Cấm dạy thêm, học thêm và những biến tướng: Không có giải pháp nếu giáo viên cố tình

TP - Phụ huynh mong chờ những chế tài đủ mạnh từ ngành giáo dục về quản lí dạy thêm, học thêm bởi thực tế hiện nay nếu giáo viên muốn dạy thêm, không gì có thể kiểm soát được.

“Bài toán chưa có lời giải”

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định dạy thêm học thêm để thay thế Thông tư 17 ban hành năm 2012. Điểm mới của dự thảo là không còn các trường hợp bị cấm dạy thêm, học thêm như: Trường tiểu học dạy học và trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tổ chức dạy thêm; giáo viên đang giảng dạy được trả lương từ quỹ lương sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể giam gia dạy thêm ngoài nhà trường, hoặc không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh giáo viên dạy chính khóa khi chưa được phép của hiệu trưởng trường đó. Tuy nhiên, ranh giới giữa học thêm theo nhu cầu và “học thêm vì sợ cô” đôi lúc bị xóa mờ.

Cấm dạy thêm, học thêm và những biến tướng: Không có giải pháp nếu giáo viên cố tình ảnh 1

Tuyển sinh đầu cấp tạo áp lực học thêm, dạy thêm đối với học sinh và giáo viên. Ảnh: Nghiêm Huê.

Một giáo viên dạy THPT ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận: Nếu giáo viên đã muốn dạy thêm, không gì có thể kiểm soát được. Theo giáo viên này, tất cả các quy định, họ đều có thể “lách” được vì thực tế phụ huynh, học sinh đang bị họ bắt nạt, ép đi học thêm. Vị này lấy ví dụ: Giáo viên nay dạy bài mới, mai yêu cầu học sinh làm bài kiểm tra. Với cách này, chỉ những học sinh giỏi mới chạy kịp tiến độ để đạt điểm cao, những học sinh còn lại, chắc chắn điểm sẽ ở mức làng nhàng và giáo viên ra cảnh báo đỏ. Sau vài lần được thông báo điểm của con nằm trong top đội sổ, phụ huynh sốt ruột sẽ phải tự nguyện cho con đi học thêm.

Sau khi Thông tư 17 có hiệu lực, nhiều địa phương đã phải tổ chức đi rình giáo viên vi phạm quy định dạy thêm và như bắt gian. Nhưng cũng giống như bắt cóc bỏ đĩa, đến hẹn lại lên, vấn nạn “học thêm vì sợ cô” vẫn khiến phụ huynh khắp nơi bức xúc.

Một trong những người là tác giả của Thông tư 17 chia sẻ với phóng viên về việc đã dự liệu được dù thông tư có ra đời thì cấm dạy thêm học thêm vẫn không giải quyết được bức xúc của dư luận do đây là vấn đề của xã hội. Một mặt phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm và một mặt giáo viên có nhu cầu tăng thu nhập. Những giáo viên có năng lực tốt, phụ huynh sẽ tự tìm đến. Những giáo viên năng lực chưa tốt vẫn sẽ thi triển “quyền lực mềm” để ép học sinh học thêm.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), có một bộ phận giáo viên đặt nặng vấn đề dạy thêm, học thêm để có thêm thu nhập. Việc này một phần liên quan đến tiền lương của nhà giáo. Để chống dạy thêm, học thêm biến tướng tràn lan, cải thiện thu nhập cho giáo viên là một giải pháp. Ngoài ra, việc ép buộc dạy thêm, học thêm liên quan đến đạo đức nhà giáo, cần có giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Cần chế tài đủ mạnh

Đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng dạy thêm không trong sáng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ngành giáo dục phải giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất là đảm bảo đời sống tốt cho giáo viên. Điều này đang được bàn thảo trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Thứ hai là phải thay đổi việc kiểm tra đánh giá. Không để tình trạng kiểm tra đánh giá, thi chuyển cấp vượt ra ngoài chương trình học. Học sinh học gì thi nấy, còn hiện nay, thi gì học nấy. Vấn đề này phải giải quyết từ việc đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh; kinh phí đầu tư của nhà nước cho học sinh phải như nhau dù học công lập hay ngoài công lập. Có như thế, theo ông Hiển, mới giảm được áp lực tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Nhưng những gì được coi là hành lang pháp lí đảm bảo việc giáo viên không ép buộc học sinh học thêm ở dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến không được thể hiện rõ nét. Bởi những gì được gọi là trách nhiệm của giáo viên, người đứng đầu nhà trường, địa phương… vẫn chỉ là những ràng buộc mang tính hành chính và không có điểm đột phá so với Thông tư 17.

Việc dạy thêm học thêm đúng bản chất phụ thuộc rất lớn vào giáo viên và người đứng đầu nhà trường. Nếu giáo viên đặt nhu cầu vật chất lên trên và phải đạt được bằng mọi cách thì phụ huynh rất khó để từ chối. Lúc này, cần sự vào cuộc của lãnh đạo nhà trường. Nhưng nếu lãnh đạo cũng chỉ mắt nhắm mắt mở, việc học thêm, dạy thêm mãi mãi là vấn đề bức xúc khi chế tài không đủ mạnh, còn giáo viên lại ở vị thế là người quyết định kết quả đánh giá, học tập của học sinh trên lớp.

Tại Khoản 2 Điều 11 Chương II dự thảo Luật Nhà giáo quy định về những điều nhà giáo không được làm có quy định về việc “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”. Đây là điểm mới trong quy định đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Song nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của lệnh cấm này: Nếu triển khai áp dụng thì hình thức nào, phân công ai giám sát và cách xử lí kỉ luật ra sao?

Khi được hỏi, có hiệu trưởng trường phổ thông công khai thừa nhận việc dạy thêm, học thêm phức tạp, không văn bản nào có thể bao quát hết được. Học thêm, dạy thêm vốn là nhu cầu từ hai phía: người học và người dạy. Làm sao tạo thuận lợi cho việc học thêm lành mạnh (tự nguyện) và dạy thêm chính đáng, không bị nhầm lẫn với các hiện tượng tiêu cực là việc vô cùng khó khăn đối với các cơ quan quản lí giáo dục.

Cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT thống kê trong hàng chục ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục, chiếm phần lớn về dạy thêm, học thêm. Thậm chí, có người dân gửi ý kiến chất vấn: “Bộ trưởng cho biết, đến ngày nào thì có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm?”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thời điểm đó đã chia sẻ: “Dạy thêm học thêm là việc rất lớn, dù Bộ đã có phân tích, trả lời về việc này nhưng chắc chắn vẫn còn những băn khoăn”.

MỚI - NÓNG
Luật Điện lực sửa đổi 'giải vây' cho nhiều dự án năng lượng tái tạo?
Luật Điện lực sửa đổi 'giải vây' cho nhiều dự án năng lượng tái tạo?
TPO - Với việc có nhiều quy định mới liên quan đến năng lượng tái tạo, chuyên gia đánh giá Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết thế bế tắc của các dự án sau thời gian dài im ắng, góp phần giải cơn "khát" điện trong bối cảnh nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn tới rất lớn.
Bí thư Bình Dương ra ‘tối hậu thư’ cho dự án mở rộng quốc lộ 13 đang chậm tiến độ
Bí thư Bình Dương ra ‘tối hậu thư’ cho dự án mở rộng quốc lộ 13 đang chậm tiến độ
TPO - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã đi kiểm tra một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Dự án này chậm tiến độ gây khó khăn cho người dân sinh sống bên đường, ông Lợi đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước 30/4/2025, không thể kéo dài mãi.