Số học sinh học tiếng Anh tích hợp tăng 50 lần trong 10 năm
Thông tin được ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM nêu tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện đề án dạy và học các môn Toán, Khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (chương trình tiếng Anh tích hợp).
Vị Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, trong năm đầu tiên chương trình triển khai, chỉ có 600 học sinh ở 18 trường tham gia. Đến năm học 2023-2024, tức sau 10 năm sau đó, trên 30.000 học sinh đã tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp, trải dài trên 160 trường tại 20 quận, huyện khắp TPHCM.
"Điều này cho thấy nhu cầu học tiếng Anh kết hợp với các môn kiến thức khoa học ngày càng tăng cao", ông Quốc nhìn nhận.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin tại hội nghị. Ảnh: Hồ Phúc |
Về kết quả học tập của học sinh, ông Quốc đánh giá các em luôn đạt điểm cao, đặc biệt là ở các môn Toán và Khoa học. Tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi trong các bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh luôn đạt 85-90%.
Đề án giúp nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học thuật quốc tế. Đa số học sinh khi hoàn thành chương trình các cấp học đều đạt được trình độ tương ứng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT, tương đương các mức độ theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR).
Nhân rộng mô hình
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá Đề án 5695 của TPHCM cho thấy sự tham mưu trúng, đúng, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Phúc |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị TPHCM tiếp tục cân nhắc, từ kinh nghiệm thực hiện ở môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh để nghiên cứu mở rộng các môn khác trong điều kiện có thể.
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education - đơn vị phối hợp triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, cho rằng đề án đạt được những kết quả như trên vì đảm bảo được 4 điều then chốt.
Trong đó mô hình "bốn nhà" bao gồm nhà quản lý, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà người học (phụ huynh học sinh) đã phát huy hiệu quả vượt trội trong việc tích hợp tiếng Anh vào giảng dạy các môn học cốt lõi như toán và khoa học bằng tiếng Anh.
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Hồ Phúc |
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, xây dựng môi trường ứng dụng tiếng Anh thực tiễn, thường xuyên cải tiến công nghệ trong quá trình dạy như mô hình 3D, phòng thí nghiệm ảo Virtual Experiments, lớp học trên nền tảng Metaverse,… giúp học sinh tiếp cận với các học liệu và công nghệ giáo dục hiện đại.
Bà Lan khẳng định đây là nền tảng giúp đề án tạo ra mô hình giáo dục bền vững, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn tự tin giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh, sẵn sàng cạnh tranh công bằng với bạn bè quốc tế.
Nhờ phụ huynh ủng hộ
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy, sự thành công của đề án còn nhờ sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Lúc mới triển khai, ngành giáo dục phải rất kiên trì, thuyết phục và minh chứng hiệu quả chương trình bằng chất lượng đào tạo.
Bà Thúy đánh giá số học sinh tham gia chương trình vẫn còn ít so với 1,7 triệu học sinh thành phố. Đội ngũ giáo viên Việt Nam tham gia một phần nhỏ, đa phần là giáo viên bản ngữ phụ trách. Từ đó, bà khẳng định TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện đề án, yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu mở rộng, tăng cơ hội tiếp cận, nâng số lượng học sinh tham gia.