Tổng cục Thống kê vừa báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023, Đây là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).
Năm 2023, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế - xã hội không biến động nhiều so với năm 2022. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Đông Nam Bộ, tiếp theo lần lượt là Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ số SCOLI chỉ ra Hà Nội tiếp tục giữ vị trí đầu tiên về mức giá đắt đỏ với mức thang 100%. TPHCM đứng thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 98,44%; một số nhóm hàng của TPHCM có mức giá bình quân thấp hơn là may mặc, mũ nón và giày dép; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình.
Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước. |
Quảng Ninh ở vị trí tiếp theo với chỉ số SCOLI bằng 97,94%. Quảng Ninh có mức giá đắt đỏ thứ ba cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 96,07%. Đây là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế.
Vị trí thứ 5 thuộc về Bình Dương. Tỉnh này đã tập trung khai thác được lợi thế về vị trí địa lý, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với công tác an sinh và phúc lợi xã hội trên cơ sở đầu tư có trọng điểm.
Cùng với mức sống đắt đỏ, dù kinh tế khó khăn, nhưng thống kê năm 2023 từ iPos.vn cho thấy, người Việt ngày càng "chăm" đi cà phê, ăn hàng. Cứ 10 người lại có 3 người đi cà phê 1-2 lần/tuần, một nửa sẵn sàng chi cho 1 cốc Highlands Coffee, Phúc Long... (59,5% đáp viên được hỏi, sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho 1 lần "đi cà phê" gặp gỡ). Mức chi tiêu phổ biến nhất vẫn là 41.000 - 70.000 đồng.
Thu nhập bình quân tăng hơn nửa triệu đồng
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm nay là 7,6 triệu đồng, tăng 301.000 đồng so với quý IV/2023 và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm quý I/2023.
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý I tại ba khu vực kinh tế đều tăng; trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất 8,7%, đạt 9 triệu đồng.
Một số ngành cũng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản, thu nhập bình quân 12,1 triệu đồng/tháng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7%, tương ứng tăng 606 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.