Biến tướng dạy thêm, học thêm, Bài 2: 'Chiêu' lách luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù Bộ GD&ĐT quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường, giáo viên vẫn “đủ chiêu” lách luật. Học sinh học thêm kín lịch đến đêm khuya còn phụ huynh còng lưng đóng tiền.
Biến tướng dạy thêm, học thêm, Bài 2: 'Chiêu' lách luật  ảnh 1
Một lớp học thêm vào buổi tối ở TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền

Học thêm núp bóng CLB

Chị Trần Thị Thu (tên phụ huynh thay đổi) có con học lớp 7, một trường THCS ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, từ cuối tháng 7/2023, trong nhóm phụ huynh của lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh gợi ý các phụ huynh khác cho con học thêm chính cô giáo ở trường bằng thông báo: “Chỉ còn một tháng nữa sẽ bước vào năm học mới. Một số bác lo lắng vì chương trình, SGK mới rất khó nên muốn nhờ cô dạy Ngữ văn thêm 2 buổi/tuần”.

Ngay sau đó, những ai đăng ký học thêm cho con được mời tham gia một nhóm riêng có tên là “học CLB” với giá 100.000 đồng/buổi tại nhà riêng của cô giáo. Dù con đã học từ hè với gia sư nhưng lo lắng điểm số, chị Thu đành hủy lịch gia sư để đăng ký cho con học 2 buổi/tuần.

Chưa hết, khi vào năm học mới, dù học sinh đã được học ngày 2 buổi nhưng một trường THCS ở quận Thanh Xuân vẫn cho học sinh đăng ký học thêm dưới dạng CLB, gồm: CLB Toán, CLB Văn, CLB tiếng Anh, CLB STEM. Theo thời khoá biểu của một lớp áp dụng từ 15/9 trong khối 7 của trường này, lịch học buổi chiều (buổi 2) mỗi ngày bố trí 2 tiết, có 1 ngày 3 tiết, còn lại thời gian dành cho việc học CLB.

Điều đáng nói, trong 1 tuần, học sinh phải học 1 buổi CLB Văn, 1 buổi CLB Toán, 1 buổi CLB tiếng Anh, 1 buổi CLB STEM. Chưa kể, thời khoá biểu buổi chiều còn có cả lịch học tiếng Anh với người nước ngoài; Toán tiếng Anh là môn liên kết.

“Dù là hình thức tự nguyện nhưng đa số học sinh đều học nên mình cũng phải đăng ký cho con. Học như vậy là quá nhiều. Hỏi con cũng nói, nếu chỉ học buổi sáng trên lớp cô đọc cho chép không hiểu bài. Ở lớp học thêm, cô dành thời gian giảng kỹ hơn”, chị Thu nói.

Cũng theo phụ huynh này, từ đầu năm học đến nay, nhà trường chưa thông báo số tiền học CLB cần phải đóng nhưng trong buổi họp phụ huynh đầu năm đã thông báo mức thu các môn liên kết có giá 40.000 đồng/tiết/học sinh và CLB STEM có mức phí 240.000 đồng/tháng.

Mới đây, nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng bức xúc khi một số trường Tiểu học chèn môn học xã hội hóa vào giờ chính khóa, khiến những học sinh không có nhu cầu học phải mệt mỏi ngồi đợi bạn học xong mới được học các môn chính.

Chị L.V., có con học một trường Tiểu học tại quận Hải Châu bất bình khi con chị như bị tách ra khỏi lớp. “Ngày thứ Sáu đáng ra cháu chỉ học 4 tiết chính xong là về, nhưng trường chèn 2 tiết tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy (môn xã hội hóa) vào. Con tôi và một số bạn không đăng ký phải ngồi trong lớp đợi các bạn học. Đến đầu buổi chiều mới học tiếp hai tiết môn chính rồi mới được về. Trong khi ngồi đợi, các cháu tủi thân vì bạn được phát sách vở học còn mình thì không”, chị nói. Chị V. và phụ huynh khác cho rằng việc chèn môn xã hội hoá vào ngay trong giờ chính khoá gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em không đăng ký học.

