Tiến vào vùng tâm bão

Tiến vào vùng tâm bão
TPCN - Sáng 30/9, sau ít phút gặp gỡ, nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đúng 9h00 phóng viên Tiền phong cùng đoàn cán bộ Bộ Tài nguyên & Môi trường lên đường tiến vào vùng tâm bão - Đà Nẵng.
Tiến vào vùng tâm bão ảnh 1
PV Tiền phong chụp ảnh với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi đi vào vùng tâm bão

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn (DBKTTV) Thanh Hoá. 13h00, trời Thanh Hoá oi bức, ngột ngạt.

Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Văn Lượng cho biết, mặc dù Thanh Hoá không nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 6 nhưng liên tục trong các ngày qua bà con nông dân đã được lệnh gặt lúa cả ngày lẫn đêm để tránh thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Trên màn hình máy tính đặt tại Trung tâm DBKTTV Thanh Hoá, hình ảnh bão Xangsane hung dữ đã tiến đến rất gần bờ biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Kim Tuyển, Phó Chánh văn phòng Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận xét: “Mắt bão đen và nhìn rất rõ chứng tỏ cơn bão mạnh và cực kỳ nguy hiểm. Hoàn lưu rộng lớn của cơn bão bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”.

Thủ tướng động viên phóng viên Tiền phong lên đường làm nhiệm vụ

Khi thăm và làm việc với cán bộ Trung tâm DBKTTV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thông báo một đoàn công tác của Bộ tài Nguyên&Môi trường sẽ lên đường ngay vào vùng gió bão để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác dự báo và truyền tin.

Được biết trong đoàn có nữ phóng viên báo Tiền phong, Thủ tướng thốt lên: “Phóng viên Tiền phong à?”. Thủ tướng tươi cười giơ tay mời nhà báo trẻ Mỹ Hằng đến bên mình để chụp bức ảnh kỷ niệm trước khi “lao vào tâm bão” cùng hai cán bộ Trung tâm DBKTTV và phóng viên hai tờ báo, tạp chí chuyên ngành của Bộ Tài nguyên&Môi trường.  

14h00, thông tin qua máy cầm tay của Phó giám đốc Trung tâm KTTVQG Trần Văn Sáp cho biết, gió đã mạnh lên cấp 8 tại đảo Lý Sơn.

Ngay sau đó, đoàn nhận điện thoại của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Mai ái Trực nhắc nhở đoàn công tác lưu ý đánh giá đúng thực trạng ảnh hưởng của cơn bão, đồng thời giải thích rõ những ảnh hưởng của gió mạnh vùng ven trước tâm bão đối với các khu vực ven bờ để nhân dân chủ động trong công tác phòng tránh.

Những thông tin nóng hổi về bão số 6 liên tiếp được cập nhật qua máy cầm tay của vị trưởng đoàn đã 30 năm làm công việc “đón bão” này.

Dọc đường đoàn vào Vinh (Nghệ An), cây cối được gấp rút chặt tỉa những cành lớn để đảm bảo an toàn cho người đi đường trong trường hợp có bão và gió lớn.

Càng tiến sâu vào phía Nam, trời chuyển đầy mây, phủ kín bầu trời. Những chuyến xe cuối cùng trong ngày hối hả chạy tránh bão. Từ Nghệ An vào Đà Nẵng, gần như không nhìn thấy chiếc xe máy nào chạy trên đường.

Ông Trần Văn Sáp nhận định: “Theo kinh nghiệm, thời tiết trước bão thường oi bức, ngột ngạt, tưởng như là yên tĩnh, nhưng thực ra đó chỉ là hiện tượng “trời lặng trước bão”. Bão sẽ đổ bộ bất ngờ với sức tàn phá ghê gớm”.

17h00, Huế và Đà Nẵng bắt đầu mưa dữ dội, gió giật cấp 6, cấp 7. Khu vực đảo Lý Sơn gió giật lên cấp 12. Chúng tôi bắt đầu đi vào tâm bão.

MỚI - NÓNG