Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
19/12/2022 14:11
19/12/2022 14:30
Báo Tiền Phong luôn quan tâm đến thế hệ trẻ của đất nước
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng nêu vấn đề Báo Tiền Phong tổ chức buổi toạ đàm: “Thuốc lá điện tử trong trường học: Nhận diện và phòng chống” là một nội dung mang tính thời sự và cấp bách.
Vì sao buổi tọa đàm nói chủ đề này? Vì đối tượng học sinh trong trường học đặc biệt được quan tâm và dễ tổn thương cả về tâm lý và sức khoẻ.
Nhà báo Phùng Công Sưởng. Ảnh: Trọng Quân
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của TW Đoàn, báo Tiền Phong luôn có tuyến bài quan tâm đến thế hệ trẻ của đất nước. Với vai trò đó, báo Tiền Phong đã tổ chức buổi toạ đàm về vấn đề này.
Buổi toạ đàm sẽ lắng nghe ý kiến của các thầy cô trong nhà trường, là các y bác sĩ, là chuyên gia tâm lý. Buổi toạ đàm mong muốn nhận được nhiều ý kiến xác đáng giúp chúng ta có những bài học hữu hiệu trước khi chưa quá muộn.
Chúng ta đều biết, kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.
Đánh giá về tác hại của thuốc lá điện tử thì vô cùng lớn vì dẫn đến sức khoẻ ngay lập tức cũng như lâu dài như não bộ, dây thần kinh.
Các cơ quan chức năng đã có những ý kiến về vấn đề này. Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng “xâm nhập” nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên.
Buổi toạ đàm mong muốn có các ý kiến sâu sát hơn để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn. Với buổi toạ đàm dù ngắn, chúng tôi vẫn mong có nhiều ý kiến của các chuyên gia để nhận diện và hướng giải pháp về mặt quản lý, giáo dục, phòng ngừa để chúng ta dựng lên một lớp hành lang an toàn cho các em, giúp các em học sinh hoàn thiện về tri thức, phẩm chất, xứng đáng là những chủ thể tương lai của đất nước.
19/12/2022 14:54
Thuốc lá điện tử - bệnh thế hệ mới
Thời gian qua, thuốc lá điện tử đã từng bước thâm nhập vào môi trường học đường không chỉ ở cấp THPT hay THCS mà hiện nay đã vào đến cấp Tiểu học. Là người trực tiếp cấp cứu và chữa trị cho những bệnh nhân bị nhiễm độc do thuốc lá điện tử, xin bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên có thể cho biết những ảnh hưởng của thuốc lá điện tử tới sức khỏe của người dùng nói chung và đặc biệt là học sinh, sinh viên nói riêng?
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai, trả lời:
Trước tiên, về cấu trúc bộ hút của thuốc là điện tử gồm pin, công tắc, nút bấm, bộ chứa, bấc đốt cháy,… Cấu trúc ban đầu tương đối ổn định tuy nhiên càng về sau càng cải tiến cho phép người dùng cho bất cứ cái gì để hút. Điều này khá nguy hiểm bởi có rất nhiều chất nguy hiểm không được kiểm định.
Thuốc lá điện tử được cấu trúc để có thể bốc cháy nhanh, đốt cháy hóa chất với tốc độ dẫn điện ngày càng được cải biên với tốc độ mạnh và nhanh. Khi hóa chất được đốt cháy nhanh, đột ngột, liều cao sẽ tạo ra nhiều chất khác nhau khá nguy hiểm.
Về tác hại của thuốc lá điện tử có thể chia 3 nhóm
-Một là thuốc lá điện tử chứa nicotin. Dù nhiều nhà sản xuất đã tuyên bố là không có nicotin nhưng thực tế theo nghiên cứu thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin cao hơn cả thuốc lá. Nicotin là chất độc nặng, có trong thành phần thuốc trừ sâu, khi sử dụng có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thần kinh. Bên cạnh đó nicotin gây nghiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá điện tử làm tăng số lượng người nghiện thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử làm suy mòn, hủy hoại tất cả nỗ lực phòng tránh thuốc lá thông thường cho đến nay.
