Mỹ đang tiến hành điều tra các sai sót mà lực lượng tình báo của nước này có thể đã mắc phải sau sự việc Nga can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Syria bằng những cuộc oanh kích. Washington lo ngại các cơ quan tình báo đã quá chậm chân nên không nắm bắt được quy mô cũng như tính toán của Nga trong các chiến dịch quân sự mạnh mẽ tại Syria, Reuters dẫn lời nguồn tin quốc hội và các quan chức Mỹ cho biết.
Một tuần sau cuộc không kích đầu tiên của Nga ở Syria, các ủy ban tình báo thuộc lưỡng viện Mỹ đang muốn thẩm tra mức độ nghiêm trọng của nhưng dấu hiệu cảnh báo mà cộng đồng tình báo nước này đã xem nhẹ hoặc đánh giá sai.
Tàu chiến Nga bắn tên lửa hành trình vào Syria từ biển Caspian. Ảnh: AP.
Phát hiện về những điểm mù quan trọng sẽ đánh dấu thất bại mới nhất trong một chuỗi các bước lùi của tình báo Mỹ vài năm gần đây, bao gồm việc Nga sáp nhập vùng Crimea hồi năm ngoái và sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc trong hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Theo một số quan chức Mỹ, dù các cơ quan tình báo đã tìm cách đẩy mạnh công tác thu thập thông tin về Nga kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, họ vẫn chật vật với nguồn lực thiếu hụt vì phải tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và khu vực Afghanistan - Pakistan.
Song, một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên nhất quyết cho rằng "không có bất ngờ nào" và các nhà hoạch định chính sách khá "yên tâm" với thông tin tình báo mà họ nhận được trong quá trình dẫn tới chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Syria. Các cơ quan tình báo đã giám sát chặt chẽ quá trình tăng cường phương tiện quân sự và quân nhân của Nga ở Syria trong vài tuần gần đây. Nhà Trắng cũng chỉ trích và yêu cầu Điện Kremlin giải thích về động thái này.
Tuy nhiên, các cơ quan tình báo cũng như chính quyền Mỹ hầu như đều bất ngờ bởi tốc độ và cường độ của các cuộc không kích mà Nga triển khai ở Syria. "Họ thấy có một số điều đang xảy ra nhưng không đánh giá đúng về quy mô", một nguồn tin am hiểu vấn đề nói.
Nước đi bất ngờ của Nga trong việc thúc đẩy nhanh sự can dự quân sự vào cuộc khủng hoảng Syria khiến chiến lược Trung Đông của ông Obama bị ngờ vực, đồng thời làm lộ rõ sự xói mòn ảnh hưởng của Mỹ tại đây. Việc thiếu thông tin và phân tích đáng tin cậy có thể gây khó khăn cho Tổng thống Mỹ trong nỗ lực vạch ra những đối sách mới về vấn đề Syria nhằm giành lại thế chủ động trên bàn cờ khu vực.
Binh sĩ kiểm tra các tên lửa gắn vào chiến đấu cơ của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria. Ảnh: AP.
Không bắt kịp diễn biến thực tế
Ông Obama, vốn không muốn Mỹ lún sâu thêm vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông, không có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy muốn đối đầu trực tiếp với Nga trước chiến dịch quân sự Moscow tiến hành ở Syria.
Dân quân và binh sĩ chính phủ Syria với sự yểm trợ của các chiến đấu cơ Nga đã mạnh bạo đến mức tổ chức một cuộc tấn công phối hợp lớn đầu tiên nhằm vào các nhóm phiến quân hôm 7/10. Các tàu chiến của nước này từ biển Caspian cũng bắn yểm hộ một loạt tên lửa nhắm mục tiêu vào các tổ chức cực đoan ở Syria.
Hoạt động quân sự của Nga giờ đây bao gồm cả sự hiện diện của hải quân, tên lửa tầm xa và một tiểu đoàn bộ binh với sự hỗ trợ của các xe tăng tân tiến nhất của Moscow, đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho biết.
Theo các quan chức Mỹ, chính quyền nước này tin rằng nay họ đã hiểu rõ hơn, ít nhất là về động cơ chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù vậy, Washington vẫn không biết chính xác liệu ông Putin sẽ sẵn sàng đi xa đến đâu trong việc triển khai các phương tiện quân sự tối tân.
