Nhiếp ảnh đã thay đổi đời tôi
Đào Tiến Đạt bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh khá muộn. Ông kể: “Năm 1995 tôi mắc bệnh gan. Trước đó mẹ tôi cũng qua đời vì ung thư gan. Một năm sau đó cha tôi từ giã cõi đời cũng vì căn bệnh nan y. Tôi nhận thấy đời người hữu hạn nên từ bỏ mọi việc và tìm hiểu nghệ thuật như một liệu pháp chữa lành tâm hồn”.
Bản giao hưởng hồ Lắk, Huy chương vàng APU 2024 - Singapore |
Ít ai biết rằng người có duyên với giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế từng đi qua cảnh mưu sinh khốn khó. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo tại vùng quê Mỹ Chánh, Phù Mỹ, Bình Định. Nhiếp ảnh gia nhớ lại: “Tôi làm nhiều nghề để mưu sinh trong đó gắn bó lâu nhất là nghề thu gom ve chai. Chính nghề này cho tôi nhận thức và đồng cảm với phận người trong cõi nhân sinh”. Từ một người không có khái niệm gì về nhiếp ảnh, không ý thức được sức mạnh của hình ảnh, một hôm tình cờ đọc bài báo “Những tấm ảnh của Lewis W.Hine” đăng trên báo Tuổi Trẻ, năm 1998, nhiếp ảnh đã thành cơ duyện vận vào đời ông.
Thời kỳ đầu cầm máy ông cũng chỉ tham gia giải nhiếp ảnh cấp tỉnh hoặc giải trong nước. Nhưng sau đó một thời gian dài ông không tham gia các cuộc thi trong nước nữa vì một số lý do khác nhau. Nhận thấy “điểm rơi” sung sức về nghệ thuật đã tới, Đào Tiến Đạt quyết định “đem chuông đi đấm xứ người” nhưng chỉ dám hy vọng mong manh về khả năng thành công. Ông trải lòng: “Tôi từng mơ nhưng không tin có ngày mình được giải thưởng quốc tế. Đến khi tác phẩm “Đi làm” được bằng danh dự ở Croatia tôi mới dám tin là sự thật. Niềm vui này đã tạo động lực cho tôi trong cuộc sống và nghệ thuật. Bạn bè của tôi thường nói nhờ niềm vui nhiếp ảnh giúp tôi vượt qua bệnh tật, có cuộc sống như hôm nay. Nhiếp ảnh thực sự đã thay đổi đời tôi”.
Gương mặt quan lại số 2, Huy chương vàng PhotoVivo 2024 - Malaysia Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Muốn giới thiệu hình ảnh quê hương với thế giới
Cảnh và người trong các tác phẩm nhiếp ảnh của Đào Tiến Đạt đều thân thuộc với mỗi người Việt. Với Đào Tiến Đạt đề tài không ở đâu xa mà ở quanh ta: “Đất nước, con người và văn hoá Việt không những đẹp, giàu bản sắc, đậm tính nhân văn mà còn độc đáo, đa dạng, nhìn đâu cũng thấy quyến rũ”, ông nói. Trước Đào Tiến Đạt nhiều nhiếp ảnh gia trong nước đã cố gắng giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua những “đứa con tinh thần” của mình. Nhiếp ảnh gia người Bình Định cũng mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để quảng bá đất nước Việt Nam hôm nay nói chung, quê hương Bình Định nói riêng. Ông tâm sự: “Có đi mới thấy thế giới rộng lớn vô cùng, không có điểm dừng cuối cùng, tôi học và học mãi. Nhờ tham gia các cuộc thi quốc tế, tôi tiếp cận trào lưu nhiếp ảnh đương đại, học hỏi các thủ pháp sáng tạo cùng phong cách nghệ thuật khác biệt của các nhiếp ảnh gia nước ngoài. Tôi dần trưởng thành và hằng tin bề dày lịch sử, bản sắc văn hoá, vẻ đẹp độc đáo của quê hương là nền tảng, bệ phóng cho nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển”. Đào Tiến Đạt nhắc lại đánh giá của ông Emeli Wanderscheid, Chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) tại buổi họp báo Đại hội FIAP lần thứ 30 năm 2010 tổ chức tại Hà Nội: Việt Nam là một trong những quốc gia có chất lượng ảnh đen trắng tốt nhất thế giới. Ông Emeli Wanderscheid cũng khuyên các nhiếp ảnh gia Việt nên giữ gìn bản sắc văn hoá và tinh thần nhân văn trong tác phẩm của mình.
