Tình nguyện xây 48 ngôi trường khắp VN

Tình nguyện xây 48 ngôi trường khắp VN
TP - Gần 20 năm qua, ba con người ấy đã không nhận một đồng lương khi đi khắp các vùng đất nghèo khó của Việt Nam để thực hiện việc xây dựng 48 ngôi trường khang trang cho các em nhỏ.

> Trường học chật chội, đất công bỏ hoang
> Xây trường học quốc tế có bể bơi tại Splendora

Thay đài tưởng niệm bằng trường học

Tôi đến khu chung cư Vườn đào trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) tìm gặp chị Viên Phương Lan, thành viên chủ chốt của nhóm tình nguyện viên xây trường cho trẻ em Việt Nam. Trước khi gặp chủ nhân, tôi thấy trên cửa nhà chị có dòng chữ Vietnam Children’s Fund (Quỹ Trẻ em Việt Nam) và biểu trưng của tổ chức này.

Được biết, Quỹ Trẻ em Việt Nam (VCF, trụ sở tại Mỹ) được thành lập để quyên góp tiền giúp đỡ cho các trẻ em tại Việt Nam. Đến khi gặp chị Lan, tôi biết thêm chị đã dành một phần căn chung cư nhà mình để dùng làm văn phòng làm việc của VCF tại Việt Nam.

“Đây là một quỹ từ thiện, nên chúng tôi cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí để tập trung vào mục đích từ thiện. Hơn nữa nhóm chúng tôi chỉ có ba người, lại không phải lúc nào cũng có mặt cả tại đây”- chị Lan cho biết.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số cựu chiến binh Mỹ bị ám ảnh bởi cuộc chiến ở Việt Nam đã quyên tiền với dự định xây dựng một đài tưởng niệm những chiến sĩ đã tử trận trong cuộc chiến tranh tại đây.

Tuy nhiên khi trở lại Việt Nam, họ thấy không cần xây đài tưởng niệm nữa mà nên xây một trường học cho các em nhỏ sẽ thiết thực hơn. Quỹ VCF qua đó được thành lập để dùng số tiền quyên góp trên tiến hành xây dựng một trường tiểu học tại Quảng Trị vào năm 1993.

Sự việc tưởng chừng chỉ dừng ở đó, không ngờ về sau VCF lại được nhiều người hưởng ứng, họ liên tiếp gửi tiền đề nghị tiếp tục xây trường tại Việt Nam.

Dĩ nhiên VCF rất vui về sự hưởng ứng này, tuy cũng có đôi chút băn khoăn do VCF thiếu người quản lý có chuyên môn. Sau khi tìm kiếm VCF đã gặp Sam Russell, một kỹ sư xây dựng mang hai dòng máu Pháp-Mỹ (bố người Pháp, mẹ người Mỹ, hiện định cư tại Pháp) khi anh cùng vợ đến Việt Nam.

Anh Sam Russell, chị Xuân Thoa tham gia xây trường tại Nam Định
Anh Sam Russell, chị Xuân Thoa tham gia xây trường tại Nam Định.

Vợ Sam Russell là một giáo viên tiểu học, thời gian này sang làm việc tại Trường Quốc tế ở Việt Nam. Khi đó Sam sang Việt Nam sống cùng vợ. Vốn yêu trẻ em, trong khi vợ cũng là giáo viên tiểu học nên Sam đã đồng ý tham gia tình nguyện việc xây trường và trở thành giám đốc VCF tại Việt Nam.

Tuy nhiên khi bắt tay vào xây dựng ngôi trường thứ hai vào năm 1994, Sam thấy bản thân không thể một mình làm công việc này. Tiếng Việt của anh hạn chế, trong khi việc xây dựng trường chủ yếu cần giao dịch với người Việt Nam.

Biết chị Viên Phương Lan, một người từng tốt nghiệp hai trường Đại học Kiến trúc và Ngoại ngữ, Sam đề nghị chị cùng hợp tác với mình. “Lúc đó tôi đang rất bận vì có công ty riêng. Nhưng rồi lại nghĩ, người nước ngoài còn giúp ta xây dựng trường được, tại sao mình lại không thể nên đã nhận lời” - chị Lan cho biết.

Rồi chị thêm: Sau một thời gian hợp tác cùng anh Sam, chúng tôi mời thêm chị Nguyễn Thị Xuân Thoa, kỹ sư xây dựng chuyên ngành kết cấu thép (công tác tại Bộ Xây dựng) cùng tham gia. Vậy là các thành viên tình nguyện của VCF tại Việt Nam đã hình thành được thế chân vạc, có thể bổ trợ cho nhau trong việc xây dựng công trình.

Đến những vùng đất khó khăn

Trò chuyện với tôi, chị Lan bật máy tính để giới thiệu một số hình ảnh những ngôi trường cũ mà các em nhỏ từng phải học. Đó là những ngôi trường mái tranh vách đất, mùa đông rét thấu xương, mùa hè nắng hấp xuống đầu các học trò.

