Tính toán của Trung-Nga trong cuộc tập trận hải quân quy mô lớn

Tính toán của Trung-Nga trong cuộc tập trận hải quân quy mô lớn
TPO - Cuộc tập trận "Phối hợp trên biển - 2017" giữa Trung Quốc và Nga diễn ra trong bối cảnh tình hình Đông Bắc Á diễn biến căng thẳng liên quan tới một loạt các động thái của các nước trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Quy mô cuộc tập trận "Phối hợp trên biển - 2017"

Ngày 18/9, một đội tàu chiến của lực lượng Hải quân Trung Quốc đã đến vùng biển ở Vladivostok thuộc Nga để tham gia vào giai đoạn 2 của cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung Quốc mang tên "Phối hợp trên biển - 2017". 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của cuộc tập trận "Phối hợp trên biển - 2017" diễn ra từ ngày 18-26/9 tại căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương.

Các nội dung diễn tập ven biển của giai đoạn này sẽ được tiến hành từ ngày 18-21/9 tại thao trường Gornostay ở Vladivostok với sự tham gia của lính thủy đánh bộ Nga và Trung Quốc.

Phần thao diễn trên biển sẽ diễn ra từ ngày 22-26/9 tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, và tại biển Okhotsk.

Theo người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Nga Vladimir Matveev, lực lượng hải quân Nga tham gia diễn tập gồm có: tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs, tàu hộ vệ Sovershenny, tàu cứu hộ Igor Belousov, tàu cứu hộ ngầm, tàu chở trực thăng và lực lượng thủy quân lục chiến.

Ngoài ra, Nga còn điều động các lực lượng làm công tác bảo đảm tham gia cuộc diễn tập như tàu chống ngầm cỡ nhỏ, tàu mang tên lửa, tàu ngầm thông thường, máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (Fixed-wing plane), tàu kéo.

Theo các quan chức hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập gồm có: tàu khu trục mang tên lửa Thạch Gia Trang, tàu hộ vệ mang tên lửa Đại Khánh, tàu tiếp tế tổng hợp Đông Bình Hồ, tàu cứu hộ ngầm Trường Đảo, tàu trở trực thăng và lực lượng thủy quân lục chiến.

Trước đó, vào tháng 7, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung Quốc đã tổ chức giai đoạn 1 cuộc diễn tập "Phối hợp trên biển - 2017" tại vùng biển Baltic. Tham gia tập trận giai đoạn này, phía Trung Quốc có tàu khu trục Hợp Phì, khinh hạm Vận Thành, tàu tiếp tế Lạc Mã Hồ và phía Nga có các tàu hộ tống Dự án 20380 thế hệ mới của Nga, gồm Steregushchy và Boiky, cùng một tàu cứu hộ, các trực thăng đa năng Ka-27, máy bay ném bom chiến thuật Su-24 và máy bay vận tải quân sự An-26. 

Tính toán của Trung-Nga

Mặc dù phía Trung Quốc và Nga đều cho rằng, diễn tập "Phối hợp trên biển - 2017" là hoạt động thường niên của hải quân 2 nước, nhằm củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga, sâu sắc hợp tác thực chất hải quân 2 nước, tăng cường năng lực ứng phó với các mối đe dọa về an inh trên biển.

Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự cho rằng, cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á tiếp tục căng thẳng liên quan tới một loạt các hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các hoạt động quân sự của liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn. Do đó cuộc tập trận "Phối hợp trên biển - 2017" Trung-Nga là nhằm vào liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn.

Đặc biệt, nội dung diễn tập diễn có một phần diễn ra trên vùng biển Nhật Bản, là nơi mà Triều Tiên đã từng nhiều lần bắn thử tên lửa còn là nhằm chuẩn bị các tình huống xấu nhất để Trung-Nga đối phó với một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Ngoài ra, cuộc diễn tập đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 86 năm "sự kiện 18/9" là động thái để Trung Quốc khơi dậy tinh thần dân tộc, thể hiện sức mạnh trước hải quân Nhật Bản, qua đó cảnh báo Nhật Bản "chớ lặp lại sai lầm" trong quá khứ.

Đêm ngày 18/9/1931, một tốp quân Quan Đông Nhật Bản đóng ở phía Đông Bắc Trung Quốc đã cho thuốc nổ phá hủy tuyến đường sắt Nam Mãn thuộc khu vực gần làng Liễu Điều Hồ, ngoại ô phía bắc tỉnh Thẩm Dương.

Sau khi đổ lỗi cho quân đội Trung Quốc thực hiện hành vi này, quân Nhật đã pháo kích vào đại bản doanh phía bắc Thẩm Dương, vì vậy mới có tên gọi là "sự kiện 18/9". Đến ngày thứ hai sau sự kiện, quân Nhật đã chiếm Thẩm Dương, và chưa đầy nửa năm đã chiếm toàn bộ 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. 

MỚI - NÓNG