gãy gọn, cô đọng hơn so với Em và Trịnh. Song, điều đó không đồng nghĩa rằng tác phẩm khắc phục được hết nhược điểm của “người anh em song sinh”.
Kịch bản phim là điểm trừ lớn. Phần lớn khán giả đánh giá tác phẩm khắc họa bức chân dung Trịnh Công Sơn quá xa lạ, mang nặng ý chí chủ quan của ê-kíp. Nhiều người xem cho rằng họ không cảm nhận được cái tài hoa, xuất chúng của cố nhạc sĩ - điều từng lay động nhiều thế hệ qua loạt sáng tác bất hủ.
Các nhà làm phim vẫn tham lam trong việc ôm đồm tình tiết, từ chuyện tình yêu, tình bạn đến chuyện thời chiến. Đáng tiếc, các tuyến truyện chưa được phát triển tốt khiến phim tạo cảm giác lưng chừng. Bối cảnh chiến tranh còn được khai thác theo mô-típ cũ, chưa làm nổi bật được quá trình sáng tác lẫn khó khăn của nhân vật chính.
Dù là nam chính, diễn xuất của Avin Lu lại có nhiều hạn chế, phần nào khiến tác phẩm mất đi cảm xúc. Khi mới công bộ dự án, diễn viên sinh năm 1995 nhận nhiều ý kiến phản đối từ phía khán giả. Phần lớn đánh giá anh không giống Trịnh Công Sơn, từ lời nói đến cử chỉ đều chưa toát lên được thần thái cố nhạc sĩ.
Đến lúc xuất hiện trong phim, Avin Lu gây hụt hẫng vì lối diễn đơn điệu. Xuyên suốt tác phẩm, anh giữ khuôn mặt đơ cứng và biểu cảm buồn bã, ủ rũ. Điều đó phần nào gây mất thiện cảm với nhân vật.
Kịch bản và diễn xuất của Avin Lu là điểm trừ. |
Khi Trịnh Công Sơn được chiếu lại, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có chia sẻ Lãnh Thanh – nổi tiếng với Thưa mẹ con đi (2019), Chị chị em em (2019) – là một trong những gương mặt tham gia casting (tuyển diễn viên) cho vai chính, suýt nữa được chọn. So với Avin Lu, đồng nghiệp sinh năm 1993 có sự đa dạng hơn về cách xử lý nhân vật. Nhiều ý kiến bình luận cũng cho rằng anh có nét giống NSƯT Trần Lực – người đóng Trịnh Công Sơn lúc về già.
Trịnh Công Sơn ra rạp nhân dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ là điều không hề lạ. Đây gần như là nước cờ có tính toán của ê-kíp từ khi bắt tay thực hiện khâu sản xuất. Điều đáng quan ngại là phim từng không được khán giả đón nhận ở lần đầu chiếu rạp. Trong khi đó, người yêu mến Trịnh Công Sơn nay hoàn toàn có thể xem lại Em và Trịnh trên nền tảng phát trực tuyến.
Chính vì vậy, việc chiếu lại bản phim rút gọn chỉ như một động thái thăm dò thị trường từ phía nhà sản xuất. Có lẽ họ đang muốn xem thử Trịnh Công Sơn có được đón nhận trở lại sau thành công vang dội của Em và Trịnh năm ngoái.
Nhìn chung, Trịnh Công Sơn là một phim dễ xem và dễ cảm. Phim vẫn có những khoảnh khắc đẹp nhưng câu chuyện còn nhiều hạn chế. Việc nhà sản xuất tạo ra 2 bản phim cũng là một trong những yếu tố khiến tác phẩm không được đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt.