Trung Quốc trả đũa Mỹ: Bóng ma chiến tranh thương mại lớn dần

Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn kể từ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau năm 2017. Ảnh: Times.
Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn kể từ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau năm 2017. Ảnh: Times.
TP - Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố tăng thuế nhập khẩu ngay lập tức lên 128 mặt hàng Mỹ, trong đó có thịt lợn và một số loại quả, nhằm trực tiếp đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tăng thuế nhiều sản phẩm Trung Quốc.

Nếu các mặt hàng Mỹ tăng giá ở Trung Quốc, người tiêu dùng ở đất nước đông dân nhất thế giới dễ chuyển sang mua các sản phẩm từ châu Âu, Nam Mỹ hoặc nơi khác.

Bước đi của Bắc Kinh buộc ông Trump phải quyết định có tiếp tục sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại mà ông hy vọng có thể trừng phạt Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đang đe dọa gây tổn thất cho các công ty Mỹ dựa vào thị trường châu Á này.

Trong một đoạn thông điệp đăng trên tài khoản Twitter, tờ People’s Daily thuộc chính phủ Trung Quốc, nói rằng việc Trung Quốc áp thuế quan lên 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ thứ Hai (2/4), là biện pháp đáp trả bước đi của Mỹ khi áp thuế lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Đầu tháng 3 vừa qua, ông Trump thông báo sẽ tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu. Sau đó, ông loại trừ áp dụng cho nhiều nước nhưng trong đó không có Trung Quốc.

Các biện pháp thương mại đơn phương mới của Mỹ gây sốc cho nhiều doanh nghiệp Mỹ và các lãnh đạo nước ngoài, nhất là sau khi cách làm của ông Trump trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ có vẻ ngược lại hoàn toàn với giọng điệu dân túy hồi ông còn tranh cử.

Trước bước đi vừa qua của Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố sẽ đáp trả. Trong một tuyên bố do Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra, Bắc Kinh nói rằng các biện pháp thuế mới “gây thiệt hại nghiêm trọng cho các lợi ích của chúng tôi”.

Bước đi của Trung Quốc là nhằm đáp trả Mỹ tăng thuế lên thép và nhôm, nhưng cuối cùng lại làm tổn thương nông dân và chủ trang trại Mỹ, mà nhiều người trong đó đến từ các vùng đã bỏ phiếu cho ông Trump trong mùa tranh cử 2016. Các nông dân Mỹ xuất lượng nông sản trị giá gần 20 tỷ USD sang Trung Quốc trong năm 2017. Ngành thịt lợn Mỹ xuất các sản phẩm trị giá 1,1 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ ba của thịt lợn Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định nhằm vào lượng hàng hóa Mỹ trị giá 3 tỷ USD được cho là chỉ như giọt nước rơi xuống biển so với quy mô kim ngạch thương mại Mỹ - Trung.

Sự đáp trả của Trung Quốc “là một tuyên bố về ý định... nhưng chúng tôi không cho rằng đó là sự leo thang”, CNBC dẫn đánh giá của chiến lược gia trưởng về đầu tư tại ngân hàng Standard Charter, ông Steve Brice.

Sau khi tăng thuế lên thép và nhôm nhập khẩu, vào cuối tháng 3, ông Trump đi thêm một bước là áp mức thuế quan 60 tỷ USD lên nhiều mặt hàng Trung Quốc và hạn chế Trung Quốc đầu tư vào ngành công nghệ Mỹ. Ông Trump thừa nhận rằng chính phủ Mỹ đã quá tự mãn khi cho phép các công ty Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ và lạm dụng các quy tắc thương mại. Ông cáo buộc những cách làm thương mại của Trung Quốc đã khiến 60.000 nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa và 6 triệu việc làm bị cướp mất.

Các biện pháp lần này của Trung Quốc không nhằm đối phó với gói chính sách 60 tỷ USD nói trên. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể để dành các biện pháp mạnh hơn để đáp trả kế hoạch đó của Nhà Trắng. Trung Quốc cũng có thể đáp trả mạnh hơn bằng cách bổ sung vào danh sách 128 mặt hàng bị tăng thuế.

Trung Quốc xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 505 tỷ USD sang Mỹ, còn các công ty Mỹ xuất lượng hàng trị giá 135 tỷ USD sang Trung Quốc trong năm 2017. Ông Trump nói rằng khoảng cách giữa hai con số này là quá lớn nên cần xóa bỏ hoặc giảm xuống.

Ảnh hưởng toàn cầu

Nhiều công ty nông nghiệp Mỹ cảnh báo họ có thể rơi vào giữa một cuộc chiến thương mại, nhất là khi ông Trump thực hiện đúng những gì đã tuyên bố nhằm vào Trung Quốc và Mexico.

Cách tiếp cận về thương mại của ông Trump bị đánh giá là không nhất quán, khiến các đồng minh và lãnh đạo nước ngoài khó đoán trước Tổng thống Mỹ định làm gì tiếp. Ông Trump nói rằng những đe dọa thương mại của ông chỉ nhằm mở đường để đàm phán. Vừa cuối tuần qua, ông đe dọa qua Twitter rằng sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu Mexico không làm gì hơn để ngăn người di cư vào Mỹ.

Tuyên bố này khiến nhiều người ngạc nhiên sau khi Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã mất nhiều tháng để đàm phán NAFTA với Canada và Mexico và các bên đang hy vọng đạt được tiến triển vào cuối năm nay.

Dẫu vậy, Trung Quốc luôn là mục tiêu thương mại lớn nhất đối với ông Trump. Và có vẻ Trung Quốc là nước đầu tiên đáp trả đe dọa từ Mỹ, gây áp lực lên các lãnh đạo ở Washington và Bắc Kinh phải nhanh chóng đoán được bước đi tiếp theo của nhau là gì.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm đầu tiên nắm quyền của ông Trump, nhưng sau đó trượt hơn 10% kể từ cuối tháng 1 năm nay do lo ngại những đe dọa thương mại của ông Trump có thể gây xáo trộn các thị trường thế giới. Nhưng các cố vấn cấp cao của ông Trump nói rằng chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ sẽ có lợi cho lao động Mỹ bằng cách tạo thêm việc làm và thúc đẩy xuất khẩu hàng Mỹ.

Nhiều người lo rằng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington có thể gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế học giành giải Nobel Robert Shiller, sau khi Trung Quốc nhằm vào 128 mặt hàng Mỹ, sự bất định về các biện pháp thương mại kiểu ăn miếng trả miếng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế. “Nó sẽ là một sự hỗn loạn. Sẽ làm chậm sự phát triển trong tương lai nếu mọi người nghĩ rằng những điều như thế này sẽ tiếp tục xảy ra”, ông nói.

 
Theo Theo CNBC, NYT
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.