Trước đây, khi biến tiểu thuyết “Bến không chồng” thành “phiên bản” điện ảnh, anh từng gây tranh cãi xung quanh việc chuyển thể. Lần này nhào nặn tác phẩm nổi tiếng thành phim truyền hình anh có bị áp lực?
Tôi bị áp lực từ phim nhựa chuyển sang phim này (phim truyền hình- pv), áp lực thoát khỏi phim cũ để làm sao khán giả xem phim không thấy lặp lại, nếu giống như trước thì người ta không muốn xem. Tiểu thuyết càng nổi tiếng thì làm càng thích chứ sao lại áp lực?
Vậy phim truyền hình “Bến không chồng” sẽ khác gì so với phim nhựa “Bến không chồng”?
Tất nhiên một câu chuyện 90 phút làm sao giống câu chuyện kéo dài đến 32 tập được?
Kết thúc của tiểu thuyết “Bến không chồng” khá bi thảm. Liệu vào phim truyền hình anh có “chỉnh” kết thúc này tươi sáng hơn không? Chẳng hạn như nhân vật chính Nguyễn Vạn hết phim sẽ ra sao?
(Cười) Cái đó không thể nói trước được. Tôi nói ra thì khán giả còn xem gì ? Đây chính là điều tôi cần giấu nhất.Tất cả những người ở đoàn làm phim còn chẳng biết kết thúc thế nào, làm sao tôi bật mí cho ai được?
Cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” vốn dĩ không dày, kéo đến 32 tập phim truyền hình liệu anh có phải “bôi” ra không?
Thực ra tôi chỉ dựa trên tiểu thuyết “Bến không chồng” chứ không phải chuyển thể từ “Bến không chồng”.
Trước đây, phim nhựa “Bến không chồng” quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng như Minh Châu, Như Quỳnh… Dàn diễn viên trong phim truyền hình “Bến không chồng” có gì đặc biệt? Anh có tiếp tục thủ vai Nguyễn Vạn?
Tôi sẽ trình diện một dàn diễn viên hoàn toàn mới. Nhân vật Nguyễn Vạn do một chàng Việt kiều Đức sắm vai. Tôi không chọn gương mặt nổi hiện nay vào phim vì thấy không phù hợp.\
Lâu lâu không thấy anh tái xuất ồn ào. Chắc anh đặt nhiều kỳ vọng cho tiếng vang của bộ phim truyền hình 32 tập này?
Công việc của người làm phim thì phải làm hết mình, kỳ vọng hay kết quả do trời đất, do nhiều thứ quyết định. Chẳng ai đi làm phim lại bảo làm cho vui.
Nhà văn Dương Hướng:
Văn học và phim ảnh khác nhau
Nhà văn Dương Hướng cha đẻ của “Bến không chồng” rất vui khi lần thứ hai đứa con của ông lại được dựng thành phim. Ông đã đến Nam Định mua cam chúc mừng các diễn viên, chụp ảnh cùng đoàn làm phim. Nhà văn cho biết, phim lấy bối cảnh nhiều nơi: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh và một số địa danh của Hà Nội như Chùa Thầy, Đường Lâm. Cũng theo tiết lộ của nhà văn: Phim nhựa “Bến không chồng” cô đúc hơn, còn phim truyền hình “Bến không chồng” dàn trải hơn, thâu tóm được nhiều chi tiết hơn và có thêm một số nhân vật của cuốn tiểu thuyết “Trần gian đời người” của Dương Hướng. Tác giả đánh giá, dù có thêm nhân vật, chi tiết nhưng tất cả đều hòa quyện với câu chuyện và không khí chung của “Bến không chồng”. Dương Hướng tin bộ phim truyền hình này sẽ được đón nhận tốt và mong Lưu Trọng Ninh đưa bộ phim vượt qua cái bóng của tiểu thuyết để cuốn hút người xem nhưng ông cũng muốn nhắn nhủ khán giả: Văn học và phim ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, đừng đòi hỏi phim phải chi tiết như tiểu thuyết.