Tiêu cực - chuyển từ thách thức sang sợ hãi

Tiêu cực - chuyển từ thách thức sang sợ hãi
Cựu trợ lý HLV trưởng đội tuyển quốc giaVũ Tiến Thành bị bắt vẫn cười ngạo nghễ. Trước đó, trọng tài Nguyễn Hữu Thành vẫn vững tin và từ chối việc chủ động khai báo. Nhưng vào lúc này, gió đã xoay chiều.

Câu chuyện của trọng tài Lương Trung Việt và Giám đốc điều hành Đông Á Pomina Vũ Tiến Thành, trước khi phải đối diện với lực lượng bảo vệ pháp luật, chắc chắn không làm ngạc nhiên bất cứ ai trong giới bóng đá. Vì đó là một cách thức đã trở thành thông lệ, gần như hiển nhiên, để có được sự thành đạt trong bóng đá Việt Nam.

Ta gọi đó là sự hư hỏng có tính chất hệ thống, có nguồn gốc từ nạn móc ngoặc phổ biến thời bao cấp mà thủ phạm là các quan chức thể thao, được kích thích bởi nạn cờ bạc, cá độ bất hợp pháp của xã hội.

Chính các quan chức thể thao đã dạy các cầu thủ, HLV biết việc đá giả, biết lừa dối khán giả. Và có khi không thật tin tưởng vào các cầu thủ, HLV, họ còn "phím" cho trọng tài để bảo đảm có một kết quả như ý.

Độc giả có thể ngạc nhiên, nhưng đây là một thực tế: các trọng tài hầu như biết rõ đâu là trận đấu thật, còn khi nào hai bên đang chơi "đánh trận giả" (tất nhiên là trừ khi cầu thủ "đánh quả lẻ"). Và có người trong giới trọng tài từng nói rằng, để trở thành một trọng tài giỏi thì việc đầu tiên phải học là phân biệt được đâu là trận đấu thật, đâu là trận đấu giả để nương theo mà thổi!

Đến lượt các cầu thủ "phím" cho dân cá độ biết việc dàn xếp ấy để "làm kinh tế", và rồi chính họ nhanh chóng bị các trùm độ chi phối. Ngay từ khi bóng đá VN còn chưa chuyên nghiệp hoá, người ta đã biết rất nhiều cầu thủ chỉ với lương vài ba triệu đồng/tháng nhưng toàn chơi xe máy xịn và thậm chí tậu được nhà to, rất khó lý giải!

Vòng xoáy tội lỗi

Tất cả như đan quyện vào nhau, cái nọ kéo theo cái kia, khiến cho bóng đá bị sa lầy trong vũng bùn của gian dối và tội lỗi.

Lãnh đạo đội bóng hư hỏng thì cầu thủ học theo và nương theo để hư hỏng. Từ móc ngoặc có chỉ đạo đến bán độ rồi bán mình cho đối phương có khoảng cách rất gần. Và lãnh đạo đội bóng hư hỏng còn kéo theo cả trọng tài hư hỏng, vì họ có quyền, có tiền để tạo ra những cám dỗ.

Cầu thủ hư hỏng khiến các lãnh đạo đội bóng phải biết "chung sống" với sự hư hỏng đó, dỗ ngon dỗ ngọt cho cầu thủ mình đỡ hư hỏng bởi những cám dỗ, và để chắc thắng thì tận dụng sự hư hỏng của cầu thủ đối phương bằng cách đưa ra cám dỗ.

Trọng tài hư hỏng rồi lại khiến lãnh đạo của các đội bóng khác hư hỏng theo. Bởi nếu không chấp nhận "lời đề nghị khiếm nhã", đội bóng tất bị thổi ép theo "nguyên lý" nhất bên trọng, nhất bên khinh. Có khi trọng tài thổi ép chỉ để trút giận lên đội bóng vì dám từ chối lời đề nghị ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà một đội bóng thủ đô thường xuyên phải kêu trời về việc bị nhiều trọng tài xử ép. Và không phải ngẫu nhiên mà giới bóng đá thường "điểm mặt" đội bóng sẽ bị xuống hạng, ngay khi mùa giải bắt đầu. Ngay sau khi trọng tài Lương Trung Việt bị bắt, đội Đồng Tháp đã "chiêm nghiệm" lại hành trình đầy gian khó của họ ở đầu mùa bóng có vai trò từ sự o ép của các trọng tài như thế nào.

Và khi bạn hành xử theo trào lưu gần như một sự đương nhiên, bạn sẽ cười khẩy vào mũi những ai nói rằng bạn đang phạm pháp, như ông Vũ Tiến Thành từng cười khẩy. "Có cả một lũ như thế, đâu riêng gì ta, và còn ghê gớm hơn ta nhiều!" - bạn tự nhủ.

Chắc chắn, con số hối lộ 1,2 triệu, 1,6 triệu, 3 triệu hay thậm chí là 20 triệu đồng không chỉ khiến nhiều giới cười khẩy, mà cũng khiến nhiều trọng tài và lãnh đạo đội bóng cười khẩy...

Cuộc chiến pháp lý

Ngay từ thời điểm này, đã có đủ cơ sở để giới bóng đá luận tội và trừng phạt nhiều nhân vật trong giới bóng đá đang bị khởi tố và đội bóng có liên quan. Thậm chí có thể loại vĩnh viễn một số nhân vật ra khỏi đời sống bóng đá, hay đánh tụt một đội bóng xuống hạng.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để làm trong sạch căn bản nền bóng đá này. Vì điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa được đụng tới: coi tiêu cực là một sự hiển nhiên trong đời sống bóng đá và phải chung sống với nó. Nhiệm vụ đối với sự phát triển của bóng đá VN là phải "tẩy não" giới bóng đá, rằng để tồn tại (trước khi phát triển), những người làm bóng đá buộc phải nói không với tiêu cực, thay cho việc buộc phải dính líu với nó.

Vì vậy, cần có một cuộc "tổng tấn công" vào tiêu cực, trên phương diện pháp lý. Sẽ có nhiều người phải tiêu tan nghề nghiệp vì sự hư hỏng của mình, thậm chí phải tù tội vì tội lỗi của mình.

Cần phải đập tan sự ngang nhiên của những kẻ đã làm vấy bẩn đời sống bóng đá, khiến họ phải đối diện với sự sợ hãi trước quyền lực của pháp lý và của công lý.

Việc ông Vũ Tiến Thành nhanh chóng thay đổi thái độ, bước đầu khai nhận tội lỗi, hay như trọng tài Nguyễn Hữu Thành cuối cùng đã đem số tiền bất chính nộp lên Liên đoàn bóng đá VN và khai báo với cơ quan điều tra đã ghi nhận được sự chuyển biến quan trọng đó.

Nhưng nếu như thông tin đội Đông Á Pomina chỉ có tối đa 6/22 trận đá sạch là đúng, thì có cả một mạng lưới tiêu cực vẫn còn chưa được cơ quan điều tra bóc dỡ.

Chỉ khi cuộc chiến pháp lý ấy kết thúc thắng lợi, mạng lưới ấy bị bóc dỡ, bóng đá VN mới được kiến tạo lại với hệ thống mới gồm những người làm bóng đá đã được tẩy não, dựng nên nền bóng đá sạch.

Và người hâm mộ VN có cơ sở để tin rằng, bóng đá Việt Nam nhất định sẽ phát triển trên cái nền sạch đó.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).