Tổ chức Động vật châu Á phản đối lễ hội chém lợn

Ông Nguyễn Tam Thanh.
Ông Nguyễn Tam Thanh.
TP - ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ phúc lợi động vật, tổ chức Động vật châu Á nhận định: Nếu duy trì lễ hội này, sẽ gây ra những tác động xấu đối với cộng đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ phúc lợi động vật, tổ chức Động vật châu Á cho hay, trước khi đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn, ông đã tìm hiểu thông tin về nguồn gốc lễ hội này và những thay đổi gắn với lễ hội theo thời gian. Đồng thời, tổ chức Động vật châu Á có nghiên cứu về những tác động tiêu cực của phần lễ này lên xã hội về nhiều mặt, đặc biệt là mối liên hệ giữa những hành vi tàn ác với động vật và tính bạo lực ở người và việc trơ lì cảm xúc ở những người chứng kiến, đặc biệt là trẻ em.

Ông Nguyễn Tam Thanh nhận định: Nếu duy trì lễ hội này, sẽ gây ra những tác động xấu đối với cộng đồng, bao gồm: Tác động xấu tới ngành du lịch và hình ảnh của Việt Nam. Gây tác động tiêu cực về tâm lý người xem - lối đối xử tàn ác đối với động vật cũng có hại cho cả xã hội. Nó làm lì cảm xúc của những người chứng kiến đặc biệt là đối với trẻ em cách thức đối xử dã man với động vật.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động ác với động vật cũng có xu hướng đối xử ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng. Không ai có thể giải thích được cho lễ hội bạo lực này - ngoại trừ lý do đưa ra là “truyền thống”. Tuy nhiên, đây không phải là lời biện hộ nhằm tiếp diễn lễ hội này.

Gây ra sự chịu đựng không cần thiết cho động vật - trái ngược với suy nghĩ của chúng ta, động vật cũng cảm nhận được sự đau đớn trước và trong khi diễn ra lễ hội. Việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng, động vật không đáng được tôn trọng.

Nhiều người dân làng Ném Thượng muốn duy trì nghi lễ chém lợn vì cho rằng, đó là nét văn hóa truyền thống của họ. Tổ chức Động vật châu Á đánh giá thế nào về điều này?

Văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian, những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới sẽ được duy trì và những cái không còn phù hợp, những hủ tục sẽ thay đổi được và loại bỏ. Ngoài ra, lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hóa của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau.

Hành động đâm trâu, chém lợn hay bất kỳ lễ hội nào có lối đối xử bạo lực đối với động vật có sự chứng kiến của nhiều người hoàn toàn trái với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người. Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy. Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam.

Lễ hội làng Ném Thượng bao gồm nhiều chương trình lễ hội khác nhau, trong đó có những hội thi văn hóa như hát quan họ, thi cờ người, cờ tướng, thi nấu cơm chạy… là những nét đẹp nên được giữ gìn. Tổ chức Động vật châu Á chỉ đề nghị không tổ chức phần lễ chém lợn, bởi nhận thấy những tác động tiêu cực của nó đối với vấn đề phúc lợi động vật cũng như các tác động tiêu cực đối với toàn xã hội.

Ở  Việt Nam hiện nay còn những nghi lễ mà trong đó con vật bị đâm chém như lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, chọi trâu ở Đồ Sơn. Tổ chức Động vật châu Á gặp những khó khăn gì khi muốn bảo vệ những loài vật bị đày đọa trong một số lễ hội truyền thống ở Việt Nam?

Tổ chức Động vật châu Á phản đối tất cả những lễ hội bạo lực sử dụng động vật và sẽ tiếp tục kêu gọi để chấm dứt hoặc thay đổi những lễ hội này. Khó khăn mà chúng tôi thường gặp đó là “văn hóa” và “truyền thống” thường được sử dụng để biện hộ cho những lối đối xử ác với động vật, hay sử dụng động vật như những công cụ nhằm mua vui cho con người. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam nên có luật nhằm đảm bảo vấn đề phúc lợi động vật.

Cảm ơn ông.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG