Tòa tước quyền định đoạt của dân?

Tòa tước quyền định đoạt của dân?
TP - Lấn chiếm đất của nguyên đơn, xây nhà không phép, nhưng bị đơn lại được Tòa phán “không cần thiết phải trả bằng đất” mà chỉ phải trả bằng tiền.

> ‘Siết’ quản lý đất đai

Đó là kết quả bản án dân sự sơ thẩm số 96/2012/DSST ngày 28-8-2012, do TAND TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) xét xử vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Vy Châu (trú tại 154 Lê Hồng Phong) và bị đơn ông Nguyễn Văn Lê (trú tại 156 Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột).

Kết thúc phiên tòa, ông Châu bức xúc: “Không hiểu tòa căn cứ vào đâu để hóa giá đất, buộc ông Lê trả tiền cho gia đình tôi. Trong khi, tôi chỉ muốn lấy lại đất chứ không lấy tiền, vì đất này nhà nước cấp cho gia đình liệt sĩ. Tòa làm như vậy, vô hình chung đã hợp pháp hóa diện tích đất lấn chiếm”.

Theo bản án, căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) hộ ông Châu được cấp 159,4m2, nhưng đo thực tế chỉ còn 151,48m2, thiếu 7,92m2. Trong khi, giấy CNQSDĐ của ông Lê có 104,1m2, qua đo đạc thấy tăng lên 111,24m2, dư ra 7,14m2.

Bản án nhận định: “Do ông Lê đã xây nhà ở và diện tích đất lấn chiếm chiều dài rất nhỏ, nên không cần thiết phải trả bằng đất”. Với nhận định đó, Tòa tuyên buộc gia đình ông Lê trả đất lấn chiếm 5,64m2 bằng tiền, trị giá 75.960.000 đồng.

Trước đó, việc xây nhà không phép và lấn đất chiếm đất của gia đình ông Lê đã được UBND phường Thành Công 3 lần lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công. Đến ngày 30-12-2011, UBND TP Buôn Ma Thuột ra công văn số 1879/UBND-ĐT yêu cầu ông Lê tự giác tháo dỡ phần tường lấn chiếm và phải hoàn thành trước ngày 29-2-2012, nhưng ông Lê vẫn không thực hiện.

Nhận xét về bản án sơ thẩm, luật sư Phan Ngọc Nhàn – Trưởng VP Luật sư Thanh Nhàn cho rằng: Việc bán đất, bán tài sản là quyền của người sở hữu, tòa không có quyền “hóa giá”, việc ép buộc là sai.

“Tòa buộc nguyên đơn bán đất cho bị đơn là trái với nguyên tắc giao dịch dân sự quy định tại điều 122 của Luật dân sự - Vi phạm về giao dịch tự nguyện”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG