Tỏa sáng tài năng lính trẻ

Phong trào học tập, nghiên cứu khoa học luôn được tuổi trẻ toàn quân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.
Phong trào học tập, nghiên cứu khoa học luôn được tuổi trẻ toàn quân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.
TP - Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội lần thứ XVI vừa vinh danh gần 200 công trình, sáng kiến nổi bật trong nhiều lĩnh vực của tuổi trẻ toàn quân với ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả cao. Qua đó, khẳng định trí tuệ và nhiệt huyết của những người lính trẻ yêu khoa học.

Cải tiến vũ khí

Trong số 14 CT, SK được Hội đồng Giải thưởng TTST trong Quân đội lựa chọn trao giải nhất có tới 11 CT, SK về chế tạo, cải tiến các loại vũ khí, thiết bị quân sự. Điển hình như công trình thiết kế, chế tạo trung tâm xử lý giả đạn Sosna-R cho tàu Gepard 3.9 của Hải quân nhân dân Việt Nam của nhóm tác giả thế hệ 8X ở Viện Điện tử thuộc Viện Khoa học công nghệ quân sự. 

Điểm sáng tạo nổi bật của công trình này là đã ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại tiên tiến trên thế giới để giải quyết bài toán tồn tại từ nhiều năm qua, đang rất cấp thiết khi nhu cầu sử dụng giả đạn ở tàu Gepard tăng cao do yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cũng như chuẩn bị tiếp nhận thêm 2 tàu Gepard. 

Với trung tâm xử lý này, giả đạn Sosna có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ Nga, đồng thời đáp ứng nhanh yêu cầu phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với chi phí nhỏ nhất, linh động, thời gian triển khai nhanh. Từ công trình này mở ra tiền đề cho nghiên cứu, thiết kế các chủng loại phương tiện vũ khí mới phục vụ an ninh - quốc phòng và một số lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Giải thưởng lần này cũng vinh danh công trình có tính hiệu quả cao của những người lính quân giới Việt Nam là công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra trạng thái bảo hiểm ngòi đạn cối, ĐKZ, OG-9 do thượng úy, kỹ sư Chu Văn Tùng (SN 1987) cùng các đồng đội ở Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thực hiện.

Theo thượng uý Chu Văn Tùng, nhằm tránh tình trạng mất an toàn trong công tác huấn luyện, diễn tập hàng năm của bộ đội, trong đó có thể do nguyên nhân ngòi nổ không đảm bảo là động lực để các anh lao tâm khổ tứ trong thời gian khá dài. 

Sau một năm nghiên cứu, công trình thành công như mong đợi khi cho ra đời thiết bị hoạt động ở 2 chế độ (chế độ tự động điều khiển khí nén hoặc bằng tay, sử dụng điện lưới 220V hoặc ắc quy 12V), thao tác vận hành đơn giản, phù hợp để sử dụng tại các nhà máy sản xuất ngòi, kho, xưởng, đơn vị các cấp. Đề tài đã áp dụng những phần mềm tính toán thiết kế hiện đại như Autodesk Inventor để thiết kế thiết bị, Ansys Autodyn để tính toán mô phỏng vụ nổ ngòi khi gặp sự cố kích nổ ngòi để thiết kế phần tủ an toàn cho thiết bị, và các phần mềm thiết kế mô phỏng hoạt động của mạch điện và hệ thống điều khiển của thiết bị.

Giúp trẻ ra đời khỏe mạnh

Với đề tài nghiên cứu chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi bệnh teo cơ tủy, đại úy, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1981) và hai sinh viên ở Học viện Quân y là Trần Văn Tuấn và Đổng Phú Cầu đã góp phần giảm thiểu nguy cơ cho những cặp vợ chồng từng sinh ra trẻ mắc bệnh này sẽ không phải lặp lại ở những đứa trẻ được sinh ra tiếp theo. Điều này không chỉ mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng mà còn giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội thực sự là nơi chắp cánh cho những ước mơ nghiên cứu khoa học, phát hiện tài năng trẻ trong toàn quân”. 

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa

Theo đại úy Nguyễn Thị Thanh Nga, đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi cho bệnh lý di truyền do đột biến gen. Chương trình đã xây dựng được quy trình phát hiện đột biến gen SMNt gây bệnh teo cơ tủy trên phôi thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật PCR-RFLP và minisequencing. Các bước thực hiện quy trình rõ ràng, có khả năng lặp lại với độ chính xác, giá trị khoa học cao. 

Từ đó áp dụng thành công quy trình xây dựng chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi bệnh teo cơ tủy cho gia đình có con bị bệnh teo cơ tủy có nguyện vọng sinh con tiếp theo, để sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Đồng thời chi phí cho chẩn đoán thấp hơn nhiều so với chi phí cho điều trị bệnh này và hầu hết các trẻ bị bệnh đều tử vong sớm trong 10 năm đầu của cuộc sống.

“Đề tài của chúng tôi được nghiệm thu năm 2015. Bước đầu đã áp dụng cho 4 cặp vợ chồng và đã có 2 trẻ ra đời khỏe mạnh. Đó cũng là niềm vui lớn nhất của chúng tôi khi được góp phần mang lại hạnh phúc cho người dân”, đại úy Nga nói.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng TTST trong quân đội) khẳng định, hoạt động Giải thưởng TTST trong quân đội thực sự là nơi chắp cánh cho những ước mơ nghiên cứu khoa học, phát hiện tài năng trẻ trong toàn quân, gắn với bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng tài năng trẻ để tập hợp cán bộ, ĐVTN, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong hoạt động quân sự, qua đó xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tài năng trẻ, làm cơ sở tham mưu, đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, trong đó có tài năng trẻ.

Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ XVI có 379 công trình, sáng kiến, của 713 tác giả, tập thể tác giả thuộc 33 cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng tham gia. Hội đồng Giải thưởng đã thẩm định và lựa chọn gần 200 chương trình, sáng kiến xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả để trao giải (gồm 14 giải nhất, 37 giải nhì, 59 giải ba và 86 giải khuyến khích). 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.