Tổng đạo diễn lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 Trương Nghệ Mưu:

Toàn thế giới biết đến sự lãng mạn của Trung Quốc

Toàn thế giới biết đến sự lãng mạn của Trung Quốc
TP - Xuyên suốt lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, Trương Nghệ Mưu thực sự khiến khán giả được một tối mãn nhãn với những màn biểu diễn mang tính nghệ thuật, sáng tạo cao.
Toàn thế giới biết đến sự lãng mạn của Trung Quốc ảnh 1
Trương Nghệ Mưu - Nghệ sĩ của Olympic Bắc Kinh 2008

Buổi lễ kết thúc, dù khá mệt mỏi nhưng ông vẫn dành cho báo giới cuộc trao đổi xung quanh lễ khai mạc được coi là hoành tráng nhất trong lịch sử Olympic hiện đại.

Thưa ông, ông có thể cho biết về những cái “nhất” trong lễ khai mạc?

Tôi tự tin rằng việc biểu hiện 5 vòng tròn Olympic sẽ là một điều kinh điển. Trong lễ khai mạc, tôi thích nhất tinh thần “chúng ta cùng nhau bước đi” xuyên suốt buổi lễ.

Còn nếu nói về cái đặc sắc nhất lần này, thì chỉ có một từ Lãng mạn. Cá nhân tôi vô cùng thích khẩu hiệu “cùng một thế giới, cùng một ước mơ” của Olympic Bắc Kinh 2008. Từ “ước mơ” trong đó làm cho trái tim người ta sinh ra cảm giác lãng mạn.

Khi đảm nhiệm chức vụ tổng đạo diễn lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, ông luôn nói rằng mình sẽ dùng “một trái tim bình thường” để tiến hành công việc. Ông có làm được điều này không, thưa ông?

Tối nay là kết quả của hai năm nỗ lực chuẩn bị, dù nói rằng dùng một trái tim bình thường để làm việc, nhưng khi ở cương vị tổng đạo diễn lễ khai mạc, có lẽ khó ai làm được điều đó. Trách nhiệm quá nặng trên đôi vai, áp lực với tôi là rất lớn.

Việc tìm kiếm những cách thể hiện mới mẻ cho Olympic lần này rất giống việc tôi đi tìm một kịch bản hay. Một bộ phim hay hoặc dở, kịch bản quyết định chủ yếu. Trong suốt hai năm chuẩn bị, cho đến tận khi diễn tập, chúng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những thể nghiệm mới mẻ.

Chỉ khi lễ khai mạc kết thúc, chúng tôi mới ngừng lại để nghĩ, nó thật sự đẹp. Những sáng tạo lúc ban đầu của chúng tôi, trải qua nhiều lần khảo nghiệm, đã mang về kết quả tốt đẹp.

Ông đã tham khảo được điều gì từ những lễ khai mạc Olympic trước đây?

Tôi đã xem nhiều những lễ khai mạc Olympic, và tôi thích nhất lễ khai mạc tại Athens 2004. Họ đã phát huy nghệ thuật sân khấu lên mức cực điểm, vì thế quá khó để vượt qua họ.

Cho nên, điểm đột phá của chúng tôi lần này là sự kết hợp giữa sân khấu và công nghệ kỹ thuật số. Điều này đã làm chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức.

Những đột phá này có giá trị gì, thưa ông?

Tất nhiên những điều hay dở xung quanh lễ khai mạc, với mỗi người là một cảm nhận khác nhau. Nhưng tôi tự tin rằng, lễ khai mạc của chúng tôi là sự vận dụng toàn diện công nghệ kỹ thuật số, một xu hướng tất yếu của thời đại.

Chúng tôi cho rằng đó là điều rất hiện đại. Ngay cả việc thể hiện những thông điệp thời cổ xưa, chúng tôi cũng sử dụng những thủ pháp tiên tiến nhất. Sự kết hợp đó mang lại cho khán giả một cảm giác như trong mơ. Thời gian qua chúng tôi đã rất căng thẳng, thú thực bây giờ tôi mới có cảm giác bình tĩnh, vì thành bại đã rõ.

Từ cương vị cá nhân là tổng đạo diễn lễ khai mạc, ông thích tiết mục nào nhất?

Mỗi tiết mục trong chương trình đều có sự liên kết với nhau để tạo nên một chỉnh thể. Tôi cho rằng, nếu xét từ góc độ đặc điểm, thì việc biểu diễn phát minh in ấn là điều đặc biệt nhất. Nó thể hiện sống động về phát minh, đồng thời nêu bật tư tưởng Dĩ hòa vi quý của Khổng Tử.

Tiết mục này nhìn qua có vẻ rất “cơ giới”, nhưng do 897 diễn viên làm nên, hết sức đặc biệt. Xét từ góc độ sáng tạo, cá nhân tôi thích tiết mục biểu diễn Thái Cực nhất. Nó thể hiện rõ rệt tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc, làm cho mọi người trên thế giới thấy được điều đó một cách chính xác nhất.

Sự sáng tạo mang tính lịch sử ở đây là việc Chủ tịch Olympic Bắc Kinh, Chủ tịch Ủy ban Olympic thế giới, vận động viên rước đuốc, đại diện vận động viên, trọng tài cùng đứng trên “họa quyển” phát biểu và tuyên thệ.

Thưa ông, ông có thể cho khán giả biết vì sao lại chọn hình tượng Trái đất để kết thúc màn trình diễn nghệ thuật?

Tiết mục cuối cùng phải thể hiện được chủ đề “Cùng một thế giới, cùng một ước mơ” của Olympic Bắc Kinh 2008. Sau rất nhiều lần nghiên cứu, chúng tôi quyết định chọn hình tượng Trái đất, vì nó thể hiện chủ đề trên một cách đơn giản, trực tiếp nhất.

Tuy thế, việc thực hiện tiết mục này thực sự là một thách thức lớn với chúng tôi. Vì vừa phải kết hợp với công nghệ kỹ thuật số, vừa phải thể hiện sao cho khán giả thấy nó “bay” lên từ sân vận động quốc gia. Các diễn viên tham gia tiết mục này đều là những thiếu niên thuộc các học viện võ thuật Sơn Đông, Hà Nam.

Họ gửi đến hơn 400 võ sinh ưu tú, trong số đó chúng tôi huấn luyện một thời gian rồi chọn ra 60 người xuất sắc nhất. Họ là người thực hiện những pha treo ngược người trên dây thép, đi bộ, nhào lộn xung quanh hình tượng Trái đất. Rất khó và vất vả, chỉ có những võ sinh ấy mới làm được.   

Văn Việt Võ
Theo Đông phương tảo báo

MỚI - NÓNG