Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là hai công cụ có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Ở nhiều ngành nghề, những công việc cũ sẽ mất đi, công việc mới sẽ ra đời.
Vậy thế hệ trẻ nước ta cần chuẩn bị gì, học gì, làm gì để có công ăn việc làm và tránh bị thất nghiệp? “Tôi nghĩ những kiến thức cơ bản về toán học, tin học và tiếng Anh sẽ là hành trang cơ bản để các bạn trẻ “xoay xở” thời biến động AI, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, GS Nhung nhấn mạnh.
Cũng theo GS Nhung, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.
Bà Hoàng Hà Minh - nhà sáng lập và giám đốc điều hành Westminster Academy cho rằng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là một bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động trong thời đại AI. Điều này không chỉ giúp cá nhân vươn ra thị trường quốc tế mà còn góp phần cải thiện vị thế kinh tế của cả quốc gia.
Cơ hội nào cho người lao động Việt Nam khi có tiếng Anh?
Nhiều chuyên gia nhận định, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI). Việc có tiếng Anh, người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận tri thức và công nghệ quốc tế.
Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến về AI đều được phát triển tại các quốc gia nói tiếng Anh. Tài liệu chuyên môn, các khóa học trực tuyến hàng đầu, hay những hội thảo công nghệ đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Nếu không biết tiếng Anh, người lao động Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tri thức quan trọng này.
Ngược lại, thành thạo tiếng Anh sẽ mở ra cơ hội học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu, cập nhật xu hướng mới nhất, từ đó cải thiện kỹ năng và đáp ứng nhu cầu của các công việc tương lai – những công việc mà AI chưa thể thay thế con người.
Bên cạnh đó, có tiếng Anh làm tăng cơ hội làm việc toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, AI đã thúc đẩy sự gia tăng của các công việc từ xa và hợp tác quốc tế. Những vị trí này đòi hỏi người lao động phải có khả năng sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và làm việc hiệu quả.
“Tôi thấy rõ rằng những người biết tiếng Anh không chỉ làm việc tại Việt Nam mà còn có thể tham gia vào các dự án quốc tế, kết nối với các đối tác nước ngoài hoặc ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia. Đây là những lĩnh vực mà AI thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, trong khi con người vẫn giữ vai trò chủ đạo nhờ khả năng giao tiếp linh hoạt”- bà Hoàng Hà Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người dân là một hướng phát triển giúp nâng cao vị thế quốc gia. Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân mà còn giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nhìn vào các quốc gia như Singapore hay Philippines, thấy rõ họ đã tận dụng tiếng Anh để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế. Nếu có một lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt trong những lĩnh vực như công nghệ, tài chính, hay sản xuất. Điều này không chỉ cải thiện thu nhập cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
“Tôi tin rằng việc phổ cập tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là bước đi cần thiết để chúng ta không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua những thách thức do AI mang lại. Đây không đơn thuần là việc học một ngôn ngữ mới, mà là cách để chúng ta mở rộng cơ hội, phát triển năng lực và vươn lên trong một thế giới ngày càng cạnh tranh”, bà Hoàng Hà Minh chia sẻ
Vị giám đốc này tin rằng việc phổ cập tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là bước đi cần thiết để chúng ta không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua những thách thức do AI mang lại. Đây không đơn thuần là việc học một ngôn ngữ mới, mà là cách để chúng ta mở rộng cơ hội, phát triển năng lực và vươn lên trong một thế giới ngày càng cạnh tranh.