Ngôi sao vai phụ thời phim mì ăn liền
Lê Cung Bắc sinh tại tỉnh Quảng Trị, sau khi đỗ tú tài tại trường Quốc học Huế, năm 1966 Lê Cung Bắc chuyển lên học ban Cử nhân, trường Chính trị - Kinh doanh, thuộc Viện Đại học Đà Lạt. Ông hoàn toàn chuyên tâm vào việc học, kịch nghệ vẫn chỉ là hoạt động ngoại khóa. Tuy vậy, Lê Cung Bắc không hề bỏ bê các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ông từng được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada năm 1974 và sau năm 1975 ông tham gia Đoàn kịch nói Bông hồng được một thời gian ngắn.
Cơ duyên may mắn khi ông gặp lại đạo diễn Lê Dân, đưa ông đến với điện ảnh trong bộ phim đầu tiên là Pho tượng. Do đã từng có kinh nghiệm đóng kịch, nên khi vào phim ông đóng rất dễ dàng. Sau khi phim ra mắt ông được các đạo diễn khác để ý và tiếp tục mời tham gia trong các phim: Ván bài lật ngửa, Con thú tật nguyền, Cao nguyên F.101, Đằng sau một số phận… Mặc dù lúc đó đời sống còn khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm và đam mê với nghệ thuật, như xem nghệ thuật như là người tình của chính mình.
Khi thời kỳ phim thương mại rầm rộ trong những năm đầu 1990, phim ảnh nhộn nhịp bước vào cơ chế thị trường, Lê Cung Bắc được xem là ngôi sao sáng giá nhất của những vai phụ - những vai tạo nền cho các vai chính, thường đòi hỏi diễn xuất già dặn, tự tin. Có năm, ông dẫn đầu về số lượng vai diễn và xuất hiện trong hàng loạt các phim như: Vị đắng tình yêu, Chuyện tình Mỵ Châu, Bà chúa cuối cùng, Hồi chuông màu da cam, Thăng Long đệ nhất kiếm, Tình nhỏ làm sao quên, Dấu ấn của quỷ, Cô bé mộng mơ…
Sự nghiệp điện ảnh của ông cứ lặng lẽ mà không ồn ào, vẫn xuất hiện đâu đó mà gây ám ảnh mãi trong lòng người xem. Tuy ông đóng hầu hết là vai phụ nhưng số lượng vai diễn vừa phong phú, vừa đa dạng của Lê Cung Bắc đã tạo nên dấu ấn của riêng ông nơi khán giả. Ông biết cách biến những vai phụ của mình từ mờ nhạt thành ấn tượng, từ đơn điệu thành cá tính chỉ với một bí quyết duy nhất: diễn xuất bằng cả tâm hồn. Ông thổi vào nhân vật hơi thở của cuộc sống thật, gần gũi và giản dị. Nhưng trong suốt hàng loạt vai diễn ấy, ông chỉ chọn được hai nhân vật mà mình yêu thích.
Đó là vai Trí trong phim Con thú tật nguyền của đạo diễn Hồ Quang Minh và vai lão cùi trong phim Dấu ấn của quỷ do đạo diễn Việt Linh thực hiện. Những vai diễn ấy không chỉ đòi hỏi ở ông sự sáng tạo mà thậm chí vắt kiệt sức mình để vai diễn được thăng hoa.
Từ cuối năm 1992, ông bước lên thẳng vị trí đạo diễn mà không qua bất kỳ một vị trí trung gian nào. Ông bấm máy bộ phim video đầu tay Trên cả hận thù. Ra đời giữa một rừng phim thương mại nhưng Trên cả hận thù vẫn được xem là bộ phim sạch sẽ và rất có nghề. Bộ phim thứ hai của ông là phim hàiTa tắm ao ta với dàn diễn viên nhiều thể loại: Việt Trinh, nghệ sỹ cải lương Châu Thanh, Hồng Đào, Phú Quý, Hoàng Phúc… vẫn được khán giả ủng hộ dù không được đánh giá cao.
Thừa thắng xông lên trong vai trò đạo diễn bằng bộ phim thứ ba Giọt lệ chưa khô, bộ phim tâm lý xã hội nhẹ nhàng với sự góp mặt của các tài tử: Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Mỹ Duyên, Hoàng Phúc… chứa đựng khá nhiều ngôn ngữ điện ảnh, nhiều góc độ khuôn hình đẹp, nhiều thủ pháp chuyển cảnh độc đáo. Vào năm 1994, Lê Cung Bắc đã khẳng định mình trong bộ phim tiếp theo, anh tiếp tục cộng tác cùng Việt Trinh và Lê Tuấn Anh trong bộ phim nhựa màn ảnh rộng Nhịp đập trái tim do hãng phim Giải phóng sản xuất.
Đây là lần thứ 3 ông cộng tác cùng Việt Trinh, góp phần không nhỏ cho sự thành công trong sự nghiệp điện ảnh của cô. Bộ phim đã đoạt giải đạo diễn phim nhựa đầu tay xuất sắc năm 1994 (tiền thân của giải Mai vàng ngày nay), giải thưởng này minh chứng cho quyết định của ông chuyển sang vai trò đạo diễn là hoàn toàn chính xác.
Năm 1995, ông được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh mời về làm bộ phimNgười đẹp Tây Đô, khi công chiếu đã gây tiếng vang lớn và khẳng định tên tuổi của diễn viên Việt Trinh cho đến ngày hôm nay. Ông tiếp tục làm bộ phimKhông thể rẽ trái được nhận Huy chương Vàng LHP Truyền hình toàn quốc và nữ diễn viên xuất sắc cho Võ Sông Hương năm 1996. Sau thành công của hai phim này, ông tiếp tục làm bộ phim truyền hình Dòng đời. Bộ phim này đã mang lại 3 giải thưởng lớn vào năm 2001 và cũng trong năm ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Ngoài ra, Lê Cung Bắc còn đạo diễn nhiều bộ phim ấn tượng khác như: Cõi tình, Xóm cũ, Những chiếc lá thời gian, Duyên trần thoát tục… Nhiều người bất ngờ khi hầu hết những bộ phim của ông đều kết hợp với nữ diễn viên Việt Trinh, ngoài đời hai người còn là bạn thân thiết. Kỷ niệm đáng nhớ khi 2 người gặp nhau trong bộ phim Thăng Long đệ nhất kiếm, lúc này Việt Trinh còn chưa nổi tiếng. Lê Cung Bắc trong vai vua, còn Việt Trinh trong vai cung nữ dâng rượu cho vua, do vô tình làm rơi bình rượu nên Việt Trinh bị mắng khóc ròng. Chính ông đã đứng ra nói đỡ vài lời Việt Trinh mới được yên.
Một ngã rẽ bất ngờ giúp ông có cơ hội thăng hoa tài năng nghệ thuật và đưa cái đẹp đến cho mọi người cùng thưởng ngoạn, một ngã rẽ mang đến cho ông nhiều người bạn quý báu trong đời cùng vinh quang niềm hạnh phúc. Điện ảnh không chỉ nghề mà còn là cái nghiệp, là chính cuộc sống của ông. Bây giờ và những ngày sắp tới, Lê Cung Bắc vẫn tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật, chuyên tâm tìm kiếm những giá trị cuộc sống và chuyển tải qua các bộ phim.