Học tiếng Anh: Đừng coi như một trào lưu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều học sinh, du học sinh cho rằng, sau khi luyện thi, thậm chí lấy chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ vẫn cần liên tục trau dồi, cải thiện các kĩ năng. Tiếng Anh không khó, học sinh chỉ cần đầu tư thời gian và công sức, có môi trường để thực hành.

Phụ thuộc vào nỗ lực của người học

Lê Vũ Anh Thư, cựu sinh viên trường đại học La Trobe (Úc) chia sẻ, từ bé em may mắn được mẹ cho đi Singapore, Thái Lan chơi, học hỏi và quan sát. Đặc biệt, lúc đi Thái Lan, mẹ chỉ cho em thấy nhiều bạn trẻ người nước ngoài ở độ tuổi 13-14 tuy không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn đi du lịch vòng quanh thế giới. Em nhận ra, học tiếng Anh chưa cần giỏi, chỉ cần tự tin vẫn có thể giao tiếp tốt.

Lên cấp 3, thời điểm trước khi đi du học, ông ngoại Thư đã chỉ cho cháu cách học ngoại ngữ đó là, phải đọc truyện, xem phim bằng tiếng anh, đặc biệt là nghe thời sự, podcast bằng tiếng anh. Với cách đó, mình mới thật sự biết những từ, cụm từ nào người ta hay dùng.

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh, hiện đang học tại Drexel University ở Philadelphia (Mỹ) cho rằng, việc người người, nhà nhà cho con đi học tiếng Anh vì nhận ra được tầm quan trọng của tiếng Anh và dần dần việc học cũng như một trào lưu.

Theo Ngọc Quỳnh, sở dĩ em có điểm thi tốt và sử dụng tiếng Anh cho học tập cũng như cuộc sống ở nước ngoài không phải do luyện thi ở trung tâm mà từ bé đã thích xem các video trên youtube và học được nhiều qua các kênh thụ động.

Mặt khác, Quỳnh cũng thường đọc truyện bằng tiếng Anh để trau dồi thêm từ vựng và các cách dùng từ trong câu.

Em Lương Minh Khuê, cựu du học sinh tại Mỹ và Ba Lan nói rằng, mỗi người cần biết rõ mục tiêu khi học để tự nỗ lực trong việc tiếp thu kiến thức. Có thể lúc bắt đầu học là với mục tiêu luyện thi, nhưng sau khi thi xong thì cần liên tục trau dồi để cải thiện các kĩ năng.

“Theo em học tiếng anh không khó, chỉ cần chúng ta thật sự đầu tư thời gian và công sức. Tuy nhiên, công sức phần lớn phụ thuộc vào người học. Nếu người học không rõ mục tiêu và không có sự yêu thích tiếng Anh thì khó có thể làm chủ được ngôn ngữ”, Khuê nói.

Minh Khuê cũng cho rằng, đích cuối cùng của một chứng chỉ không chỉ là điểm số mà còn đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ đó. Hiện tại, riêng kì thi IELTS có phương pháp làm bài quá đặc thù và không có áp dụng được thực tiễn khi đi học đại học kể cả trong lẫn ngoài nước. Các từ vựng hay cấu trúc được coi là "ăn" điểm được phổ biến rộng rãi trên các nguồn thông tin về IELTS không được đánh giá cao khi lên bậc học cao hơn.

“Ở bậc đại học và sau đại học thì thứ sinh viên và nghiên cứu sinh cần là tư duy, kiến thức và cách lập luận. Luyện thi IELTS có thể giúp được một phần, nhưng với cách học nhiều nơi ở Việt Nam đang áp dụng hiện nay thì không phục vụ được cho ứng dụng thực tế”, Khuê nói.

Cũng theo du học sinh này, việc cho trẻ được đắm chìm trong môi trường tiếng Anh là việc cả đời. Nếu trẻ yêu thích tiếng Anh các bạn ấy có thể tìm kiếm và tạo môi trường riêng cho chính mình. Vì thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế dư dả để đầu tư cho con đi học các trung tâm có học phí cao với giáo viên nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nguồn thông tin và tài liệu phụ huynh có thể cung cấp cho con, nhưng cần được sàng lọc để phù hợp với độ tuổi. Vẫn cần nhấn mạnh là người học cần có sự tự giác trong việc tương tác với tài liệu.

Cần thiết đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Ông Nguyễn Nhật Hùng, đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tranh biện và Tư duy Phản biện SocioLogic cho biết, việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một mục tiêu rất thiết thực.

Vì theo ông Hùng, thứ nhất, tiếng Anh sẽ được triển khai một cách bài bản trong hệ thống giáo dục. Các chương trình học, học liệu sẽ được xây dựng kỹ càng, có tính toán. Các giáo viên, đặc biệt là nguồn giáo viên trẻ, năng động sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng để thực hiện và tích hợp vào hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học đến THPT, giúp trẻ hóa nguồn lực và thúc đẩy sự thay đổi, tiếp cận ngôn ngữ của học sinh, nhất là về phương diện văn hóa khi nhiều giáo viên trẻ đã có thời gian công tác và làm việc tại các quốc gia nói tiếng Anh.

Điều này đảm bảo mọi học sinh, bất kể điều kiện kinh tế hay địa lý, đều có cơ hội học tập và thực hành ngoại ngữ ngay từ những năm học đầu tiên một cách bình đẳng.

Thứ hai, tiếng Anh sẽ không chỉ dừng lại ở một môn học, học sinh cần học để đạt điểm và qua môn, mà sẽ trở thành một công cụ để tiếp cận với các bộ môn khác, các nguồn tài liệu, học liệu quốc tế. Khi việc tiếp xúc với tiếng Anh trở thành một điều tất yếu, cứ đi học là cần để hiểu bài giảng, học sinh sẽ dần xây dựng thói quen sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.

Các em sẽ không còn gặp quá nhiều khó khăn trong việc cần dịch một từ hay một câu từ tiếng Việt qua tiếng Anh, mà sẽ hiểu ngôn ngữ một cách rất tự nhiên như một người bản xứ. Đây là một điểm mạnh mà chỉ có chính sách đưa tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai trong trường mới thúc đẩy được.

Nên để cho các con học tiếng Anh một cách tự nhiên nhất

“Cho con đi học ngoại ngữ, phụ huynh cần phải thực tế trong kỳ vọng, không nên gây áp lực và làm sao để trẻ tiếp nhận, phát triển một cách tự nhiên, có niềm yêu thích với nó", Lương Minh Khuê, cựu du học sinh tại Mỹ và Ba Lan chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
TPO - Trong tháng 11/2024, nhiều chính sách nổi bật chính thức có hiệu lực như quy định về các hình thức giám sát CSGT làm nhiệm vụ; phạt tới 30 triệu đồng đối với người có hành vi xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng và quy định về chế độ ăn của phạm nhân; các trường hợp mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền khi đặt lệnh...