Tiêu tan hoa Tết miền Trung

Những ruộng hoa tiêu điều, xác xơ sau lũ trở thành nỗi ám ảnh nợ nần, thiếu đói của nhiều nông dân TT-Huế khi Tết Nguyên đán cận kề. Ảnh: Văn Thông
Những ruộng hoa tiêu điều, xác xơ sau lũ trở thành nỗi ám ảnh nợ nần, thiếu đói của nhiều nông dân TT-Huế khi Tết Nguyên đán cận kề. Ảnh: Văn Thông
TP - Lũ muộn bất thường đã khiến một dải miền Trung đứng trước nguy cơ không có Tết.

Cả năm chăm bẵm chờ vụ Tết nhưng nay người dân làng mai cảnh Nhơn An đang khóc ròng khi hàng trăm ngàn chậu mai ngập chìm trong nước lũ, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Anh Đặng Thái Nam (thôn Trung Định, xã Nhơn An, TX An Nhơn, Bình Định) sở hữu 2.000 gốc mai từ 4 năm tuổi. Anh Nam cùng người thân mấy ngày nay vẫn dầm mình trong nước hòng cứu mai. Khi nghe thông báo có lũ anh đã cố gắng kê các chậu mai lên cao nhưng không ngờ nước lũ về dữ dội quá. “Nhiều cây chết rồi, số còn lại cũng nguy lắm. Của cải dồn hết vô đây, nước lũ còn ngập trong nhà đó nhưng cả nhà phải kéo ra đây để cứu mai, không biết có vớt vát được phần nào không” – anh Nam thở dài.

Ông Cáp Văn Thanh (48 tuổi, thôn Trung Định) cũng đang tìm mọi cách cứu mai. 200 chậu mai bị lũ cuốn trôi, 100 chậu mai bị chết. “Bấy nhiêu lâu chăm bẵm chỉ để mong ngóng vụ mai tết mà giờ thì… hết rồi. Lũ cuốn hết cả rồi!” – ông Thanh chua xót.

Làng mai Nhơn An được xem là thủ phủ mai lớn nhất miền Trung. Theo thống kê, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân chuyên canh hoa mai cảnh phục vụ dịp Tết với tổng số vài triệu cây. Đợt lũ khiến 60% số mai hư hỏng, rụng lá, 5% trong số đó đã chết. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào cây mai cảnh, bình quân mỗi năm cho tổng doanh thu khoảng 18 tỷ đồng. Chi phí đầu vào cũng lớn, cả trăm triệu đồng mỗi nhà. Nhưng đợt lũ này khiến người dân thiệt hại nặng.

Hoa Tết xứ Huế ngập trong bùn đất

Đến chiều 19/12, lũ trên sông Hương, sông Bồ đã rút, nhưng tại nhiều vựa trồng hoa lớn của xứ Huế như Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Dương (huyện Phú Vang) hay La Vân Hạ (huyện Quảng Điền), hàng trăm hécta ruộng hoa trồng bán Tết vẫn chìm ngập trong bùn đất, thối rữa dần và trở thành thứ “của nợ” phải nhổ bỏ. Hoa chìm thối trong bùn lũ, hàng trăm nông dân ngập trong lo toan nợ nần, thất bát, thiếu đói khi Tết Nguyên đán cận kề.

Anh Dương Quốc Bảo (xã Phú Mậu) kể: “Thường thì sau 23/10 âm lịch, dân rất yên tâm xuống vụ trồng hoa hay gieo cấy lúa vụ đông, vì là thời điểm mưa lũ chấm dứt. Vậy mà mưa lớn cứ xảy ra kéo dài trúng dịp cuối năm, khiến vựa hoa tết gần như mất trắng. Đây là vùng thấp trũng, lại gần sông, chỉ cần mưa lớn kéo dài vài hôm là ruộng đồng ngập sâu rất khó đấu úng”. Nông dân trẻ này cho biết, nhà anh trồng 4 sào hoa, cả gia đình trông chờ cả vào vụ hoa này để có tiền sắm Tết.

Nhiều hộ dân trồng hoa tại Phú Vang cho biết, trong vụ hoa tết bị lũ muộn tàn phá này, cứ mỗi sào đất, nông dân đã mất trắng gần 10 triệu đồng chi phí mua hom giống hoa, phân bón… chưa kể tiền công làm đất và chăm sóc. Ông Đặng Văn Dũng (ngụ xã Phú Dương) cho biết, khi lũ mới về, nông dân trực chiến cả đêm để be bờ tát nước chống ngập với hy vọng cứu được ruộng hoa, nhưng đến sáng ra thì đành thả tay, vì lũ thượng nguồn trút về mỗi lúc một to, ngập đến nửa người. “Lũ ập về mỗi lúc một lớn, không còn ai xoay xở được. Nhà tui mất trắng cả 6 sào hoa tết đang giai đoạn làm nụ. Mấy chục triệu đồng đầu tư trồng hoa tết cũng tiêu tan luôn”, ông Dũng kể.

Trong trận lũ lớn vừa qua, toàn huyện Phú Vang có 275 ha hoa tết, rau màu bị hư hại gần như hoàn toàn.

Nhiều huyện, thị xã như Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền và thành phố Huế hiện có trên 521 ha hoa tết, cây cảnh, rau màu bị ngập úng, hư hỏng gần như hoàn toàn. “Năm nay, Huế có khả năng sẽ thiếu hoa tết trầm trọng. Nhưng điều đáng lo hơn cả là dân đối diện với thiếu đói trong những ngày sắp tới”, một nông dân Phú Mậu lo lắng.

MỚI - NÓNG