-Hai là thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất phụ gia: tạo màu, tạo mùi, những chất này sẽ thay đổi theo thị hiếu, theo thời gian,…
Theo nghiên cứu, trong thuốc lá điện tử có 60 hóa chất khác nhau, khói bốc lên có khoảng 40 hóa chất. Theo các chuyên gia có hàng nghìn chất hóa học khác nhau tạo nên thuốc lá điện tử, sau khi đốt cháy tạo nên nhiều loại hóa chất khác nhau, gây nên 1 loạt các bệnh mới. Mới đây ở Mỹ phát hiện gần 3000 người trẻ bị tổn thương phổi nặng do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có khoảng 60 người tử vong. Có người cho cả Vitamin E vào thuốc lá điện tử, khi đốt cháy sẽ biến thành chất độc gây tổn thương phổi. Phải nhấn mạnh rằng: Càng ngày càng nhiều bệnh mới do sử dụng thuốc lá điện tử.
Có rất nhiều nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định thuốc lá điện tử có thể gây tác động lên tất cả các bộ phận cơ thể như: viêm phế quản, ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…. Nhiều hơn rất nhiều bệnh do thuốc lá thông thường gây ra.
Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng từ thuốc lá điện tử: có thể sẽ xuất hiện ồ ạt như ở Mỹ cũng có thể sẽ xuất hiện dần dần.
-Thứ ba là thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn quay ra bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác. Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não,… Theo xác minh, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử.
Để xác định một loại chất cấm chất gây nghiện mất rất nhiều công sức, hàng tỷ đồng để xác minh qua các bước. Trong khi các chất gây nghiện, chất ma túy mới ngày càng phát triển, ngày càng nhiều thêm như 1 thách thức với hệ thống quản lý. Ngay cả ở Mỹ cũng chưa có kết quả thống kê cụ thể về các hệ quả, các bệnh gây nên cho con người từ các loại ma túy.
Vì thế tôi mạnh dạn khuyến cáo phải làm sớm và làm ngay: Cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Bây giờ có lẽ không còn đủ sớm nữa rồi, nhưng phải làm ngay làm luôn.
19/12/2022 15:06
Chống thuốc lá điện tử không thể tuyên truyền một chiều
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thưa ông Nguyễn Quốc Dương, học sinh cấp THCS được cho là đang ở lứa tuổi muốn thể hiện cái tôi cá nhân, thích khẳng định mình. Chính vì vậy các em rất dễ “thử” những cái mới. Vậy thời gian qua, tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ có giải pháp như thế nào đối với việc phòng chống thuốc lá điện tử trong học đường?
Thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội:
Thời gian qua báo chí phản ánh tình trạng báo động học sinh hút thuốc lá điện tử. Đã có học sinh bị ngộ độc, tử vong. Đây là nỗi bất an cho mỗi gia đình, cho nhà trường, xã hội nói chung. Không ít học sinh sử dụng với lý do giải tỏa căng thẳng, strees, thậm chí lý do bất mãn với bố mẹ, thầy cô. Đặc biệt ở lứa tuổi muốn thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi qua đó chống đối nội quy của nhà trường. Thậm chí thể hiện bản thân là lớn hơn cùng trang lứa, ngầu hơn. Nhưng lo lắng nhất là việc dùng thuốc lá điện tử theo nhóm cùng chơi. Trường nhận thấy nguy cơ nhóm bạn cùng chơi, vì sẽ ngày càng tăng thêm chất kích thích.
Hiện nay có sự biến tướng của thuốc lá điện tử, thực tế xảy ra trong nhà trường. Để bắt gặp các em đang sử dụng thuốc lá điện tử không đơn giản. Học sinh lợi dụng giờ giải lao, nhà vệ sinh, góc khuất để xử lý.
Tổ bảo vệ vào nhà vệ sinh. Đôi lúc phải phân công thầy giáo nấp trong nhà vệ sinh để bắt được quả tang thì mới phục.
