Không cấm dạy thêm ở bậc tiểu học
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi có nhiều điểm mới so với Thông tư 17 trước đây.
Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định trước đây nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Với dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh. Ví dụ, quy định không cấm việc dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học.
Bộ GD&ĐT cho rằng, trên thực tế, dạy thêm và học thêm là nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. |
Điều thứ hai, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định rõ phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn: Muốn dạy thêm môn nào, lý do vì sao phải dạy thêm? Mục tiêu dạy thêm là gì? Để đạt mục tiêu đó thì nội dung dạy thêm là gì, thời lượng là bao nhiêu? Danh sách cụ thể giáo viên đăng ký dạy thêm?
Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Ngoài ra, đối với dạy thêm học thêm trong nhà trường, Dự thảo mới cũng bỏ nội dung: “Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường”.
“Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”, Dự thảo nêu.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Dự thảo quy định rõ, giáo viên được dạy thêm nhưng phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tránh “ép” học sinh tự nguyện học thêm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trên thực tế, dạy thêm và học thêm là nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Những giáo viên giỏi luôn có học sinh, phụ huynh đăng ký cho con theo học để phát triển được năng lực của con.
Duy chỉ có vấn đề lâu nay dư luận rất bức xúc, đó là giáo viên đang dạy học sinh ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia “ép” bằng được học sinh học thêm ở bên ngoài do chính mình đứng lớp. Phụ huynh bất bình vì những trường hợp này phải “tự nguyện một cách bắt buộc”. Đó là thực tế nhiều năm qua đặt ra yêu cầu ngành GD&ĐT phải tìm cách quản lý.
Cũng theo ông Thành, Dự thảo có những điểm mới cần lưu ý. Thứ nhất là đối với dạy thêm học thêm trong nhà trường, Thông tư 17 lâu nay nêu cụ thể những trường hợp “cấm” nhưng với dự thảo lần này chúng tôi nhận thấy không cần thiết đưa vào nữa hoặc phải điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp.
Ví dụ, ở cấp tiểu học dự thảo đã nêu nguyên tắc: “Đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm học thêm nữa”. Bởi vì hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiết kế bắt buộc bậc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày nên đương nhiên không cần “cấm” dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Thứ hai, những năm qua việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường THCS - THPT cũng có tình trạng phân biệt giữa “môn chính, môn phụ”, giữa giáo viên này với giáo viên khác.
Do đó, dự thảo quy định khi giáo viên thấy cần thiết phải dạy thêm học thêm thì cần nêu được lý do tại sao, mục tiêu là gì, nội dung ra sao, thời lượng thế nào… Đề xuất này phải được nêu trong tổ chuyên môn để các giáo viên cùng có ý kiến.
“Căn cứ vào đề xuất của các tổ chuyên môn hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Sau khi công khai kế hoạch dạy thêm nhà trường mới cho học sinh đăng ký, xếp lớp và phân công giáo viên giảng dạy”, ông Thành lý giải.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, dự thảo có nhiều điểm mới, khắc phục được hạn chế trong Thông tư hiện hành.
Nếu trước đây, muốn học thêm trong trường học, phụ huynh phải “tự nguyện viết đơn” đăng ký học thêm. Đâu đó sẽ có hiện tượng “ép” học sinh tự nguyện. Chúng tôi muốn tránh chuyện hình thức đó do vậy phải có quy định rõ ràng mọi thông tin về dạy thêm học thêm để học sinh và phụ huynh có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng em - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).
Dự thảo cũng không “cấm” giáo viên dạy thêm chính học sinh trên lớp của mình nếu học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu. Thay vào đó quy định rõ, giáo viên phải lập danh sách, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Làm sao để giải quyết được tận gốc vấn đề gây bức xúc, đó là giáo viên ép học sinh của mình học thêm dù học sinh không muốn. Đây mới là vấn đề mà ngành GD&ĐT muốn chấn chỉnh nhất.
Với ngành Giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở các địa phương thực chất phải đóng vai trò người giám sát, quản lý, bắt đầu từ trường, đến phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT.
"Nếu có vi phạm do nhà trường phát hiện, hoặc phản ánh từ nhân dân thì sẽ có minh chứng theo quy định như trong dự thảo Thông tư phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; bảo đảm giảm thiểu các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm", ông Thành nói.