Sự thiếu rõ ràng này một phần là do khả năng hạn chế của các cơ quan tình báo Mỹ trong việc nhận biết những gì Putin và nhóm cố vấn thân cận của ông đang suy nghĩ và lên kế hoạch.
Các trợ lý của Tổng thống Obama cho hay trong cuộc gặp đầy căng thẳng với Tổng thống Putin tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, ông Obama không được thông báo trước về bất cứ kế hoạch tấn công nào của Nga. Các cuộc không kích bắt đầu hai ngày sau đó. Phương Tây cáo buộc mục tiêu mà Nga nhắm tới là các tay súng nổi dậy ôn hòa chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng Moscow khẳng định chỉ tấn công các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo (IS)
"Họ không ngờ ông Putin lại đẩy mọi chuyện đi nhanh như vậy. Ông ấy thích yếu tố bất ngờ", Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Moscow, nói.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã thực sự theo sát và báo cáo cho các nhà hoạch định chính sách về những động thái mở rộng cơ sở hạ tầng của Nga tại căn cứ không quân quan trọng ở Latakia, Syria, cũng như động thái triển khai các phương tiện vũ khí hạng nặng đến Syria.
"Chúng tôi không đọc suy nghĩ của người khác tốt", một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ thừa nhận. "Chúng tôi không biết khi nào Nga sẽ xuất kích chuyến oanh tạc đầu tiên nhưng phân tích của chúng tôi về các khả năng cho thấy họ ở đó là có mục đích".
Nhưng nhiều quan chức khác lại nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã không theo kịp diễn biến thực tế trong việc đánh giá người Nga sẽ đi xa đến mức nào và họ sẽ phát động chiến dịch quân sự nhanh đến mức nào tại Syria.
Thực tế, đến khi Nhà Trắng tổ chức họp báo sau khi Nga tiến hành vụ không kích đầu tiên ở Syria, Josh Earnest, thư ký báo chí Tổng thống Obama vẫn từ chối đưa ra kết luận chắc chắn về chiến lược của Nga.
Bối rối
Một nguồn tin cho biết, các chuyên gia Mỹ ban đầu nghĩ rằng Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria có lẽ là để phục vụ một chiến dịch quân sự chớp nhoáng hoặc một màn trình diễn sức mạnh nhất thời chứ không phải nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên diện rộng và lâu dài.
Một quan chức khác thêm rằng sau khi tiến hành thẩm tra ban đầu, các nhà điều tra giám sát quốc hội tin rằng "thông tin về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự không được truyền đủ nhanh qua các kênh liên lạc" đến các nhà hoạch định chính sách.
Nguồn tin khác lại nói những lời cảnh báo mạnh mẽ về các chiến dịch quân sự sắp diễn ra của Nga được đưa ra "chậm tới một tuần".
Nhà chức trách cho hay trong quá trình đánh giá phương pháp xử lý thông tin của cơ quan tình báo Mỹ, các ủy ban tình báo quốc hội sẽ kiểm tra những báo cáo mà các cơ quan tình báo đã cung cấp, đồng thời chất vấn những nhân viên tình báo liên quan. Hiện tại, chưa có cuộc điều trần công khai nào được lên kế hoạch.
Dù quan chức cấp cao chính quyền Mỹ phủ nhận thông tin nói rằng cộng đồng tình báo ít tập trung đến Syria, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst vẫn cho rằng không có đủ nguồn lực tình báo dành cho việc phân tích các chính sách của ông Putin.
Nhưng theo cựu đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul, chính quyền Tổng thống Obama đã nắm giữ phần lớn thông tin tình hình khi ông Putin chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự ở Syria. Việc thẩm định thông tin tình báo chính xác hơn và nhanh hơn cũng không thể khiến cục diện thay đổi.
"Khác biệt nào sẽ được tạo ra nếu chúng ta biết trước 48 tiếng đồng hồ về thời điểm Nga không kích Syria? Vẫn sẽ không có bất kỳ sự lựa chọn nào tốt hơn", ông McFaul quả quyết.