Tiếp thị hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trên đất Mỹ

Tiếp thị hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam trên đất Mỹ
Một trong những mục tiêu đặc biệt của doanh nghiệp trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải lần này là tiếp thị một hình ảnh Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ nhiệm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có bài trả lời phỏng vấn VietNamNet. Chúng tôi xin biên tập và giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Có ý kiến cho rằng, thời điểm đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ đã đến. Là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng, ông có thể nói gì về mong đợi của các doanh nghiệp Việt Nam từ chuyến đi này?

Những hợp đồng được ký kết, những mối quan hệ thương mại được thiết lập... Nhưng trên hết, mục tiêu trọng tâm của chuyến đi đặc biệt này đó là tiếp thị hình ảnh của một Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao, môt đất nước đang tạo dựng được một cộng đồng DN năng động, thân thiện và nhiều khát vọng...

Gọi là mục tiêu đặc biệt vì mặc dù quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ đã được bình thường hoá cách đây 10 năm, song những ám ảnh về một cuộc chiến tranh 30 năm trước vẫn chưa dứt đối với nhiều người dân và cả không ít doanh nhân Mỹ.

Thông tin về Việt Nam không nhiều, về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại càng không đầy đủ đối với các doanh nhân Mỹ.

Sự có mặt đông đảo và đa đạng của các DN trong đoàn DN cũng như các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư sẽ được tổ chức tại tất cả các thành phố đoàn đi qua chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác, doanh nghiệp Mỹ.

Sự hiểu biết rõ ràng hơn về cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng với những khuôn khổ hợp tác sẽ được ký kết giữa VCCI và Phòng Thương mại Mỹ chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cả hai nước.

Cùng với những thiện ý từ phía các doanh nghiệp Mỹ, tôi chắc rằng thông điệp doanh nghiệp Việt Nam là đối tác làm ăn nhiều tiềm năng và thân thiện mà đoàn doanh nghiệp Việt Nam đưa đến thị trường Mỹ sẽ làm thay đổi nhiều quan hệ thương mại, đầu tư song phương giữa Việt Nam và Mỹ.

Tham gia đoàn doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều Tổng Cty lớn của Nhà nước trong những lĩnh vực then chốt của kinh tế Việt Nam như hàng không, viễn thông, tài chính - ngân hàng... ông có thể nói gì về khả năng hợp tác sắp tới giữa hai bên?

Một trong những mục tiêu đặt ra của đoàn doanh nghiệp là xác lập mối quan hệ với những đối tác chiến lược.

Để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, doanh nghiệp và nền kinh tế không chỉ cần thị trường mà còn rất cần có những đối tác chiến lược, có tiềm lực về vốn và công nghệ. Chính phủ cũng đã có những chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích thu hút được đầu tư vào khu vực dịch vụ và công nghệ cao có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Ngược lại, là một nền kinh tế đang phát triển nhu cầu về vốn, công nghệ của nền kinh tế Việt Nam cũng không nhỏ và tăng theo cấp số nhân cùng với quá trình phát triển.

Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp Mỹ cũng mong muốn vào làm ăn với Việt Nam để khai thác cơ hội này.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm rằng có mặt trong đoàn doanh nghiệp không chỉ là các Tổng Cty Nhà nước mà còn có cả các doanh nghiệp lớn của khu vực ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang quyết tâm tạo dựng khuôn khổ pháp luật minh bạch, rõ ràng phù hợp với luật chơi chung. Cơ hội làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước là rất lớn, đầy tiềm năng.

Trong bối cảnh như vậy, tôi tin rằng có nhiều điều kiện, nhiều điểm tương đồng để tiến tới một giải pháp cùng có lợi giữa hai cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc tới một đối tác rất tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó là cộng đồng doanh nhân Việt kiều đang làm ăn tại Mỹ.

Vì vậy, nhân chuyến đi quan trọng này, chúng tôi cũng tìm kiếm cơ hội và xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh mối quan hệ làm ăn với các đối tác là người Việt Nam đang định cư tại Mỹ.

Với 1,3 triệu người, 100.000 cơ sở kinh doanh tại Mỹ có tổng doanh số tới 10 tỷ USD, hàng năm đưa một lượng kiều hối chiếm tới hơn 60% lượng kiều hối gửi về Việt Nam, các doanh nhân Việt kiều là một đối tác vừa sức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi làm ăn với Mỹ.

Tuy vậy, có thực tế là chưa có nhiều các doanh nghiệp Mỹ làm ăn thành công tại Việt Nam cũng là một lực cản lớn trong việc thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Mỹ đến thị trường Việt Nam?

Đó là hiện tượng của thời gian trước, khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới, mở cửa theo lộ trình.

Đến thời điểm này, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đang mở rộng tới sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang thay đổi theo xu hướng hối nhập với kinh tế thế giới.

Qua tìm hiểu ý kiến của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy cùng với quá trình tự do hóa, mở cửa thị trường và giảm bảo hộ thương mại trên phạm vi toàn cầu, các yếu tố về địa chính trị, địa kinh tế, lợi thế về lao động sẽ ngày càng chiếm ưu thế.

Chúng ta cũng đang tích cực đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, cơ cấu lại và cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mở cửa thị trường các lĩnh vực mà Mỹ quan tâm.

Xét về trung và dài hạn, cộng đồng kinh doanh Mỹ sẽ quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam trong mối tương quan với các nước trong khu vực, triển vọng hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa hai cộng đồng doanh nghiệp Việt - Mỹ là rất lớn.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì, thưa ông?

Ở đây cần có sự tham gia của cả Chính phủ và cộng đồng DN trong xây dựng một chiến lược quốc gia dài hạn phù hợp với năng lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn để, một mặt, nhằm tiếp cận thị trường Mỹ, mặt khác thu hút các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại song phương.

Trước mắt, trong khi chuẩn bị điều kiện mọi mặt để nâng cao khả năng hấp thụ và thu hút những dự án đầu tư công nghệ cao của Mỹ cũng cần vận động thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghệ ở mức trung bình phù hợp, sử dụng nhiều lao động sản xuất xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Hướng đi này sẽ góp phần giải quyết được yêu cầu về việc làm cho người lao động cũng như phù hợp với khả năng hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam để từng bước tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ tiếp nhận các dự án đầu tư công nghệ cao trong tương lai.

Thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức, hiệp hội kinh doanh và thương mại Mỹ quan tâm đến Việt Nam là một hoạt động rất quan trọng mà VCCI sẽ tích cực đẩy mạnh.

Mở rộng diện tiếp cận, chủ động tìm kiếm đối tác với phương châm “không quên bạn cũ nhưng cần thêm bạn mới”. Tất nhiên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự tin cậy trong kinh doanh, phát huy văn hoá kinh doanh... là những điều tất yếu mà DN phải thực hiện dù làm ăn với thị trường nào.

Xin cảm ơn ông

MỚI - NÓNG