Phối hợp với chi đoàn giáo viên, kiểm tra hành chính đột xuất.
Khi phát hiện thì xử lý kịp thời theo nội quy như mời phụ huynh đến để trao đổi, có biện pháp để giáo dục các em.
Thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội
Nhà trường rất quan tâm tới tác hại phòng chống thuốc lá trong học đường. Căn cứ theo văn bản của Bộ cũng như bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa thuốc lá. Đây là bộ tài liệu được xem như kim chỉ nam để tuyên truyền cho học sinh. Trường THCS Nguyễn Công Trứ không chỉ tuyên truyền một chiều. Học sinh tự tìm hiểu, biến mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên để tuyên truyền với các bạn.
Lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động dưới cờ.
Nhưng việc phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học cũng gặp không ít khó khăn. Đó là dễ mua, có loại không để lại mùi, khó phát hiện. Thiết bị được ngụy trang dưới dụng cụ sử dụng hằng ngày. Đây là khó khăn cho công tác quản lý của trường.
19/12/2022 15:15
Thuốc lá điện tử gây nguy hại khôn lường
Đứng dưới góc độ tâm lý, theo Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh, điều gì khiến chất cấm, chất gây nghiện vẫn len lỏi vào môi trường học đường?
Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh trả lời:
- Việc vấn đề thuốc lá điện tử không phải là vấn đề của Việt Nam, không chỉ trong học sinh, sinh viên mà cả trong người lớn. Vậy trả lời cho câu hỏi tại sao người lớn muốn cấm về thuốc lá điện tử thì tại sao biết thuốc lá điện tử gây nguy hại như vậy thì lại hấp dẫn đến các bạn trẻ đến thế?
Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh |
Lí giải việc này thì chúng ta phải nhìn nhận, thuốc lá điện tử không phải là chất cấm đầu tiên ở cổng trường. Thực sự về mặt cách gọi tên và hình thức của loại chất cấm này lên một tầng cao mới. Như thời điểm năm 2015 – 2016, hiện tượng “tem giấy” xuất hiện như một món đồ chơi cho trẻ con đã qua mặt được biết bao nhiêu phụ huynh trong việc bảo vệ con em mình, đồng thời khiến cho xã hội thời điểm đó 1 phen phải lo lắng về những nguy hiểm nơi ngoài cổng trường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đã phải nói đây là: “Bệnh thế hệ mới”. Cái tên này khiến cho người nghe phải cảm thấy lo lắng. Việc đưa cái tên sản phẩm chất cấm 1 cái tên mới. Thế nhưng, thời điểm này, khi các loại chất cấm, chất gây nghiện là thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới, rõ ràng ta có thể thấy, ngay từ tên gọi đến hình thức của nó đã trở nên tinh vi hơn, thậm chí là liên tục được tìm cách để hợp thức hóa bằng các quảng cáo chuyên nghiệp nhằm phổ cập thông tin kiến thức sai lệch, thiếu căn cứ y học về tác dụng và hệ quả của thuốc lá điện tử tới sức khỏe thể chất cũng như tâm thần của người sử dụng như là: không gây mùi hôi như thuốc lá truyền thống, ít nạp nicotine vào cơ thể hơn so với thuốc lá thông thường, thậm chí còn có thể hỗ trợ cai thuốc lá truyền thống,…
Rõ ràng, việc này không những kích thích sự tò mò của các bạn học sinh sinh viên, mà còn khiến các bạn ấy lầm tưởng về những lợi ích mà nó có thể mang lại. Tôi nghĩ, những điều này đôi khi còn làm chính cả người lớn hiểu lầm chứ không chỉ riêng các bạn học sinh sinh viên.
Vậy nên dưới góc độ tâm lý học, khi các loại chất cấm, chất gây nghiện xâm nhập vào môi trường học đường dưới những hình thức mới lạ, thậm chí là trá hình những điều tốt đẹp hoặc những điều tưởng chừng như là vô thưởng vô phạt, dễ gây nhầm lẫn khi người sử dụng chưa được trang bị đầy đủ hiểu biết cũng như kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, chính là lý do khiến cho chất cấm, chất gây nghiện vẫn có thể len lỏi vào trong môi trường học đường.
