Toan tính của Triều Tiên khi liên tục phóng tên lửa ngay đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 17/1, Triều Tiên phóng 2 tên lửa về phía đông. Đây là vụ phóng tên lửa thứ tư kể từ ngày 5/1.
Toan tính của Triều Tiên khi liên tục phóng tên lửa ngay đầu năm ảnh 1

Hình ảnh dàn tên lửa Triều Tiên không rõ được phóng vào ngày nào được KCNA đăng tải

Theo Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc, 2 vật thể nghi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng từ khu vực sân bay quốc tế Sunan của Bình Nhưỡng về phía đông trong sáng sớm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi nói rằng hai tên lửa bay khoảng 300km, đạt tầm cao tối đa khoảng 50km.

Dù Sunan là một trong những sân bay quốc tế vắng vẻ nhất thế giới và Triều Tiên vẫn tiếp tục phong toả biên giới vì COVID-19, và "việc phóng tên lửa từ hoặc gần sân bay dân sự như vậy cho thấy Bình Nhưỡng cực kỳ tự tin", các nhà phân tích đánh giá.

Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu thanh vào ngày 5/1 và một tên lửa khác vào ngày 11/1. Vụ phóng hôm 11/1 có sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khi tên lửa dường như đã đạt được tốc độ cực cao và vượt qua hệ thống phòng thủ.

Các chuyên gia cho rằng thế hệ vũ khí này có khả năng sẽ trở thành "nhân tố thay đổi cuộc chơi", có thể ngăn quân đội Mỹ tiếp viện cho lực lượng trên bán đảo trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Vụ phóng thử hôm 14/1 sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hoả, theo thông tin từ báo chí Triều Tiên.

Tàu hoả là nền tảng khác thường để phóng tên lửa. Phương tiện này vừa có thể trú ẩn trong hầm đường sắt, vừa dễ di chuyển và nguỵ trang thành tàu dân sự và đi với tốc độ cao hơn bệ phóng di động trên đường bộ.

Tên lửa hôm nay được phóng ở nơi cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 24km. Nếu xảy ra trường hợp tên lửa được chế tạo hoặc kiểm soát không tốt, vụ phóng có thể gặp sự cố và rơi xuống khu vực đông dân, gây hậu quả khó lường.

“Việc chọn vị trí này có thấy quyết tâm và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nếu bạn phóng tên lửa ngay gần thủ đô, bạn muốn thể hiện rằng chắc chắn tên lửa sẽ hoạt động tốt”, ông Dan Pinkston, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Troy, nhận định.

“Những tên lửa đó không cần cột tháp hay bất kỳ thứ gì, ngoại trừ một bệ phóng dựng lên. Họ rất tự tin, họ có quy trình và đang thể hiện rằng họ có thể phóng tên lửa bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Đây không còn là giai đoạn phát triển nữa, mà chuyển sang giai đoạn sử dụng”, ông Chun In-bum, một tướng Hàn Quốc nghỉ hưu, đánh giá.

Nhiều đích ngắm

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ càng gia tăng hoạt động khiêu khích trong tháng 3 tới. Khi đó, Olympic Bắc Kinh đã bế mạc và Triều Tiên không muốn gây khó chịu cho nước đồng minh gần gũi nhất.

Một đợt tập trận chung Mỹ - Hàn dự kiến diễn ra vào tháng 3 và bầu cử tổng thống Hàn Quốc được tổ chức vào tháng 5.

“Rất nhiều con mắt dồn vào ông Kim Jong Un khi đọc bài phát biểu đầu năm mới nhưng không thấy manh mối nào, vì ông ấy đều nói về chính sách nông nghiệp. Nhưng nay họ đang thực hiện thứ vắng mặt trong bài phát biểu đó bằng hành động”, ông Go Myong-hyun, một nhà phân tích về Triều Tiên tại Viện Asan tại Seoul, nói.

Hầu hết các chuyên gia tin rằng Triều Tiên có lý do chính trị và quân sự để thử tên lửa, nhưng chưa rõ lần này các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng muốn nhắm chính xác vào ai.

“Với dư luận trong nước, các vụ thử tên lửa gửi tín hiệu về sức mạnh và niềm tự hào quốc gia”, ông Pinkston nói.

Khi cuộc sống người dân Triều Tiên càng vất vả hơn vì thương mại gián đoạn và nguồn thực phẩm bên ngoài giảm sút, các vụ thử có thể giúp vực dậy tinh thần quốc gia.

Triều Tiên cũng có thể nhằm vào miền nam.

“Tổng thống Hàn Quốc giờ gần như không thể làm gì nữa khi bầu cử sắp diễn ra, và Triều Tiên lâu nay thường gây sức ép lên tổng thống mới của Hàn Quốc”, ông Pinkston nói.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể nhằm vào khách hàng mua vũ khí của họ trên thị trường toàn cầu.

“Có những nhân tố quốc tế và khu vực: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế. Và họ có thể có thêm khách hàng mới, vì đây giống như một chiến dịch quảng cáo tên lửa”, ông Pinkston nhận định.

Bình Nhưỡng cũng có thể muốn gây thêm áp lực lên Washington, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden không xác định Triều Tiên là ưu tiên chính sách.

Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, trong khi vị thế đảng Dân chủ có vẻ ngày càng lung lay.

Sau khi thử thành công cả thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo, năm 2018, Triều Tiên bất ngờ chuyển hướng sang ngoại giao. Nhưng các cuộc gặp thượng đỉnh và đàm phán cấp làm việc không đạt được kết quả nào, sau đó là giai đoạn Triều Tiên đóng cửa biên giới vì COVID-19.

Vì những yếu tố đó, Triều Tiên khá giữ mình trong các năm 2020 và 2021. Nhưng bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi, vì thế các chuyên gia cho rằng Triều Tiên năm nay sẽ trở lại với cách hành động quyết liệt và gây sức ép.

Theo AT
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.