Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%, bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội

TPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) với đa số đại biểu Quốc hội tán thành. 

Luật được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Trước khi Quốc hội thông qua, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%, bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội ảnh 1

Các đại biểu biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh: Như Ý

Liên quan đến quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5), theo bà Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Khoản 5 Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở...

Vì vậy, các điều kiện tự nguyện, tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn hay thời gian cư trú tại Việt Nam... sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam và do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về tài chính công đoàn (Điều 29), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ việc nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của công đoàn. Đồng thời, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn.

Giao Tổng Liên đoàn phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn

Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn (Điều 30), theo bà Nguyễn Thúy Anh, nội dung này có tác động trực tiếp đến việc cân đối nguồn tài chính công đoàn, bảo đảm nguồn lực cần thiết của toàn hệ thống công đoàn, phân phối kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động thực tiễn của Công đoàn và đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, thể hiện thống nhất về đối tượng được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, bổ sung quy định “Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” khi quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), theo bà Nguyễn Thúy Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn tại khoản 2. Đồng thời, quy định tại khoản 4 nguyên tắc và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẩm quyền phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ” khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Tài chính công đoàn được hình thành có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ và từ kinh phí công đoàn là do Nhà nước ấn định trong luật.

Việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành mà không có sự thống nhất với Chính phủ có thể dẫn đến việc cho rằng các chính sách do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành không bám sát, cập nhật, thậm chí thoát ly các chính sách chung của Nhà nước...

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ như quy định của dự thảo luật.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Trong đó, lần sửa đổi này bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn…

MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.