Ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày sau khi dự án công viên Hà Đông bị quây rào, nhiều sạp hoa quả tự phát bày bán tràn lan dưới lòng đường quanh khu vực, chủ yếu là tiểu thương khu chợ tạm 365. Khu vực này vốn rất đông đúc giờ cao điểm, giờ đây lại càng ùn tắc, mất an ninh trật tự.
Bà Nguyễn Thị Vân (chủ ki ốt hoa quả) cho biết: Ngày 8/10 cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu di dời, bàn giao mặt bằng thì hai ngày sau tiến hành quây rào toàn bộ khu dự án. Trong khi bà vừa nhập về gần 1.000 quả bưởi Diễn phục vụ Tết nên không thể bán số hàng đi đâu được. Bà Vân cho biết: "Nhập hàng giờ phải trả tiền luôn, giờ không còn địa điểm bán thì phải đưa ra đường bán chứ không biết làm thế nào. Không chỉ tôi còn cả chục bà con buôn bán ở chợ cũng gặp khó khăn tương tự, rất mong chính quyền quan tâm cho bà con buôn bán qua Tết để đảm bảo cuộc sống".
Bà Nguyễn Thị Vân (chủ ki ốt hoa quả) lo phải bỏ đi hàng tấn hoa quả do mất nơi buôn bán |
Một tiểu thương khác cho biết, kinh doanh ở chợ có hợp đồng thuê ki ốt, nhưng đơn vị cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến cả nhà lâm vào cảnh khó khăn. "Giờ hơn 100 triệu đồng để nhập hoa quả mà giờ cam, quýt, táo... thối, hỏng dần không biết làm thế nào. Có để ra đường bán cũng chỉ tạm bợ vì như bán tháo, không thể được giá như bán trong chợ".
Chợ cóc do tiểu thương trong chợ 365 lập ngay sát hàng rào vừa dựng tại công viên Hà Đông |
Đối với người lao động trong các doanh nghiệp bên trong dự án cũng đều trong tình trạng thấp thỏm lo mất việc. Chị Trần Ngọc Huyền (nhân viên sân tập Golf Hà Đông) cho biết, hiện chị đang đi làm 50%, thu nhập cũng giảm một nửa do không còn khách. Được biết, khi có khách ngoài thu nhập cố định, tiền khách cho thêm là khoản thu nhập không nhỏ với gia đình.
"Hiện không có khách, công ty cũng cắt giảm nửa thời gian, với bà mẹ đơn thân như tôi, thời gian này mọi chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, sinh hoạt... như ập xuống đầu. Giờ thậm chí còn phải vay tiền đóng học cho con hàng tháng", chị Huyền chia sẻ.
Chị Trần Ngọc Huyền (nhân viên sân tập Golf Hà Đông) gần như mất hết thu nhập sau khi sân tập golf dừng hoạt động |
Đại diện Công ty cổ phần Golf Hà Đông cho biết, từ tháng 12/2015 - 7/2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với 12 doanh nghiệp. Đến năm 2017, khu tập golf Hà Đông chính thức đi vào hoạt động. Trải qua 2 năm dịch bệnh phải dừng hoạt động, khi vừa trở lại thì đơn vị nhận thông báo chấm dứt hoạt động.
Được biết, sân golf được đầu tư hơn 60 tỷ đồng, đảm bảo các quy định an toàn PCCC, phù hợp với mục đích tập thể dục thể thao ngoài trời. "Hơn 100 lao động có ký hợp đồng, đóng bảo hiểm đang có nguy cơ thất nghiệp. Đặc biệt là những công nhân lao động tay chân thời điểm này không thể xin việc nơi khác. Rất mong UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Đông tạo điều kiện để họ được đón Tết Nguyên đán trọn vẹn", vị đại diện nói.
Trách nhiệm của UBND quận Hà Đông đến đâu?
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 29/8/2015, ông Nguyễn Thanh Xuân khi đó là Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án khai thác tạm nhằm chống lấn chiếm. Văn bản này cũng giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận lựa chọn đơn vị thuê mặt bằng, tận dụng nguồn thu.
Chợ tạm 365 trong công viên Hà Đông đã bị dừng hoạt động |
Đến ngày 1/8/2022, văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về xây dựng công viên. Trong đó khẳng định, việc sử dụng đất công tại công viên Hà Đông cho thuê kinh doanh trái quy định của pháp luật, cần xử lý các vi phạm theo quy định.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong danh mục 5 công viên do thành phố quản lý không có công viên Hà Đông. Do đó, trường hợp đầu tư công viên bằng vốn ngân sách, trách nhiệm đầu tư khu công viên này thuộc ngân sách quận Hà Đông.
Trường hợp quận Hà Đông không cân đối được ngân sách, chưa thể đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do quy hoạch chi tiết khu vực công viên chưa được lập, thẩm định theo quy định; Không có cơ sở lập đề xuất dự án, tính hiệu quả kinh tế xã hội... Do đó, Sở đã đề nghị UBND thành phố xem xét giao Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành thủ tục thanh quyết toán đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết công viên Hà Đông tỷ lệ 1/500. Trong thời gian này, yêu cầu quận Hà Đông dừng ngay việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng tại khu đất trên và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục cho thuê sai mục đích, sai thẩm quyền.