Từ đó việc truy tìm nền hải sử đất nước hình chữ S không là chuyện khó. Nhất là trong thời gian gần đây, khi vùng biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang đặt thành vấn đề mang tính khu vực về chủ quyền.
Nhìn xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Đại Việt chỉ giỏi về phần đất liền, mà không chú ý đến biển, nếu không muốn nói là rất kém. Lịch sử “mở cõi” cũng là quá trình mở mang về phương Nam, chứ người Việt chưa bao giờ thử làm cuộc viễn dương đi xa khỏi phạm vi “lộng” và “khơi”. Mà lộng và khơi đó, theo nhà nghiên cứu Từ Chi, “lộng” chỉ độ đâu 3 cây số cách bờ, còn “khơi” cùng lắm là 7 cây số. Nghĩa là đầy hạn chế.
“Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác Pháp nằm kế cận eo biển Malacca!” (Vĩnh Sính, 2003).
Trung Quốc đã thế, người Việt trước đó cứ nghĩ học Trung Quốc là đủ, chứ chưa chịu nhìn xa hơn, đi xa hơn, để học các nền văn minh khác. Mãi đến thế kỷ XIX, ta mới bắt đầu rục rịch “sang Tây dương”. Sang Tây dương, ta mới vỡ lẽ:
Tân Gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la...
(Cao Bá Quát)
Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ.
Champa ngược lại. Người Chăm viễn dương từ rất sớm. Viễn dương đầy chủ động.
Sớm và xa nhất là Ấn Độ. Sử gia người Pháp G.Maspéro ghi nhận rằng, ngay từ thế kỷ thứ V, vị vua đầu tiên của Đông Nam Á là người Chăm Gangaraja đã làm cuộc vượt đại dương đến tận bờ sông Hằng. Thế kỷ thứ VII, người Champa cũng đã nhiều lần qua tận Nhật Bản giao lưu. Hiện nay vở kịch vương triều Lâm Ấp là “Long vương vũ” vẫn còn được lưu giữ ở đất nước Mặt trời mọc, là vậy. Sau đó, thế kỷ thứ X, bộ phận lớn người Chăm thiên di qua Đảo Hải Nam - Trung Quốc sinh sống. Hiện tại bộ phận tộc người này vẫn còn nhớ nguồn gốc của họ.
Sau khi tiếp nhận văn minh Ấn Độ để dựng nền kiến trúc và điêu khắc đậm dấu ấn Ấn Độ thời kì đầu, người Chăm còn tìm qua các nước lân cận: Thái Lan, Chân Lạp, Java, Malaysia để tiếp nhận và sáng tạo ra nhiều phong cách nghệ thuật kiến trúc mang sắc thái khu vực.
Tất cả cuộc thiên di ấy đều bằng tàu. Người Chăm đi và học.
Do đó không lạ, khi suốt 17 thế kỷ tồn tại, người Chăm đã làm chủ biển Đông, vùng biển mà người Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI gọi là biển Champa (Sea of Champa), sau đó người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, để sau rốt ta gọi thành biển Đông.
Sự khác biệt “đất liền”/“biển” giữa Việt và Chăm - khác biệt để bổ khuyết cho nhau còn thể hiện ngay trong khẩu ngữ dân gian. Như lối kêu cứu chẳng hạn, người Kinh kêu “trời đất ơi”, còn Chăm là “trời biển ơi” (lingik tathik lơy).
Do đó, nói như Phạm Huy Thông: “Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết” (1988).
Đặc biệt trong lịch sử Champa, thương cảng Cù lao Chàm có vai trò cực kì quan trọng trong việc giao thương đường biển của cả Đông Nam Á.
“Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu - Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng - Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá... trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012).
Bao nhiêu chứng cứ về hải sử Việt Nam ở quanh đó. Vậy mà, thời gian qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa. Đó là thái độ vô cùng nguy hiểm và tai hại. Tại sao? Bởi khi văn hóa biển của Cù lao Chàm bị xóa sổ, chúng ta không thể tìm được cứ liệu lịch sử nào giá trị hơn để chứng thực cho chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.
Hải sử Việt Nam eo hẹp lại càng eo hẹp hơn.
Nếu lịch sử Việt Nam, người Việt mạnh về đất liền, thì dân tộc Chăm ưu thế lớn về biển. Xưa, Champa còn bị mang tiếng là giỏi về “nghề cướp biển”. Mang tiếng oan thôi, chứ một vương quốc văn minh mà tiếng xấu thế thì còn gì là thể thống. Đó là chưa kể chuyện vua Po Pome ở thế kỷ thứ XVII đã qua Kelantan và để lại thế hệ hậu duệ bên ấy. Trước nữa, cuối thế kỷ XIII vua Chế Mân cũng đã cưới hoàng hậu Malaysia Tapasi!