19/12/2022 15:21
Nhận biết trẻ sử dụng thuốc lá điện tử
Thưa bác sĩ, vậy làm thế nào để nhận biết sớm dấu hiệu trẻ sử dụng thuốc lá điện tử?
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Tôi đứng ở góc độ về chuyên môn và cũng là một phụ huynh xin mạnh dạn chia sẻ.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên
Tôi nghĩ tên thuốc lá điện tử không hề chính xác, không có lá gì ở trong thuốc lá điện tử, mà thực chất là cung cấp chất nicotin dạng hơi. Nicotin là ma túy mà có rất nhiều cách để sử dụng, có thể hút có thể là bột như ketamin, hay cúng có thể tiêm thẳng vào cơ thể. Thực ra nếu quyết định cấm thì các nhà hoạch địch chính sách nên chọn được một từ mô tả chính xác đc loại hình này để cấm triệt để.
Theo tôi phải cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, thêm nhà trường cung cấp thêm thông tin cho người dân cho phụ huynh phát hiện ra sử dụng thuốc lá điện tử. Nhiều người không hề biết con, em chúng ta đang hút thuốc lá điện tử.
Đầu tiên tôi nhấn mạnh là người dân và các bậc phụ huynh phải chủ động để ý con cái thì phát hiện ra ngay con trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử. Tốt nhất không nên đợi đến lúc phát hiện các dấu hiện bệnh tật trên người. Bởi có rất nhiều người mới hút có thể chưa ngấm sâu độc tính, vẫn đang giai đoạn đầu chưa tổn thương sâu.
Chúng ta không nên đợi triệu chứng bởi khi đã xuất hiện triệu chứng là đã sử dụng quá nhiều, cơ thể, nội tạng đã bị tổn thương sâu. Hiện có rất nhiều bệnh nhân đến viện đã xét nghiệm có ma túy trong người. Khi các bệnh nhân đến viện, chúng tôi chủ động quan tâm đến các dấu hiệu lạ của bệnh nhân, xét nghiệm máu, chụp chiếu toàn thân đặc biệt là hệ hô hấp.
Tôi nhấn mạnh rằng nên chủ động quan tâm đến con cái chúng ta, không nên đợi triệu chứng hay dấu hiệu trẻ sử dụng thuốc lá điện tử bởi thuốc lá điện tử gây ra rất nhiều bệnh mới, không giống bất cứ bệnh nào.
19/12/2022 15:22
19/12/2022 15:32
Cần phải có quan điểm dứt khoát với thuốc lá điện tử
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Một trong những giải pháp được bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đưa ra tôi rất đồng tình là quan tâm đến con em mình hơn. Nhưng nhìn dưới góc độ thị trường, ông Vũ Vinh Phú thấy thế nào về việc mua bán thuốc lá điện tử hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách pháp luật của các nước trong việc mua bán tàng trữ thuốc lá điện tử. Rõ ràng đang có lỗ hổng lớn về sử dụng, lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú |
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội), nguyên Phó thường trực Ban Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 TP Hà Nội:
Đến bây giờ chúng ta mới biết tác hại vô cùng to lớn. Với học sinh là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến thế hệ trẻ, nòi giống, sức khỏe.
Trước đây chúng ta chống buôn lậu thuốc lá truyền thống. Nhưng thuốc lá hiện nay được bán công khai. Là bậc cha chú, tôi thấy rất đau lòng trước vấn nạn thuốc lá điện tử. Theo tôi phải có nhận thức về tác hại của nó nhận thức đúng, nhận thức đủ mới hành động được. Trước đây cứ nói là chống nhưng cấm thế nào đối với hàng chục triệu học sinh. Cần phải có quan điểm dứt khoát là cấm hay không. Còn nếu chỉ hạn chế hay không thuốc lá nơi công cộng không giải quyết được vấn đề.
Thuốc lá điện tử phải làm triệt để. Từ sản xuất, vận chuyển, buôn bán, giao dịch, tàng trữ… hàng loạt các mệnh đề đi theo. Có cầu sẽ có cung và ngược lại nên phải chặn cả cung và chặn cả cầu.
Nếu cứ lơ lửng thì sẽ phải chịu hậu quả trong thời gian tới.
Do vậy khi có văn bản cấm phải chuẩn bị cho vấn đề này thế nào từ quản lý thị trường, hải quan, y tế, khoa học công nghệ… các ngành đều phải vào cuộc. Những người làm vấn đề này phải trong sạch.
Cần phải có phong trào, chiến dịch cụ thể.
Nhà báo Phùng Công Sưởng như ông Vũ Vinh Phú nói chưa được lưu hành nhưng buôn bán công khai. Vì sao lại thế?
Ông Vũ Vinh Phú: Sự việc cứ diễn ra công khai nhưng chưa được xử lý. Do đó cần sớm có văn bản pháp quy để thực hiện. Nhưng vẫn có độ trễ do việc ban hành văn bản. Thực tế vấn đề này rất khó. Ví dụ an toàn thực phẩm rất khó xử lý. Chỉ khi có tử vong thì mới xử lý được. Đây là những khoảng trống nguy hiểm cho xã hội.
19/12/2022 15:36
Đề xuất giải quyết vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử
Theo tôi việc đưa ra các văn bản có thể rất nhiều phức tạp nhất định phải làm ngay, đưa ra văn bản cấm khẩn cấp. Không quan trọng tên gọi. Vì phải đưa ra quy định rồi các cấp, các đơn vị mới thực hiện được. Nhưng phải nhanh chóng lên, văn bản hướng dẫn hay văn bản cấm cũng được, chứ đợi ra được luật thì chắc rất lâu. Hiện, ss lượng bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử đang ngày càng tăng lên và rất nhiều bệnh mới đã và đang len lỏi trong người dân rồi", TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai.
19/12/2022 15:46
Phải quản lý chặt chất gây nghiện
Xin hỏi bà Đỗ Trần Phương Anh: Xin bà cho biết việc buôn bán và sử dụng các chất cấm trên thế giới như thế nào?
Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh trả lời: Việc buôn bán các nước Châu Âu họ có luật ai được phép buôn bán, nguồn nào được phép buôn bán và khi đăng ký kinh doanh cần có giấy tờ gì và ở các nước thì đó là các cơ sở y tế. Đây đa số là các cơ sở y tế chữa cho bệnh nhân ung thư và bệnh nhân tâm thần.
Ở các bệnh viện lớn thì các chất cấm này được để kho và ai vào đó và lấy bao nhiêu thì đều cần phải nghi chép lại.
Còn việc sử dụng các chất cấm thì là các bệnh nhân có giấy của bác sĩ và lấy dung lượng bao nhiêu. Và việc lấy ở trong thời gian sử dụng là ngắn nhất, nhất là bệnh nhân có tiền án tiền sự.
Ở một số nước, họ cởi mở về chất cấm và chất gây nghiện nhưng chế tài rất nặng. Họ có luật mà chặt chẽ quy định ai được hay không được sử dụng như thế nào.
Tôi cho rằng, ở nước ngoài chất cấm lưu hành như vậy nhưng nếu lưu hành ở Việt Nam thì tôi cho rằng sẽ không được. Việc sử dụng chất gây nghiện và chất kích thích cho bệnh hơn là sử dụng để giảm stress, tâm lý là rất ít. Họ cũng có danh mục và phân loại các chất.
19/12/2022 15:52
Cần nâng chế tài với thuốc lá điện tử
Thưa ông Vũ Vinh Phú, dưới góc độ chuyên gia về thương mại, ông nhìn nhận tình trạng mua bán thuốc lá điện tử hiện nay trên thị trường như thế nào?
Qua phương tiện thông tin đại chúng và tiếp xúc với làn khói này ở trên đường thì tôi cho rằng thuốc lá điện tử tác hại vô cùng to lớn với thế hệ chúng ta. Giờ hệ luỵ đến cả người lớn chứ không phải học sinh. Với học sinh dễ bắt chước và số lượng đông là hàng chục triệu học sinh mà liên quan đến sức khoẻ, nòi giống trong tương lai.
ông Vũ Vinh Phú
Với góc độ thương mại, trước đây chúng ta đã đấu tranh để chống thuốc lá thông thường thì đây với thuốc lá điện tử cũng cần được coi là vấn đề hết sức cấp bách.
Hiện nay, chúng ta bị bán trực tiếp, công khai, bán thoải mái và chưa được ngăn chặn kịp thời. Với nhận thức của người lớn là người ông, người bác, người chú của những học sinh thì tôi coi đây là vấn đề rất xót xa và sớm phải ngăn chặn. Đây chưa được coi là quốc nạn nhưng cũng nên coi là vấn nạn .
Việc cấm thuốc lá điện tử trong trường học chúng ta phải làm sớm, giờ đã được coi là chậm nhưng còn hơn không. Chúng ta trước hết nhận thức đúng, nhận thức đủ mới hành động đúng được. Chúng ta quản lý làm sao được 5-7 triệu học sinh và cả người lớn đều đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Chúng ta phải rõ ràng về lập trường. Quan điểm cần dứt khoát, là cấm hay không cấm chứ không thể “trung bình chủ nghĩa” như trước khi chúng ta nói là “cấm thuốc lá nơi công cộng” thì vấn đề thuốc lá điện tử trong thời gian tới không có nghĩa gì trong quản lý cả.
Có cầu thì có cung, có cung thì có cầu. Vì thế chúng ta phải chặn cả cung, chặn cả cầu. Nếu chúng là chỉ có chữ “cấm” chứ lơ lửng không giải quyết được và sẽ chịu hậu quả trong thời gian tới.
Khi có văn bản cấm trong thời gian tới theo tôi cần phải tiến hành lực lượng cho lệnh cấm này thì cần sự đồng bộ từ các ban ngành, các bộ, từ Bộ Công thương, y tế, hệ thống chính trị đều vào cuộc.
Khi chúng ta coi rằng thuốc là điện tử thuộc vào danh mục hàng cấm thì và con người đi làm chống thuốc lá điện tử phải trong sạch trước. Nếu người làm mà “không trong sạch” thì không thể làm “sạch” nổi.
Mặt khác, tôi cho rằng cần nâng chế tài với thuốc lá điện tử thế hệ mới để tránh việc lợi dụng “khoảng trống trong quản lý nhà nước”.
Chúng ta cần “chiến dịch” trong vấn đề này.
19/12/2022 15:54
19/12/2022 16:13
Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động.
Gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng “thâm nhập” nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá.
Vụ việc mới đây nhất được dư luận đặc biệt quan tâm là 8 học sinh lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội phải nhập viện do hút thuốc lá điện tử vì tò mò.
Kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.
Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng “xâm nhập” nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá.
Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.
Chính vì tính chất nghiêm trọng như vậy Báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn không thể đứng ngoài cuộc trước sức khỏe của học sinh, sinh viên, những thế hệ trẻ tương lai của đất nước bị đe dọa.
Buổi tọa đàm được Báo Tiền Phong tổ chức chiều nay lúc 14h00 có chủ đề: “Thuốc lá điện tử trong trường học: Nhận diện và phòng chống”, Ban tổ chức mong muốn với những chia sẻ của chuyên gia, các nhà giáo để có thêm những cảnh báo và tìm được cách phòng chống vấn nạn này trong học đường.
Khách mời của buổi tọa đàm gồm:
- TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai.
- Ông Vũ Vinh Phú, Nguyên phó GĐ sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương) Nguyên Phó Thường trực Ban Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 TP Hà Nội.
- Thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội.
- Chuyên gia Tâm lý, Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh, Dự án Phi chính phủ Hoàng Gia Anh.