Không còn thời ngồi chờ bán vé
Khởi xướng từ tháng 8/2016, Bộ VHTTDL chủ trương đưa chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn bên cạnh tuyển chọn tác phẩm chất lượng còn hướng tới nâng giá vé. Những chiếc vé xem kịch giá 1 triệu đồng cũng là cách làm sang trọng thêm cho sân khấu truyền thống. Thực tế tình hình bán vé không mấy khả quan cũng khiến nhiều nhà hát e dè.
“Mục đích của đợt diễn này chủ yếu vẫn giới thiệu tác phẩm trong kết cấu chương trình có uy tín không hẳn bán vé kinh doanh. Tham gia chương trình của Bộ VHTTDL cũng giúp tâm lý nghệ sỹ phấn chấn hơn. Tuy nhiên, khán giả miền Bắc vẫn chưa quen với việc mua vé nên kết quả chưa được như mong đợi”, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam nói.
Giá vé xem các chương trình nghệ thuật truyền thống trong tháng 5 được hạ xuống ở mức 200-500 nghìn đồng/vé. Mức giá khá mềm này không thúc đẩy tốc độ bán vé cho lắm. Nhà hát Chèo Việt Nam chưa bán được 100 vé vì hai vở Súy Vân, Dây tràng hạt diệu kỳ tới cuối tháng 5 mới diễn.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, vở Hừng đông diễn tối 5/5 cũng chỉ bán được hơn trăm vé. “So với năm ngoái, hai vở diễn năm nay của nhà hát bán vé khá cầm chừng. Năm ngoái, Nhà hát chỉ có một đêm diễn nhưng bán vé khá tốt, do được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói.
Việc bán vé chương trình âm nhạc dân tộc và sân khấu luôn là thách thức của các nhà hát, không riêng các chương trình diễn ở Nhà hát Lớn. Năm nay, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện giao các nhà hát chủ động vào cuộc, không thể phó mặc cho Nhà hát Lớn. “Bộ giao các nhà hát chủ động phối hợp với Nhà hát Lớn bán vé, điều này khiến các nhà hát năng động hơn”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nói, nhà hát luôn có kênh riêng để bán vé và nguồn khách riêng. “Một trong những điểm yếu của chúng ta là khâu quảng bá, phải làm sao để thông tin chương trình ở Nhà hát Lớn đến với khán giả”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng thời đại hoàng kim sân khấu lùi xa rồi, bây giờ nhà hát phải tìm đến với khán giả không phải ngược lại cứ ngồi chờ bán vé.
Không phải phép lạ để có nghệ thuật chất lượng
Chương trình, kịch mục biểu diễn tại Nhà hát Lớn năm nay được nhóm lại theo tháng, trong đó tháng 5 là ca kịch, tháng 8 dành riêng cho kịch nói, tháng 10 và 11 dành cho xiếc, dàn nhạc giao hưởng. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho rằng, cách sắp xếp này đang hướng dần tới tính chuyên đề.
Chẳng hạn suốt tháng 8, khán giả xem hơn chục vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, Kịch Việt Nam, Kịch Hà Nội, Đoàn kịch nói Công an nhân dân và Nhà hát Kịch nói Quân đội. Tuy nhiên, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, nếu làm không tốt dễ khiến khán giả bị bội thực. “Tôi cho rằng, Bộ nên tạo hoạt động đồng đều hằng tháng, không nên tập trung theo mùa, còn nếu theo mùa phải có chủ đề”, ông Vinh nói.
Một trong những mục tiêu Bộ VHTTDL đưa ra là hướng tới nghệ thuật đỉnh cao, tuy nhiên thực tế các chương trình được đưa vào vẫn dựa trên cái sẵn có, chưa được đầu tư và tuyển lựa khắt khe. “Tôi cho rằng, nếu đưa tuồng, chèo, cải lương vào Nhà hát Lớn phải có đặt hàng kịch bản và dàn dựng riêng để phục vụ khán giả ở Nhà hát Lớn.
Hiện nay các đơn vị vẫn lấy các vở sẵn có được giải ở các hội diễn. Thực tế có vở ẵm giải chưa hẳn là vở ăn khách, trong khi ở Nhà hát Lớn chúng ta đang hướng tới mục tiêu để khán giả mua vé”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, các nhà hát phải tự lựa chọn vở diễn vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật vừa dễ tiếp cận với khán giả để bán vé.
“Theo tôi, chủ trương này rất đúng và hay. Lâu nay Nhà hát Lớn không tham gia vào đời sống sân khấu, nó luôn cách biệt khiến người ta có cảm giác đó là nơi quá sang trọng chỉ dành cho lễ tiết. Nếu như vậy thì quá phí bởi nhà hát phải có khán giả và phải dành cho nghệ thuật. Tôi cho rằng, đừng nên đặt ra cái gì đó quá lớn quá cao, chỉ nên xác định để nó sống với đời sống sân khấu, gắn với khán giả thay vì thiêng hóa như bấy lâu nay”, nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành nói. Ông nói thêm sân khấu lâu nay suy thoái, vở diễn hay không nhiều do đó chủ trương của bộ là cú hích hâm nóng đời sống sân khấu. “Tuy nhiên, đó chỉ là một yếu tố đóng góp thêm vào không gian nghệ thuật chứ không phải phép lạ để có nghệ thuật chất lượng”, ông nói thêm.
Vở diễn phải có ngôi sao
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, muốn có vở diễn hay ngoài yếu tố kịch bản, đạo diễn thì sức nặng của nghệ sỹ là điều hết sức quan trọng. “Không có ngôi sao không có vở diễn hay và thực tế có những nghệ sỹ không thể thay thế, chẳng hạn cải lương phải có Thanh Thanh Hiền chứ”, ông nói. Các nhà chuyên môn lâu nay đều ngao ngán bởi sân khấu suy thoái nên diễn viên không sống được bằng nghề, họ phải đi “đánh thuê” dẫn đến mòn và mất nghề.