Nhiều ý kiến cho rằng sẽ không có một nền giao thông an toàn, thông thoáng nếu cán bộ thực thi công vụ thiếu trách nhiệm.
Tiến sỹ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: Muốn xây dựng văn hoá giao thông, trước hết phải xây dựng chính trong bộ máy thực thi công vụ; trách nhiệm nâng cao văn hoá giao thông trước hết thuộc các cơ quan Nhà nước, sau đó mới đến người tham gia giao thông.
“Quy hoạch thành phố đã chỉ rõ nơi nào phát triển chung cư, diện tích, chiều cao chung cư ra sao. Nhưng thỉnh thoảng lại thấy mọc lên chung cư. Có khu chung cư lớn như một đô thị nhỏ được phê duyệt xây dựng trong thành phố nên mới gây ra tắc đường” – ông Sơn nêu.
Tiến sỹ, kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn tiếc nuối khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tốn hàng nghìn tỷ đồng để mở tuyến đường mới nhưng lại bỏ lỡ cơ hội chỉnh trang đô thị, tăng an toàn, thông thoáng giao thông và thu về nhiều hơn số tiền bỏ ra. Giải pháp mà TS Sơn đưa ra (và cũng được nhiều chuyên gia nói đến lâu nay) gồm: Khi làm đường đô thị, cần giải phóng thêm diện tích hai bên, quy hoạch thành các khu đất lớn, bán đấu giá để làm các toà nhà lớn, quy củ.
Cũng về văn hoá, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, TS Lê Hồng Sơn và nhiều đại biểu khác như ông Nguyễn Mạnh Thắng, phụ trách diễn đàn Oto Fun thẳng thắn phản ánh tình trạng đưa/nhận hối lộ cho CSGT.
Ông Sơn đề nghị: “Với các lỗi nhỏ như xe máy quên bật xi nhan khi sang đường, CSGT hãy dừng xe và nhắc nhở. Lần sau, chắc chắn người được nhắc sẽ không vi phạm nữa. Như vậy sẽ hiệu quả hơn việc chăm chăm xử phạt”.
Sau những phát ngôn ngày, Ban tổ chức mời đại diện Cục CSGT phát biểu. Tuy nhiên, hai đại diện của Cục có mặt cho biết không đủ thẩm quyền phát ngôn; cũng không nhận được chỉ thị có mặt để phát ngôn hay trình bày tham luận.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền phong, đại diện Ban tổ chức cho hay đã gửi giấy mời, đề nghị Cục CSGT viết tham luận, phát biểu tại hội thảo trước nhiều tháng.