‘Tiêu chuẩn kép’ trong chính sách thuế nhôm và thép của Mỹ

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm đối với các đồng minh của Mỹ, trong khi vẫn áp đặt với các nước khác trong đó có Trung Quốc-đối thủ thượng mại lớn nhất của Mỹ, là động thái thể hiện rõ nét “tiêu chuẩn kép” của Mỹ trong đối xử với vấn đề thương mại toàn cầu.

Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép đối với thuế nhôm và thép

Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donand Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Trong đó, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ ký thông qua mức thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và sẽ duy trì "trong một khoảng thời gian dài".

Sau đó, vào ngày 8/3, ông Trump chính thức ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới như đã tuyên bố hôm 1/3.

Theo đó, các quy định mới về thuế của chính quyền Washington sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký sắc lệnh.

Mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt công ty sản xuất và đụng chạm đến nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc- nhà sản xuất nhôm, thép lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Trump cho rằng chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn bị chịu nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên, tới ngày 23/3, tức là vào đúng ngày thời hạn sắc lệnh có hiệu lực, Nhà Trắng bất ngờ thông báo quyết định của Tổng thống Donald Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu thép và nhôm đến ngày 1/5 đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ, trong đó trọng tâm là các nước thành viên liên minh châu Âu (EU).

Trong một công bố được thực hiện vào khuya ngày 22/3, ông Trump cho biết sẽ tạm ngưng đánh thuế thép và nhôm lên Argentina, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Canada, Mexico và EU - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đến ngày 1/5.

“Tôi đã quyết định rằng cách thích hợp và cần thiết để xử lý nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia xuất phát từ việc nhập khẩu sản phẩm thép từ các nước này là tiếp tục thảo luận và miễn trừ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép của các nước này, ít nhất là lần này”, theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump do Nhà Trắng công bố.

Mỹ toan tính những gì?

Việc ông Trump hoãn đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm đối vớicác đồng minh của Mỹ đặc biệt là đối với EU, trong khi đó vẫn áp đặt với các nước khác trong đó có Trung Quốc-đối thủ thượng mại lớn nhất của Mỹ, là hành động thể hiện rõ nét “tiêu chuẩn kép” của Mỹ trong đối xử với vấn đề thương mại toàn cầu.

“Chiến thuật bắt nạt" từng được Mỹ sử dụng để bóp nghẹt các đối thủ trong lĩnh vực bất động sản. Đến bây giờ, ông Trump tiếp tục sử dụng “con bài” thuế nhập khẩu thép và nhôm với mục đích đòi hỏi một loạt nhượng bộ lớn từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Ngay sau quyết định hoãn thuế của ông Trump, các nước châu Âu đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự hoan nghênh.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho rằng việc Tổng thống Mỹ thay đổi quyết định về áp thuế là "tin tốt".

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Peter Altmaier bày tỏ hài lòng khi nước này tránh được tình thế có thể dẫn tới bất ổn đối với ngành công nghiệp thép và nhôm.

Ngay bản thân ông Trump bày tỏ rằng ông ta có quyền nâng thuế lên hoặc hạ thuế xuống, tùy coi đó là quốc gia nào. “Tôi có đủ khả năng thêm vào hay bớt ra các quốc gia nằm trong danh sách giảm thuế", ông Trump nói với các phóng viên trước cuộc họp nội các vào ngày 8/3.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nói, sự linh hoạt và hợp tác sẽ được dành cho "những người bạn thực sự của nước Mỹ, những người cư xử một cách công bằng với nước Mỹ trong cả thương mại và quân sự".

Ông Trump cho biết Hàn Quốc được miễn thuế vì có quan hệ an ninh mật thiết với Mỹ, “bao gồm cam kết chung của hai nước trong việc loại trừ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.

Như vậy, việc ông Trump hoãn thuế đối với các nước đồng minh chủ chốt, trong đó có các nước EU là nằm trong sự toan tính của Nhà Trắng. Hành động này của chính quyền Washington là nhằm mục đích để các đồng minh chấp nhận chiến lược của Washington và giúp Mỹ củng cố sức mạnh trước Trung Quốc.

Ngoài ra, bằng động thái này, ông Trump muốn mượn vai trò của châu Âu trong việc đối với với Trung Quốc. Bởi châu Âu cũng bất bình với Trung Quốc trong chính sách bảo hộ và tình trạng vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xung quanh vấn đề trợ cấp và mở cửa thị trường công.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thật sai lầm khi cho rằng đây là một bước lùi của Mỹ, và châu Âu cần phải xem xét những hệ quả tiếp đó là gì.

MỚI - NÓNG