Trước phản ánh của phụ huynh và báo chí, các trường đã tạm dừng học chương trình xã hội hóa tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu các trường đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh khi triển khai môn xã hội hóa. Các trường chỉ được phép triển khai khi xây dựng kế hoạch đầy đủ theo hướng dẫn của Sở và được Phòng GD&ĐT phê duyệt.

Sở nhìn nhận, việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cũng như dạy kĩ năng sống là những môn học tự nguyện, do học sinh và phụ huynh đăng kí. Do không phải học sinh nào cũng có nhu cầu nên chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn trong thời khóa biểu chính khóa. Đồng thời nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia.

Tăng cường quản lý

Theo một nhà giáo có nhiều năm giữ vai trò quản lý trường học tiết lộ, để lách quy định cấm dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày, trường học sẽ tổ chức dạy thêm “núp bóng” mô hình CLB. Đồng thời, trường không cho giáo viên ra mặt thông báo trực tiếp trong các nhóm lớp mà chủ yếu thông qua ban phụ huynh của lớp dưới danh nghĩa tự nguyện đăng ký.

Đối với tiền học thêm, nhà trường không thông báo bằng tin nhắn, có danh sách thu vì sợ lọt thông tin ra ngoài, thay vào đó dùng “mánh” yêu cầu phụ huynh nộp tiền mặt cho giáo viên chủ nhiệm. Trường dạy thêm, giáo viên chê bai học sinh để phụ huynh lo lắng, học thêm với giáo viên chủ nhiệm thường ở ngoài nhà trường.

Đối với khối 8,9 không học 2 buổi/ngày, quy định nhà trường được tổ chức dạy thêm nhưng phải phân chia lớp học theo năng lực của học sinh. Từ đó bố trí giáo viên đứng lớp phù hợp cũng như có mức thu theo quy định. Trên thực tế, nhiều trường không phân chia lớp theo năng lực học sinh mà để dạy học đại trà và thu tăng tiền rất nhiều so với quy định.

Theo nhà giáo này, nên cấm hẳn việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, giảm cả các môn liên kết, chỉ cho phép các trung tâm dạy thêm hoạt động. Khi đó, giáo viên sẽ phải dạy hết trách nhiệm, kiến thức trên lớp. Phụ huynh không lo sợ chuyện không học thêm với cô sẽ “bị đì”, điểm thấp. Giáo viên nào có năng lực ký hợp đồng với các trung tâm. Khi đó, chính trung tâm phải kiểm soát chất lượng. Nếu dạy không tốt người học sẽ từ chối trong khi dạy thêm trong trường học phụ huynh rất khó đánh giá được hiệu quả.

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, Bộ đã tiến hành 7 cuộc thanh tra hành chính đối với 8 đơn vị; 10 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 15 đơn vị và 37 cuộc kiểm tra các địa phương, cơ sở, trong đó có cả nội dung dạy thêm, học thêm. Các sở GD&ĐT tổ chức 513 cuộc thanh tra chuyên ngành, trong đó có việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi đầu năm học, tuy nhiên không nêu các vụ việc vi phạm được xử lý.

“Mỗi giờ học có 45 phút, giáo viên đến muộn 5 phút, mất thêm 5 phút ổn định lớp còn 35 phút dạy được chăng hay chớ. Học sinh, phụ huynh khó kiểm soát được chất lượng. Cuối cùng học sinh vất vả học chính, học thêm ở trường, học thêm nhà cô, học trung tâm đến kiệt sức”, người này nói.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ, hầu hết học sinh cuối cấp THCS và THPT có nhu cầu học thêm các môn thi vào lớp 10 và đại học. Hằng năm Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng Giáo dục đều xếp hạng các địa phương, các trường thông qua điểm thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Đây là một áp lực rất lớn buộc các trường phải đua tranh.

“Vấn đề bất cập hiện nay, việc dạy thêm, học thêm chưa có một chế tài quản lý rõ ràng nên không tránh khỏi những biến tướng và hệ lụy. Cần phải tăng cường quản lý để việc dạy thêm, học thêm đúng thực chất và đúng mục đích, có được sự đảm bảo về chất lượng. Kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình trạng một số giáo viên lợi dụng dạy thêm để chèn ép, làm khó phụ huynh gây nên những mặt trái không đáng có”, thầy Tuấn Anh nói thêm.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG