Tìm giải pháp hóa giải di cư tự do

Hủy hoại rừng tại TK 1023 rừng đặc dụng Nam Ka (Đắk Lắk) ảnh: PV
Hủy hoại rừng tại TK 1023 rừng đặc dụng Nam Ka (Đắk Lắk) ảnh: PV
TP - Chín năm qua, Tây Nguyên mất khoảng 314.000 ha rừng, do khai thác gỗ hợp pháp và bất hợp pháp, chuyển đổi rừng cho nông nghiệp, thủy điện, hạ tầng…, đặc biệt tình trạng di cư tự do (DCTD). Do đó vấn đề bức thiết đặt ra là phải triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn tình trạng DCTD vào vùng đất này. 

Giao đất, giao rừng sẽ ổn?

Các tiểu khu (TK) 177, 178 và 179 thuộc địa bàn xã Liêng S’rônh (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) nhưng nhóm PV Tiền Phong phải theo Quốc lộ 27 vòng sang huyện Đắk Glong (Đắk Nông) mới có thể đến các điểm nóng về DCTD này. Quãng đường từ trung tâm xã Liêng S’rônh đến các TK nói trên lên đến 60-70 km.

Người dẫn đường kể cách đây vài năm, từ Đắk Glong phải cắt rừng mới vào tới nơi, còn bây giờ rừng đã lùi xa. Đến khe Lĩa Lòng, anh bảo một cán bộ Phòng TN&MT Đam Rông đã bị nước cuốn tử vong tại đây khi đang trên đường trở về sau chuyến truy quét, giải tỏa vùng rừng bị lấn chiếm trái phép.

Chính quyền địa phương từng tổ chức di dời các hộ ở TK 179 đến định cư tại thôn 5 (xã Rô Men, huyện Đam Rông) nhưng chẳng bao lâu sau, hầu hết các hộ đều quay lại tiếp tục phá rừng làm rẫy, thậm chí chống đối lực lượng chức năng để bám trụ tại đây. Giữa năm 2016, đoàn kiểm tra rừng thuộc lực lượng kiểm lâm và chủ rừng với quân số 16 người, khi vào khu vực này đã bị vu khống rằng “cán bộ đánh dân”, liền sau đó hàng trăm người đánh bao vây, cầm gậy gộc đuổi đánh, lấy mất công cụ hỗ trợ, bắt cán bộ đứng phơi ngoài trời nắng nhiều giờ.

Theo lời kể của kiểm lâm viên K’Tỏ, có lần khi đi kiểm tra rừng tại các TK 178-179, 10 người thuộc đội kiểm lâm cơ động số 1 cũng bị vu khống. Cả trăm người Mông bao vây đội kiểm lâm từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều, bắt cán bộ cởi áo, xắn quần quỳ dưới trời mưa và đòi bồi thường 10 triệu đồng. Các thành viên trong đội đã gom góp được 5 triệu đồng đưa cho họ mới được rời đi.

Là một trong những hộ DCTD đến TK 179 sớm nhất, ông Ma Seo Cháng cùng một số hộ người Mông từ Hà Giang vào vùng này 18 năm rồi. Sau đó nhiều hộ khác ở Lào Cai, Điện Biên… cũng theo vào. Hiện có gần 110 hộ với khoảng 600 nhân khẩu DCTD ở TK 179, lấn chiếm hơn 310 ha rừng để trồng lúa, cà phê, sắn…  

Tìm giải pháp hóa giải di cư tự do ảnh 1 Rẫy cà phê, nhà kiên cố trên đất rừng

Hơn 10 năm nay, bà con đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền đề đạt nguyện vọng được an cư lập nghiệp tại đây, thành lập đơn vị hành chính thôn vì nơi đây cách trung tâm xã tới 70 km; mặt khác tạo điều kiện cho bà con có hộ khẩu thường trú để có thể vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. “Nếu được giao đất, giao rừng, chúng tôi sẽ quản lý tốt vì hiểu rõ vùng đất này, sớm phát hiện người lạ lai vãng và sẽ ngăn chặn hiệu quả nếu họ lấn chiếm đất rừng”, ông Ma Seo Cháng nói.

Lãnh đạo huyện Đam Rông cho biết, sau nhiều lần di dời, giải tỏa thất bại, rừng tại điểm dân cư TK 179 và một số TK khác như 175, 176, 197, 198 cũng đã bị phá phần lớn nên tỉnh Lâm Đồng quyết định phê duyệt 4 điểm định canh định cư tại chỗ ở các TK này với mục tiêu ổn định đời sống của khoảng 500 hộ với hàng ngàn người; ngăn chặn tình trạng phá và lấn chiếm thêm đất
lâm nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khu vực Tây Nguyên còn có nhiều “điểm nóng” khác tại các huyện Tuy Đức và Đắk Glong (Đắk Nông), Ea Súp (Đắk Lắk) với hàng ngàn hộ (hàng vạn khẩu) di cư tự phát. “Việc phá rừng làm rẫy của những hộ DCTD thời gian qua diễn ra phức tạp, trong khi xử lý vi phạm rất khó vì họ rất manh động, tổ chức đông người để chống đối. Cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả do họ hầu như không có tài sản gì”, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông chia sẻ.

Giải pháp chung của  Tây Nguyên

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong vòng 10 năm qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm là tình trạng DCTD, dân số các tỉnh Tây Nguyên tăng trưởng thêm 1 triệu người, đưa tổng số dân ở vùng này lên khoảng 6,2 triệu. Số hộ DCTD đến Tây Nguyên tỷ lệ thuận với diện tích rừng bị mất, nhất là khi công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém. DCTD gây nên nhiều hệ lụy, đe dọa tới môi trường, an sinh xã hội, tăng tỉ lệ hộ đói nghèo trong khu vực.

Giai đoạn 2005 - 2017, các tỉnh Tây Nguyên có 58.846 hộ DCTD với khoảng 220.000 nhân khẩu, cao gấp hàng chục lần so với các vùng miền khác trên cả nước. Riêng giai đoạn 2015-2020, có khoảng 40.616 hộ DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên, trong đó khoảng 18.300 hộ (chiếm 45%) chưa bố trí vào các điểm dân cư. Tính gộp hiện còn hơn 20 ngàn hộ DCTD đang sinh sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương và các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa được di dời và bố trí sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch.

UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đều đề xuất phải thành lập thêm các điểm định canh định cư để ổn định cuộc sống của số hộ DCTD này; chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích lâm nghiệp không còn rừng mà người dân đã canh tác lâu năm để họ yên tâm sản xuất; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân DCTD đủ điều kiện.

MỚI - NÓNG