Mong đừng bảo thủ về hành vi chém lợn

Lễ hội thôn Ném Thượng đang trở nên nổi tiếng và gây tranh cãi. Ảnh: Lê Bích.
Lễ hội thôn Ném Thượng đang trở nên nổi tiếng và gây tranh cãi. Ảnh: Lê Bích.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 9/2, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) nói: Mong các nhà nghiên cứu đừng bảo thủ về hành vi chém lợn trong lễ hội tại thôn Ném Thượng.

Thưa ông, ông đã dự lễ hội Ném Thượng (xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) chưa?

Tôi mới xem qua báo chí chứ chưa trực tiếp tham gia. Nếu có biết cũng không tham gia những lễ hội như thế, vì đối với tôi, đấy không phải là phong tục đẹp mà mang tính hủ tục nặng nề và hơi tàn bạo.

Nếu hiểu văn hóa là những gì tốt đẹp thì riêng cái này chưa phải tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi thấy nếu làng muốn giữ lại truyền thống thì hãy tổ chức như nghi lễ riêng, hạn chế tối đa người xem.

Quan điểm và ứng xử của Bộ VH-TT&DL về tập tục chém lợn?

Bộ không ủng hộ, khuyến khích, nhất là không tuyên truyền quảng bá các lễ hội mang tính sát sinh như thế. Bởi tập tục này chẳng khiến con người ta sống tốt đẹp hơn.

Dù là nét truyền thống cũng cần cân nhắc, bởi khi phong tục đã thành hủ tục không phù hợp xã hội văn minh, nên bỏ. Hai năm nay, dân Ném Thượng lui về sân sau để thực hiện nghi lễ chứng tỏ đã có sự tiếp thu ý kiến của cộng đồng.

Sắp tới, Bộ có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 41 ra ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý và tổ chức xã hội. Trong đó yêu cầu tổ chức lễ hội phù hợp thuần phong mỹ tục. Cái gì đẹp nên giữ. Phản cảm thì hạn chế, loại bỏ dần. Không nên cố chấp bảo thủ, nhắc mãi về bản sắc.

Cũng xin nhắc luôn. Nói đây là tập tục truyền thống (bắt nguồn từ thời nhà Lý) thì vẫn còn lắm tranh cãi. Người thì bảo tục này để tưởng nhớ vị tướng Đoàn Thượng, người lại nói là một ông Lý Công nào đó. Thậm chí có người còn bảo ông này là tướng cướp. Nói chung không vững từ gốc.

Mong đừng bảo thủ về hành vi chém lợn ảnh 1

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ông nghĩ gì về ý kiến của các nhà nghiên cứu như “Cấm lễ chém lợn là cái lý của người đứng ngoài” hay “Nếu cấm thì phải cấm cả đâm trâu”?

Nói như ý đầu là bảo thủ. Đừng nghĩ trong cuộc sẽ hiểu hơn người ngoài cuộc và không cần lắng nghe người khác. Việc hiến tế, hiến sinh động vật là việc dân ta xưa nay vẫn làm. Có điều phải làm thế nào cho văn minh, ứng xử cho chuẩn mực.

Đừng nói bản sắc văn hóa của tôi là vậy, không thèm nghe ai góp ý. Nếu thế thì cứ sống ở ốc đảo, đừng hội nhập nữa. Thỏa mãn tự do cá nhân của anh không có nghĩa là làm ảnh hưởng tự do của người khác. Ngay như hương ước làng xã là quy chuẩn cũng không phải cả làng đều thống nhất mà chỉ đa số. Hoặc như luật pháp trong quá trình áp dụng cũng phải thay đổi tùy theo thực tế, huống chi là một phong tục tập quán mà không phải ai cũng ủng hộ.

Về chuyện đâm trâu, đúng ra là tục “ăn trâu” ở Tây Nguyên, Bộ cũng chủ trương vận động tuyên truyền, tránh quảng bá. 

Trên thế giới đang có trào lưu phản đối chuyện đấu bò, ở Việt Nam nhiều người lại ủng hộ giữ “chém lợn”. Đây có phải khác biệt văn hóa?

Chuyện đấu bò, ở Tây Ban Nha đã có đề nghị chấm dứt, vì người ta nghĩ đó là hành vi tàn bạo. Ngay ở châu Âu, có người phản đối cũng có người ủng hộ. Do đó, đây không phải khác biệt văn hóa Đông Tây mà là khác biệt văn hóa giữa mọi người với nhau.

Tôi đọc báo thấy nhiều người tự nhận dân Ném Thượng cũng đề nghị chấm dứt chém lợn. Bên cạnh đó, nhiều người Ném Thượng ủng hộ giữ truyền thống. Nhận thức, tính cách từng người rất khác nhau. Tìm một tiếng nói cộng đồng, đồng lòng rất khó. Cần quá trình nhận thức mang tính giáo dục để đi tới thống nhất.

Liệu tới đây cơ quan quản lý văn hóa có tiến hành rà soát các lễ hội để tìm ra các hủ tục, đồng thời vận động người dân lược bỏ tập tục lạc hậu, tránh chuyện phải chờ người ngoài lên tiếng mới vào cuộc?

Không hề có chuyện Bộ VH-TT&DL bị động, vì trước khi các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng thì Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã trả lời chất vấn của Chính phủ (năm 2012) khẳng định không ủng hộ những lễ hội kiểu chém lợn.

Hiện nay, Bộ đã được giao đề án quy hoạch lễ hội. Các vấn đề như thế này cũng được bàn kỹ, trình Chính phủ đảm bảo giữ thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa đồng thời phải phù hợp xu hướng hội nhập thế giới.

Cảm ơn ông.

 

Về nhận định “cấm tục chém lợn là áp đặt văn hóa, dân có thể kiện vì họ không làm điều gì vi phạm pháp luật”, ông Tân khẳng định: “Trước nay, quan điểm của Bộ và của riêng tôi là không khuyến  khích. Bộ không có quyền cấm, cái chính nếu có đủ cơ sở thì nên chấm dứt bởi nó không phải nét đẹp truyền thống Việt Nam”. 

 Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG