Ngày 16/4, tại tọa đàm “Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa” do báo Thanh Niên tổ chức, ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Gia Lai - cho biết, Mang Yang có diện tích lớn, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, điều kiện giao thông thuận lợi và rất có tiềm năng phát triển về nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi cũng như bò sữa.
Hiện nay, tại Mang Yang, nguyên liệu cho đàn bò sữa đã đáp ứng được khoảng 50%, phấn đấu năm nay sẽ đáp ứng được 70% và sẽ tiếp tục tăng lên cao hơn. Lãnh đạo địa phương cũng tiếp tục khuyến khích người dân gia tăng trồng cỏ, ngô... và cũng cần doanh nghiệp phối hợp để khuyến khích người dân, gia tăng nguồn nguyên liệu cho bò sữa.
Nuôi bò sữa mang lại nhiều lợi nhuận. |
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đã có những bước nhảy vọt rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng sữa tươi cả nước chỉ khoảng 1,2 triệu tấn và bình quân chỉ 12 lít/người/năm. Nếu cộng với lượng sữa nhập khẩu, sữa bột hoàn nguyên thì mức tiêu thụ sữa vào khoảng 28 lít/người/năm. Con số này thấp hơn nhiều nước trong khu vực và nếu so với nước có lượng tiêu thụ sữa tươi nhiều nhất trên thế giới là Phần Lan thì chúng ta thua xa.
Theo thống kê, giai đoạn 2018-2020, cả nước chi khoảng 1 tỷ USD để nhập sữa mỗi năm. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỷ USD, tăng 12,56% so với năm 2020.
Hiện, tổng đàn bò sữa Việt Nam có khoảng 370.000 con, sản lượng sữa năm 2023 đạt 1,17 triệu tấn. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đưa sản lượng sữa đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 2,6 triệu tấn. Tổng đàn bò sữa đến năm 2025 đạt từ 650.000 - 700.000 con, chiếm khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại.
Để thực hiện mục tiêu trên, theo các chuyên gia, việc phát triển đàn bò sữa trong nước là điều cần thiết và tiềm năng của ngành chăn nuôi, chế biến bò sữa của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - cho biết, sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Dự báo tiêu thụ sữa trong nước sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại.
“Phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành này là yêu cầu bức thiết, nhất là khi nhu cầu sữa ngày càng gia tăng cùng với sự gia tăng của dân số cũng như mối quan tâm về sức khỏe và dinh dưỡng của người tiêu dùng” - ông Trung nói.