Những lần ngồi ghế nóng
Khi ngồi ghế giám khảo Đào Tiến Đạt cũng muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đến nay ông được chọn làm giám khảo 208 cuộc thi ảnh, trong đó có 100 cuộc trong nước và 108 cuộc quốc tế tại 19 quốc gia. Ông tâm sự về áp lực ngồi ghế nóng: “Với tôi, chấm ảnh trong nước chịu rất nhiều áp lực còn chấm ảnh nước ngoài chỉ chịu áp lực với chính mình. Bởi khi dự thi anh em luôn hy vọng mình thắng giải nhưng số lượng giải thưởng lại có hạn nên giám khảo dễ bị “soi”. Tôi nhớ cố NSNA Nguyễn Đặng, Giải thưởng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM thường nói, chỉ có người đoạt giải nhất là không ý kiến, còn lại đa số không đồng tình với kết quả cuộc thi. Nhưng chấm ảnh nước ngoài, quyết định của Hội đồng Giám khảo là quyết định chung cuộc nên không ai có ý kiến gì. Có điều, nếu chấm không tốt thì lần sau ban tổ chức không chọn mình nữa”.
Chiều thu Tây Bắc số 2, Huy chương vàng ICPE 2024 - MalaysiaẢnh: Đào Tiến Đạt |
Bao nhiêu lần ngồi ghế giám khảo là bấy nhiêu kỉ niệm vui buồn. Đào Tiến Đạt kể: “Năm 2011, tôi được chọn tham gia hội đồng giám khảo Cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 6 tại Việt Nam, do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận ảnh dự thi, chấm ảnh qua công nghệ kỹ thuật số. Ban tổ chức nhận 10.612 ảnh của 1.602 tác giả đến từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số kỷ lục lúc bấy giờ. Ban tổ chức yêu cầu giám khảo chấm ảnh đúng tiến độ thời gian. Trong quá trình chấm, ban tổ chức chiếu công khai trên màn hình lớn điểm từng bức ảnh của 5 giám khảo để các tác giả dự thi xem trực tiếp tại hội trường nên áp lực rất lớn. Vì vậy, ban ngày chấm ảnh, tối về tôi thức đêm để nghiên cứu từng ảnh dự thi. Sau khi Ban tổ chức khai mạc triển lãm và trao giải thưởng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không có dư luận điều tiếng gì, tôi như trút được gánh nặng treo trên người. Còn lần chấm ảnh cuộc thi Salamis Photo Awards 2022, Cyprus, vòng xét giải thưởng chỉ tôi là nam, còn lại 2 giám khảo và Trưởng ban tổ chức là nữ. Tôi đề cử huy chương Vàng cho bức ảnh chụp các cổ động viên ngồi kín khán đài cổ vũ đội tuyển bóng đá, nổi bật trong đám đông là người đàn ông vẽ trên mặt, trên trán cờ Việt Nam đang phấn khích, cuồng nhiệt, miệng hô to, tay gõ vào chiếc đĩa lớn inox in dòng chữ màu đỏ “I love Sir Park Hang Seo Sea Game 31 Việt Nam & Thái Lan 1- 0 Việt Nam vô địch”. 2 nữ giám khảo và Trưởng ban tổ chức đồng tình ảnh đó đoạt huy chương Vàng. Họ cùng cười và nói: Việt Nam, Việt Nam, chúc mừng! Tôi cảm kích nói cảm ơn”. Đến đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh tiết lộ: “Tất cả các cuộc chấm ảnh nước ngoài mà tôi tham gia, ban tổ chức không cho biết tên ảnh và tác giả”.
Năm 2016, Đào Tiến Đạt còn được Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch chọn tham gia Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh. Đối với ông đây là một niềm vinh dự lớn lao.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh có sống được với nghề không? Phóng viên hỏi. Nhiếp ảnh gia sở hữu nhiều giải thưởng đáp: “Phàm làm việc gì chẳng tốn kém, nhất là đam mê “con Art” nhưng biết cân bằng cuộc sống thì cũng ổn”. Hiện tại Đào Tiến Đạt thỉnh thoảng vẫn gửi ảnh dự thi quốc tế để biết mình còn tồn tại. Nhưng ước mơ lớn nhất đời của ông vẫn còn ở phía trước: “Tôi muốn thực hiện dự án ảnh quê nhà Bình Định, nơi đã sinh và nuôi dưỡng tôi thành người”.