“Hồi đi sơ tán cách đây trên 40 năm, tôi đã từng học trong những ngôi trường như thế này. Vậy mà đến nay, vẫn có những trẻ em phải học trong những ngôi trường như vậy nên rất thương. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải làm việc - chị Lan nói - Khi tiến hành xây trường tại đâu, chúng tôi đều làm việc với các cơ quan có trách nhiệm của địa phương.

Sau khi xác định địa điểm xây dựng trường và hoàn tất các thủ tục, tỉnh sẽ chọn nhà thầu tại địa phương để làm. Phần lớn nhà thầu được chọn đều xác định công trình này mang lại lợi ích cho địa phương nên tiến hành làm rất cẩn thận, nhiệt tình.

Các trường được xây hầu hết là tiểu học (có vài trường phổ thông cơ sở) được xây kiến cố, cao hai tầng với 8 phòng học và hai phòng phụ trợ.

Do các trường đều được xây dựng tại những vùng đất khó khăn ở các tỉnh, nên việc thi công lẫn kiểm tra công trình rất vất vả. Trung bình xây dựng một ngôi trường phải mất từ 5 đến 6 tháng nếu điều kiện khí hậu và những vấn đề liên quan đều thuận lợi.

Nhưng có những nơi phải mất cả năm mới hoàn thành như xây trường ở Mũi Cà Mau. Vật liệu xây dựng muốn chuyển đến đó phải dùng ghe, thuyền nên mất rất nhiều thời gian và khó khăn.

Đất tại Mũi Cà Mau lại rất dễ bị sạt lở khiến việc gia công móng cũng rất khó khăn nên phải chọn phương án xây 2 khu nhà một tầng, thay vì ngôi trường 2 tầng như thiết kế chuẩn. Khi được hỏi: “Xây dựng một trường, trung bình các chị phải đi lại bao nhiêu lần để kiểm tra?”- chị Lan trả lời: “Khoảng 5 lần.

Nhưng vì đều rất bận nên mỗi lần đến điểm trường làm việc chúng tôi đều rất khẩn trương, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công việc”. Chị phác thảo một vài điểm đến của các thành viên tình nguyện: “Xây trường tại Quảng Nam, sau khi đến sân bay Đà Nẵng chúng tôi phải đi quãng đường hơn 40km đầy ổ trâu mới đến bến đò, sau đó ngược sông đi khoảng 2 tiếng rưỡi rồi leo ngược đồi mới tới được điểm xây trường.

Tại Bạc Liêu, đến chỗ nước cạn chúng tôi phải xuống đi bộ vài cây số mới trở lại thuyền, sau đó phải leo tiếp cầu khỉ mới đến được điểm trường. Tới An Giang vào mùa nước nổi, chúng tôi buộc phải thuê phà tư nhân không đảm bảo an toàn để đi, chỉ sợ lộn nhào xuống nước”.

Mong muốn tiếp tục tham gia tình nguyện

Học sinh trong trường cũ tại Gia Lai
Học sinh trong trường cũ tại Gia Lai.
 

Khi đến gặp chị Lan, tiếc rằng anh Sam đã về nước từ mấy tháng trước. “Tuy anh không có mặt tại đây, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Khoảng cuối tháng 3 này anh sẽ trở lại Việt Nam để khánh thành ngôi trường thứ 48 tại Buôn Đôn, Đăk Lăk”- chị Lan cho biết.

Qua câu chuyện, được biết các thành viên tình nguyện chẳng những không nhận một đồng lương, mà họ rất có ý thức trong việc tiết kiệm chi phí cho Quỹ. Mỗi khi rỗi việc tại Việt Nam, Sam Russell đều về nước để làm việc khác, cũng là để Quỹ không phải chi phí các khoản sinh hoạt dù là tối thiểu cho anh.

Để tham gia tình nguyện, bộ ba Sam-Lan-Thoa đã phải khắc phục không ít khó khăn. Đối với Sam, khi vợ anh chuyển sang nước khác để giảng dạy, anh luôn phải sống xa gia đình.

Cũng cần kể thêm, trong năm 1995 và 1996, vợ chồng anh đã nhận hai trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Thái Bình làm con nuôi, nên việc Sam một mình ở Việt Nam làm tình nguyện cũng khiến các thành viên của gia đình này ít nhiều gặp khó khăn.

Đối với chị Lan, vừa quản lý công ty, chăm sóc gia đình lẫn tham gia tình nguyện là điều không dễ dàng. Còn chị Thoa, dù sức khỏe kém nhưng chị vẫn gắng đến những vùng đất gian khó tham gia xây trường.

Năm 2013 đánh dấu 20 năm hoạt động của VCF tại Việt Nam, với việc xây dựng được 48 trường học tại hơn 40 tỉnh thành, trong đó có những đóng góp đáng kể của bộ ba tình nguyện Sam-Lan-Thoa.

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có những nhà hảo tâm tiếp tục tài trợ để có những ngôi trường mới được mọc lên. Khi đó, chúng tôi lại tiếp tục lên đường để tham gia tình nguyện”- chị Lan bày tỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG