Tòa án kinh tế và Trọng tài thương mại: Nhất bên trọng - nhất bên khinh?

Hội thảo về “Luật TTTM và kỹ năng tố tụng trọng tài” do VCCI và VBF tổ chức
Hội thảo về “Luật TTTM và kỹ năng tố tụng trọng tài” do VCCI và VBF tổ chức
TP - Chúng ta đã có Luật Trọng tài thương mại, song hiện đang thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi các Toà kinh tế đang quá tải, thì các Trung tâm trọng tài lại vắng vẻ đìu hiu.
Hội thảo về “Luật TTTM và kỹ năng tố tụng trọng tài” do VCCI và VBF tổ chức
Hội thảo về “Luật TTTM và kỹ năng tố tụng trọng tài”
do VCCI và VBF tổ chức.

Trọng tài thương mại đang bị “bỏ rơi”?

Theo TS Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc lựa chọn Trọng tài thương mại (TTTM) giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm: Tiết kiệm thời gian, chi phí; bảo đảm bí mật các điều khoản hợp đồng, nội dung vấn đề tranh chấp; quan trọng hơn, phán quyết TTTM có giá trị chung thẩm.

Tuy nhiên, theo ông Chí, việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp bằng TTTM còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nước ta hiện có 7 Trung tâm TTTM, song hoạt động của các trung tâm này mới chỉ mang tính chất ghi danh.

Thống kê của VIAC, năm 2007, Tòa kinh tế TAND TP Hà Nội xử khoảng 300 vụ án kinh tế, Tòa kinh tế TAND TP Hồ Chí Minh xử khoảng 1.000 vụ, thì VIAC chỉ tiếp nhận khoảng 30 vụ. Tính trung bình, mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ/năm, trong khi khối lượng công việc của các thẩm phán trở nên quá tải, từ 30-50 vụ/năm/thẩm phán.

Những thông tin tham khảo

Theo luật sư, trọng tài viên Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương, tại các nước có hệ thống trọng tài phát triển, tuy tòa án và trọng tài là hai phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, song vẫn có mối quan hệ hỗ trợ nhau khá chặt chẽ, hiệu quả.

Pháp luật nhiều nước quy định, Tòa án phải từ chối thụ lý tranh chấp, nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài. Pháp luật Anh, Hồng Kông, Ấn Độ, Ả-rập Sê-út ghi rõ, kể cả trường hợp không có thỏa thuận trọng tài, các bên tranh chấp vẫn phải đưa vụ việc ra giải quyết ở trọng tài trước. Nếu không, phải có lý giải thỏa đáng, Tòa án mới chấp nhận thụ lý vụ tranh chấp.

Phạm vi thẩm quyền trọng tài ở nhiều quốc gia cũng được quy định khá cụ thể. Ở Trung Quốc, trọng tài có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp, trừ tranh chấp liên quan đến hôn nhân, nhận con nuôi, giám hộ, thừa kế, hoặc các tranh chấp hành chính. Ở Nhật Bản, luật quy định các tranh chấp dân sự (trừ tranh chấp về hôn nhân, gia đình) thuộc phạm vi thẩm quyền của trọng tài.

Luật TTTM của Việt Nam

Luật TTTM quy định, các bên đã có thỏa thuận trọng tài, mà một bên khởi kiện tại Tòa án, thì Tòa án phải từ chối thụ lý. Tuy nhiên, TAND tối cao lại có văn bản hướng dẫn, trường hợp có thông báo bằng văn bản của nguyên đơn hoặc tòa án về việc yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp mà bị đơn không phản đối, thì dù có thỏa thuận trọng tài, tranh chấp vẫn thuộc quyền giải quyết của tòa án.

Những bất cập kiểu như trên dẫn đến sự lúng túng trong phân định thẩm quyền toà án - trọng tài, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi lựa chọn giải quyết tranh chấp theo con đường trọng tài. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phán quyết của tòa án có sức mạnh thực thi hơn, nên họ chọn toà án.

Trọng tài không hạn chế thẩm quyền của tòa án, trái lại, còn góp phần hỗ trợ tòa án kinh tế trong giải quyết tranh chấp thương mại - đó là khẳng định của nhiều chuyên gia pháp luật khi được hỏi về vấn đề này.

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam (VBF) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Luật Trọng tài thương mại và kỹ năng tố tụng trọng tài”.

Các thành viên tham gia kiến nghị: Chính phủ sớm có Nghị định quy định chi tiết những vấn đề quan trọng của Luật Trọng tài thương mại theo hướng khả thi; TANDTC cần chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống toà án đảm bảo hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý cho hoạt động trọng tài thương mại.

(Nguồn: Ủy ban đào tạo - Liên đoàn luật sư Việt Nam)

MỚI - NÓNG